Giúp việc gia đình được công nhận là một nghề chuyên nghiệp

02:10, 08/10/2014

Hiện nay, giúp việc gia đình được xem là nhu cầu phổ biến tại nhiều gia đình ở thành thị. Ngày 5/10, Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình) có hiệu lực.

Hiện nay, giúp việc gia đình được xem là nhu cầu phổ biến tại nhiều gia đình ở thành thị. Ngày 5/10, Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình) có hiệu lực.


Quanh câu chuyện nghề giúp việc, PV Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhân- Trưởng phòng Việc làm- Tiền lương- Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long.

* Thưa ông, Nghị định số 27 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với lao động giúp việc gia đình và chủ sử dụng lao động?

- Ông Nguyễn Thanh Nhân: Nghị định quy định một số quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, lao động là người giúp việc gia đình. Đây là một thông điệp mạnh mẽ bởi nghề giúp việc gia đình khi đảm bảo các yêu cầu quy định là một nghề chuyên nghiệp mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội cho các gia đình thuê người giúp việc, cho bản thân người giúp việc và cả xã hội. Điều đó thể hiện sự ghi nhận nghề giúp việc gia đình mang ý nghĩa quan trọng để các thị trường lao động có thể vận hành hiệu quả, tạo điều kiện để lao động làm việc và duy trì năng suất lao động.

*Pháp luật quy định như thế nào về quyền lợi của người giúp việc gia đình, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Nhân: Quyền lợi cuả người lao động nói chung được pháp luật lao động quy định cụ thể trong Bộ luật lao động. Nghị định số 27 ban hành, quyền lợi của người giúp việc gia đình được quy định cụ thể hơn như sau: Người giúp việc gia đình phải được ký hợp đồng lao động bằng văn bản, kể cả những người không biết chữ. Nội dung của hợp đồng lao động được quy định cụ thể hơn như công việc và địa điểm làm việc; thời hạn của hợp đồng lao động; tiền lương; tiền thưởng; thời giờ làm việc; thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; điều kiện ăn và chổ ở của người lao động; Người sử dụng lao động giúp việc gia đình thông báo với UBND nơi người lao động làm việc theo quy định tại Nghị định này;...

* Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi cũng như các chế độ chính sách khác đối với lao động giúp việc gia đình được quy định ra sao, thưa ông!

- Ông Nguyễn Thanh Nhân: Theo quy định tại Nghị định số 27 quy định như sau: Đối với người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động: thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi do 2 bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục. Đối với người lao động không sống cùng gia đình : thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi do 2 bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật lao động.

Các chế độ nghỉ hàng tuần, hàng năm, nghỉ lễ, tết và các chế độc chính sách khác được áp dụng cho người giúp việc gia đình đều tuân theo quy định của pháp luật lao động.

- Thưa ông! Lâu nay mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình chủ yếu dựa trên thỏa thuận bằng miệng. Vậy, làm thế nào để ràng buộc mối quan hệ này dựa trên cơ sở pháp lý?

- Ông Nguyễn Thanh Nhân: Cơ sở pháp lý ràng buộc mối quan hệ này là Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, trong đó có Nghị định 27 và Thông tư 19. Đây là 2 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình.

- Xin cám ơn ông!

THÚY QUYÊN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh