Giỏi nghề nông nhờ noi gương Bác: cần cù, ham học hỏi

06:10, 14/10/2014

Quanh năm gắn bó với ruộng vườn, tay chân còn lấm lem bùn sình, nhưng bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của mình, nhiều cán bộ, hội viên hội nông dân đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi hưởng ứng việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xứng danh là những bông hoa tỏa ngát hương thơm trong vườn Bác.

Quanh năm gắn bó với ruộng vườn, tay chân còn lấm lem bùn sình, nhưng bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của mình, nhiều cán bộ, hội viên hội nông dân đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi hưởng ứng việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xứng danh là những bông hoa tỏa ngát hương thơm trong vườn Bác.


Ông Nguyễn Văn Thời (phải) không chỉ làm nông giỏi mà còn giỏi vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới.

 “Kiện tướng” trồng thanh long ruột đỏ

“Bén duyên” với nghề nông khoảng 5 năm nay, ông Lưu Vạn Trường (Ấp 6, xã Hậu Lộc- Tam Bình) đã trở thành một trong những “kiện tướng” trồng thanh long ruột đỏ khá hiệu quả trên đất Vĩnh Long. Thời điểm trái thanh long rớt giá thê thảm, nhiều nơi phải chất đống, bán đổ bán tháo, nhưng trái thanh long của ông vẫn được xuất khẩu “ngon lành”.

Ông cho biết: Nhờ học theo Bác ở đức tính cần cù, tiết kiệm, thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu thông tin qua báo, đài, Internet để ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất mà trái thanh long ruột đỏ của tôi có thể “trụ vững” trên thương trường.

Năm 2010, ông được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ 20 triệu đồng từ chương trình trồng thanh long ruột đỏ. Trước khi khởi nghiệp, ông đi tham quan, học hỏi nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm. Hiểu rõ đặc tính của cây thanh long là có thể cho trái quanh năm (tháng nghịch thì xông đèn- PV) nên “không sợ cảnh được mùa mất giá hay được giá mất mùa”- ông nói.

Thế là, ông đã bắt tay vào trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ trên 2.000m2 đất. Theo ông, trồng thanh long ruột đỏ khó gấp 10 lần trồng thanh long ruột trắng, nhất là khâu chăm sóc và xử lý trái, do đây là loại cây trồng rất nhạy cảm với phân thuốc, nếu làm không đúng quy trình kỹ thuật thì trái sẽ biến dạng, không đạt chuẩn xuất khẩu.

Từ vốn kiến thức đã học, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các kỹ sư Viện Cây ăn quả Miền Nam, năm đầu tiên, cây cho năng suất 1 tấn trái/công. Qua 3 năm, cây trưởng thành cho năng suất hơn 5 tấn trái/công. Đến nay, ông đã nhân rộng ra trồng 1.600 trụ/20 công. Lợi nhuận từ năm 2012 đến nay, đạt gần 1,9 tỷ đồng.

Nhờ “ăn nên làm ra”, đã góp phần giải quyết việc làm 3 lao động quanh năm và 7 lao động thời vụ. Điều đáng phấn khởi là đã thành lập Tổ hợp tác Trồng thanh long ruột đỏ do ông làm tổ trưởng với 39 thành viên là hội viên hội nông dân.
 
Bằng kinh nghiệm và kiến thức sư phạm (trước đây ông học ngành sư phạm- PV), ngoài việc đứng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông còn tận tình hướng dẫn tổ viên về kỹ thuật trồng và chăm sóc trái thanh long ruột đỏ đạt chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh, ông luôn sẵn lòng hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cho mượn bóng đèn để xông trái thanh long...

“Đất Vĩnh Long trồng thanh long là số một vì “ngoại hình” trái khá đẹp so với những nơi khác”- ông nhận xét. Vì vậy, với ông “giúp được tổ viên trồng thanh long đạt chuẩn vươn ra thị trường xuất khẩu là vui rồi”.

Giỏi trồng lúa, giỏi công tác xã hội

Khởi nghiệp với hơn 1ha trồng lúa hàng hóa nhưng cuộc sống không ổn định, do thiếu kinh nghiệm sản xuất, ông Nguyễn Văn Thời (ấp Long Tân, xã Long An- Long Hồ) đã chủ động tham gia vào hội nông dân và CLB khuyến nông để tìm tòi, học hỏi kiến thức và chọn lọc, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào thửa ruộng của mình.

Với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và chí thú làm ăn; đến nay, ông đã có trong tay 4ha sản xuất lúa giống chất lượng cao, 2 máy gặt đập liên hợp và 2 máy cày, đã đem đến cho ông nguồn lợi nhuận gần 470 triệu đồng/năm.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” nên từ khi đời sống kinh tế ổn định, ông luôn quan tâm giúp đỡ hội viên nghèo có công ăn, việc làm thường xuyên thông qua việc cho mượn vốn để chăn nuôi, mua meo làm nấm rơm...


Học Bác Hồ tính cần cù, ham học hỏi, ông Lưu Vạn Trường trở thành “kiện tướng” trồng thanh long ruột đỏ.

Là người rất “mê” làm lúa giống, ông đã kết hợp với đội kỹ sư FF của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang mở tổ thăm đồng với 25 thành viên tham gia.

Theo đó, tổ dành ngày thứ 7 hàng tuần để đi thăm đồng và “bắt mạch” cho cây lúa để có hướng phòng, trị bệnh kịp thời và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa. Ông cho biết, sắp tới sẽ thành lập tổ dịch vụ phun, xịt thuốc vừa đáp ứng nhu cầu của nhà nông, vừa giúp hội viên hội nông dân nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ông hiểu rõ nguyện vọng của trên 2.000 cử tri trong xã là có nước sạch sử dụng nên đã chủ động đề nghị được hiến 450m2 đất để làm nhà máy nước Long Tân và hiến 500m2 đất để Nhà nước mở rộng tuyến giao thông nông thôn.

Ngoài ra, ông còn dành một phần đất để làm đường cho xe 4 bánh chạy đến nhà máy nước và đặt 2 trụ điện hạ thế.

Theo ông Dương Văn Phước- Chủ tịch Hội Nông dân xã: Học theo Bác, ông Nguyễn Văn Thời không chỉ chuyên cần, chí thú làm ăn, mà còn biết cách đối nhân xử thế với xóm giềng và những người xung quanh, là người luôn gương mẫu đi đầu trong các mặt công tác.

Với vai trò là Ủy viên BCH Hội Nông dân xã và cũng là Chi hội phó Nông dân ấp, năm nào, ông Nguyễn Văn Thời cũng tham gia vận động hội viên Hội Nông dân trong ấp đóng góp các khoản thu trong chiến dịch mùa khô vượt chỉ tiêu. Gần đây nhất là đã vận động nông dân góp 26,5 triệu đồng và 150 ngày công lao động đổ đá 2 tuyến đường giao thông nông thôn dài 2.100m.

Thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương thi đua “Dân vận khéo”, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng phong trào trọng tâm “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” đã thu hút 108 cơ sở hội và 80.000 cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Qua đó, có 95 nhà nông tiêu biểu cho các lĩnh vực sản xuất được tuyên dương điển hình “Nông dân xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh