Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động thời kỳ mới

02:10, 02/10/2014

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động (NLĐ), góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội.


DN phải quan tâm, chú ý đến vấn đề ATVSLĐ như nhắc nhở công nhân sử dụng phương tiện bảo hộ LĐ theo đúng quy định.

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động (NLĐ), góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội.

Đảm bảo tốt công tác ATVSLĐ

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quy mô xây dựng và sản xuất ngày càng phát triển, sử dụng nhiều công nghệ mới với máy móc, vật tư đa dạng về chủng loại, nên các yếu tố có thể gây ra tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ ngày càng gia tăng.
 
Vì vậy, việc thực hiện những biện pháp ATVSLĐ để đáp ứng ngày càng tốt hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho NLĐ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) là một yêu cầu cấp thiết.

Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong các DN, Chính phủ ban hành Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013.
 
Vấn đề VSATLĐ được quy định cụ thể tại Chương IX, Bộ luật Lao động 2012. Những điểm mới của chương này bổ sung một số chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực ATVSLĐ bằng việc khuyến khích phát triển các dịch vụ ATVSLĐ để đáp ứng ngày càng tốt hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho NLĐ, tạo thuận lợi cho DN như các quy định về người sử dụng LĐ phải cử người làm công tác ATVSLĐ, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.

Quy định rõ các trách nhiệm của người sử dụng LĐ như: phải chủ động xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức việc diễn tập để sẵn sàng xử lý tốt các tình huống; có tránh nhiệm đối với người bị tai nạn LĐ, người học nghề, tập nghề và thử việc; phải lập kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và cải thiện điều kiện LĐ khi xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm của DN.

DN ý thức nâng cao ATVSLĐ

Theo ông Huỳnh Thanh Tuấn- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, những năm qua nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên các DN có vốn nhà nước và một số DN ngoài quốc doanh có quy mô sản xuất lớn (kể cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài) đã thực hiện công tác bảo hộ LĐ tương đối đồng đều và toàn diện.

Đồng thời, qua việc thanh, kiểm tra các DN về việc thực hiện chính sách LĐ và BHXH, ATVSLĐ cho thấy, nhìn chung các DN từng bước tổ chức thực hiện chính sách LĐ, ATVSLĐ ngày càng tích cực.
 
Các DN thực hiện việc ký hợp đồng LĐ với NLĐ, trả lương kịp thời, đầy đủ cho NLĐ, các biện pháp cải thiện điều kiện LĐ ngăn ngừa tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ được quan tâm đúng mức, được trang bị phòng hộ LĐ cá nhân đầy đủ; có tổ chức hội đồng bảo hộ LĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị phòng hộ LĐ...

Xác định ATLĐ là một tiêu chí để DN phát triển bền vững, ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến cho biết:

Công ty thành lập Hội đồng Bảo hộ LĐ, Hội đồng An toàn sức khỏe môi trường, Ban An toàn LĐ- vệ sinh công nghiệp- phòng chống cháy nổ nhằm mục đích xây dựng các nội quy, quy trình về kỹ thuật an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp…

Chị Nguyễn Minh Kha- Trưởng Phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Acecook Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long cho biết, ngoài việc chăm lo đầy đủ các chế độ chính sách cho NLĐ, công ty đặc biệt quan tâm đến ATVSLĐ.

Công ty tổ chức đều đặn các lớp học về ATVSLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn bộ công nhân trực tiếp sản xuất.

Việc xây dựng các nội quy, quy trình vận hành an toàn các loại máy, thiết bị và các biện pháp làm việc ATVSLĐ được kiểm soát thực hiện chặt chẽ. Anh Trần Thiện Phúc (quản lý sản xuất) cho biết: “Cứ mỗi ca là có công nhân “phát thanh” phổ biến ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ đến toàn các khu vực sản xuất. LĐ công ty luân phiên đọc như vậy nên ai ai cũng nắm chắc nguyên tắc này để phòng ngừa tai nạn LĐ”.

Tỉnh Vĩnh Long xác định công tác tuyên truyền là quan trọng nhất để nâng cao nhận thức của người dân và từ nhận thức đó, mọi người có hành động để phòng tránh tai nạn LĐ. Ngoài việc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, các DN luôn coi trọng công tác ATVSLĐ bởi có ATLĐ thì sản xuất mới có hiệu quả, có ATLĐ thì mới đảm bảo nguồn lực LĐ được ổn định và ngày càng phát triển.

Trong 3 năm (2011- 2013), Vĩnh Long đã xảy ra 9 vụ tai nạn LĐ làm 7 người chết, 2 người bị thương nặng. Do vậy, việc trang bị thiết bị phòng hộ LĐ ở các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cần đảm bảo chất lượng, không nên mang tính chất đối phó.


Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh