
Qua 2 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Vũng Liêm, đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào cụ thể, thiết thực trong làm ăn phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới.
Qua 2 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Vũng Liêm, đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào cụ thể, thiết thực trong làm ăn phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới.
“Toan lo liệu tính” đảm bảo cuộc sống
Tại ấp Xuân Minh 2 (xã Trung Thành), hộ gia đình ông Thạch Được và bà Thạch Thị Quí có gần 3 công ruộng lên vườn, chủ yếu trồng màu. Theo mùa vụ, nhà ông Được xuống giống bắp, rau muống, dưa gang, củ cải,...
Ông Thạch Được chân tình chia sẻ: “Trồng, bán có lời có lỗ theo thời giá, mùa vụ nhưng giúp nhà có đồng ra, đồng vào”. Ông Được còn trồng xen dừa và mít Thái siêu sớm. Với “kiểu lấy ngắn nuôi dài hy vọng sẽ giúp kinh tế hộ gia đình thêm ổn định”- ông Được cho biết về kế hoạch sản xuất của mình.
Ông Thạch Được trên rẫy bắp của mình.
Hộ bà Thạch Thị Quí và ông Thạch Được nằm trong số nhiều hộ trong ấp thực hiện mô hình đưa cây màu xuống ruộng, theo một chương trình hỗ trợ vốn của Dự án Apga thông qua Hội Phụ nữ xã.
Bà Lê Hồng Huệ- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Thành cho biết: Đây là chương trình trợ vốn kéo dài trong 4 năm, cho những hộ gặp khó trong sản xuất. Mỗi hộ là 3 triệu đồng. Nhưng hội có sáng kiến là thu hồi vốn dần theo từng năm là 1 triệu đồng. Số tiền đó lại tiếp tục cho những hộ khác vay. Như vậy đồng vốn xoay vòng nhanh cho nhiều hộ, mà nông dân hoàn vốn cũng nhẹ lo. Một điều hay là trước khi nhận hỗ trợ vốn, bà con đều được tập huấn cách tổ chức, lập kế hoạch cho mô hình sản xuất.
Hầu hết hội viên phụ nữ trong xã đều có tham gia phong trào, mô hình để phát triển kinh tế hộ, giúp ổn định cuộc sống. Người khá giả thì chăn nuôi bò; hộ nghèo, khó khăn thì được trợ giúp vốn để đan đát, trồng màu,...
Theo bà Lê Hồng Huệ: “Phụ nữ vốn toan lo liệu tính, phải năng động tích cực để tích cóp từ từ lo cho cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học, thoát nghèo”.
Đến gia đình bà Sơn Thị Hoa (ấp Trung Trạch, xã Trung Thành), chúng tôi biết thêm những sản phẩm đan đát bắt mắt do bà và bà con xung quanh làm ra. Đó là các sản phẩm như khung xếp bằng lõi lục bình, khung xếp chữ V, giỏ đựng hoa lan,…
“Tui thấy nguyên Tổ 12 này, nhà nào cũng có đan đát, kết cườm hết. Tụi tui làm lúc rảnh, xen với công việc ruộng nương, chợ búa hàng ngày. Thu nhập không cao nhưng nếu siêng thì ngày bỏ 4 tiếng đồng hồ đan cũng được 2 tấm nệm lót bằng ny lông thì có hơn 20 ngàn đồng, phụ thêm chi tiêu cho nhà”- bà Sơn Thị Hoa nói.
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hạnh- Trưởng Khối vận, Chủ tịch MTTQ xã Trung Thành, được biết trong các mô hình, phong trào gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế- xã hội địa phương và gắn với “Dân vận khéo” thời gian qua có kết quả tốt. Tại xã, hiện nay hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh đều có những mô hình đi đầu trong khối, khi triển khai xuống người dân đạt hiệu quả cao.
Gắn với phát triển địa phương
Tại xã Trung Chánh, qua 2 năm thi đua “Dân vận khéo”, đã xuất hiện mô hình khá hay, thiết thực với đời sống người dân: xây hầm biogas, thu gom rác thải hưởng ứng phong trào “5 không, 3 sạch”.
Hầm biogas của nhà anh Lê Văn Tấn.
“Nhà tui nuôi 8- 10 con heo, xây cái hầm biogas này, xài thả ga nào là nấu cơm, nấu nước, nấu thức ăn cho heo… cũng không hết”- nông dân Lê Văn Tấn (ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh) phấn khởi khoe cái hầm biogas, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh Lê Văn Nhứt, đây là một trong nhiều nông dân xã có chăn nuôi heo phát triển kinh tế, kết hợp xây hầm biogas theo một dự án tài trợ của tổ chức phi chính phủ đã đem lại hiệu quả cao.
Cũng qua “Dân vận khéo”, hầu hết chị em tại 8 ấp trong xã Trung Chánh đều có tham gia mô hình “Thu gom rác thải”, phong trào “5 không, 3 sạch”. Theo bà Lê Thị Liến- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Chánh, điểm nhấn là việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong từng gia đình chị em, tham gia xây dựng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể các loại rác thải: bọc ny lông, chai lọ nhựa, bọc kiếng trắng, bao xi măng,... được từng nhà thu gom lại sau khi sử dụng để bán cho vựa phế liệu. Cả xã có gần 20 hộ gia đình có tổ chức thu mua rác thải do bà con đem đến bán.
“Ở từng hộ gia đình bên ngoài có hố rác, trong nhà có 2 sọt rác để phân loại. Loại rác phân hủy đổ xuống hố rác, loại rác không phân hủy được giữ lại bán tái chế, lấy tiền bỏ ống tích lũy cuối năm mua trà, bánh. Tiền thu được không nhiều, nhưng qua đó góp phần làm sạch môi trường sống ở gia đình và cộng đồng dân cư và cái “lời” nhất là tạo nên ý thức không quăng rác bừa bãi cho bà con nông thôn.
Các mô hình đưa cây màu xuống ruộng, xây hầm biogas, “thu gom rác thải” kể trên hầu hết gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà chính quyền, đoàn thể các địa phương đã phát động triển khai ở hộ gia đình thời gian qua. Nhiều mô hình đã báo cáo điển hình thi đua “Dân vận khéo” của huyện Vũng Liêm 2 năm qua.
Theo ông Nguyễn Văn Tốt- Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vũng Liêm, phong trào “Dân vận khéo” trong huyện thời gian qua đã xuất hiện đa dạng các mô hình, phong trào. Nổi bật trong đó có các mô hình gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. “Các phong trào, các mô hình làm ăn đều đem lại hiệu quả cao, gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương”.
Các mô hình, phong trào gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế- xã hội địa phương và gắn với “Dân vận khéo” thời gian qua, ngày càng phong phú, đa dạng và có kết quả tốt.
|
Bài, ảnh: QUANG THUẦN- MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin