Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo như “thần dược” khiến người tiêu dùng (NTD) sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ mua về sử dụng. Song, chất lượng, hiệu quả, công dụng thật sự vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo như “thần dược” khiến người tiêu dùng (NTD) sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ mua về sử dụng. Song, chất lượng, hiệu quả, công dụng thật sự vẫn còn bỏ ngỏ.
Qua kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm.
TPCN “hóa” thần dược
Theo thống kê, hiện tại trên cả nước có trên 1.800 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng TPCN với trên 10.000 sản phẩm lưu hành trên thị trường. Trung bình mỗi năm trên 1.000 sản phẩm mới được bán ra thị trường. Kéo theo đó là những bất cập về giá cả, chất lượng, độ trung thực của thông tin…
Hiện nay, trên thị trường Vĩnh Long có rất nhiều điểm bán TPCN với hàng trăm loại sản phẩm, vô số công dụng từ giảm cân, làm đẹp da, phục hồi sinh lý, trị viêm gan, đau nhức khớp, dưỡng thận… Theo một chủ cơ sở bán TPCN tại Phường 1 (TP Vĩnh Long), thời gian gần đây càng có nhiều người tìm mua sử dụng TPCN, mặt hàng càng đắt tiền càng bán chạy.
Trước sự quảng cáo rầm rộ đến mức “chóng mặt”, nhiều người coi TPCN như “thần dược”, “thuốc tiên” giúp cải thiện sức khỏe, sắc đẹp, vóc dáng, thậm chí có khả năng khắc chế đối với các bệnh nan y từ ung thư, tai biến cho tới viêm gan...
Nhiều người còn quan niệm TPCN vô hại, “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, bởi nhiều loại TPCN được quảng cáo chiết xuất từ thiên nhiên, dược liệu quý… Do đó, không ít NTD nghĩ TPCN vừa là thuốc chữa bệnh vừa là thuốc bổ.
Dựa vào sự thiếu hiểu biết của người dân về tác dụng của TPCN không ít đơn vị kinh doanh “thổi phồng” về chức năng, công hiệu của sản phẩm, kể cả điều trị được ung thư, HIV để thu lợi…
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường TPCN ngày càng “phất” lên là do các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TPCN chưa theo kịp thực tế, thiếu chế tài xử lý. Phổ biến nhất là việc vi phạm về ghi nhãn và quảng cáo.
Ông Phạm Tứ Phương- Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh đánh giá: Thời gian gần đây, nhu cầu về TPCN tăng nhanh.
Hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, TPCN được quảng cáo tràn lan. Nhiều loại TPCN quảng cáo có công dụng kỳ diệu giúp chị em giữ mãi sắc xuân, hay quý ông nhanh chóng tìm lại được “bản lĩnh” đàn ông.
Chính việc quảng cáo quá mức với tần suất liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ đến ý thức của NTD, khiến NTD hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng. Rất nhiều trường hợp NTD tiền mất tật mang do sử dụng TPCN quá đà. Đặt biệt là do đặt quá nhiều niềm tin chữa được bách bệnh cho TPCN.
Do ảo tưởng về tác dụng thần kỳ của TPCN nên không ít người “vỡ mộng” khi sử dụng. Cô Nguyễn Thị Nhuần (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Nghe mấy người bạn giới thiệu, tôi cũng có mua TPCN có tác dụng giảm cân để giữ dáng, giá gần 1 triệu đồng/hộp. Uống được vài hộp thì ngưng vì ngán tiền quá, kết quả lại không như mong muốn. Lại nghe thông tin có tác dụng phụ nên không dám sử dụng nữa”.
Cần siết chặt kiểm tra, quản lý
Trước thực trạng một số cơ sở quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm để đánh lừa NTD, luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quảng cáo thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng như: thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, không phù hợp với nội dung đã công bố, không phù hợp về an toàn thực phẩm, quá tác dụng của thực phẩm…, việc quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi phải bảo đảm đúng tác dụng của sản phẩm đã công bố, phải có dòng chữ hoặc lời đọc: “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
Nhiều loại thực phẩm chức năng quảng cáo mập mờ, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Để lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh mặt hàng TPCN, giúp NTD hiểu đúng hơn về chức năng thật sự của TPCN, hiện lực lượng quản lý thị trường đang thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc lưu hành TPCN trên thị trường, kiểm tra về công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo thực phẩm và truy xuất về nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.
Theo ghi nhận, tại một cơ sở kinh doanh TPCN tại TP Vĩnh Long, đội quản lý thị trường đã phát hiện nhiều trường hợp sản phẩm TPCN không công bố chất lượng sản phẩm, không hóa đơn chứng từ, không phụ đề tiếng Việt, quá hạn sử dụng, sai nhãn mác…
Qua đó, đã nhắc nhở, tiến hành lập biên bản chủ cơ sở, bởi theo ông Đỗ Hữu Quang- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, chủ cơ sở bán phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về sản phẩm đang bán.
Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD cho biết: Thông thường TPCN là hàng ngoại nhập là chính. Muốn bán được lợi nhuận cao, doanh nghiệp đưa ra thông tin quảng cáo, đánh vào tâm lý của người bệnh.
Nhiều loại giới thiệu nội dung không có thật như trị tiệt, trị dứt ung thư, bệnh nan y… làm mê hoặc người bệnh, giá bán kê lên rất cao so với giá trị thật để bù vào chi phí quảng cáo. Ví dụ như giá trị thực 10.000đ nhưng bán giá 100.000đ.
Do đó, NTD cần thận trọng khi mua và sử dụng, cần thông qua kênh tư vấn để đảm bảo hiệu quả, ít tốn kém.
Để tự bảo vệ mình, NTD cũng cần bình tĩnh, phân biệt TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Khi sử dụng TPCN cần được tư vấn của bác sĩ. Tránh mua hàng qua các đối tượng bán dạo, đường dây bán hàng đa cấp không rõ ràng.
Nên tìm mua những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu, phân phối để có cơ sở truy xuất khi gặp những vấn đề liên quan xảy ra trong khi sử dụng, tránh “tiền mất tật mang”.
Theo quy định, đối với TPCN trên nhãn phải thể hiện được các nội dung chính sau: công bố thành phần dinh dưỡng, hoạt chất tác dụng sinh học, tác dụng đối với sức khỏe, chỉ rõ đối tượng, liều dùng, cách dùng; đối với thực phẩm chứa hoạt chất sinh học, trên nhãn hoặc nhãn phụ bắt buộc phải ghi dòng chữ “ thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
|
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin