Gia cố đê bao, bảo vệ lúa Thu Đông

07:09, 16/09/2014

Lũ năm nay đang lên nhanh rơi đúng vào thời điểm nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thu hoạch rộ lúa Thu Đông. Tại Vĩnh Long, nông dân cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa và triển khai nhiều biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nước lũ gây ra.

Lũ năm nay đang lên nhanh rơi đúng vào thời điểm nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thu hoạch rộ lúa Thu Đông. Tại Vĩnh Long, nông dân cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa và triển khai nhiều biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nước lũ gây ra.


Bình Tân đang thi công nhiều đập dã chiến ứng phó triều cường.

Nhận diện vùng mẫn cảm

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, đến đầu tháng 9/2014, phần lớn diện tích lúa vụ Thu Đông tập trung giai đoạn làm đòng- trổ (hơn 50% trên 61.000ha xuống giống), lúa phát triển tốt bao gồm các giai đoạn từ đẻ nhánh- chín.

Trong đó, trên trà lúa Thu Đông sớm đã thu hoạch 4.838,6ha (năng suất 5,2 tấn/ha). Tuy nhiên, hiện nước lũ đang lên khá nhanh tại một số huyện đã đe dọa đến diện tích lúa Thu Đông giai đoạn đang thu hoạch và chưa thu hoạch.

Anh Ngọc (xã Phú Thịnh- Tam Bình) cho biết: Do nước lũ lên khá nhanh nên phần lớn diện tích lúa ở đây đã bị ướt chân ruộng. Nhiều ruộng nước lũ còn gây ngập đến nửa thân lúa. “5 công lúa đáng lẽ vài ngày nữa mới thu hoạch nhưng nước lên nhanh quá nên tui phải thuê nhân công cắt sớm để chạy lũ, hao hụt cũng khá nhiều”.

Theo Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Bình Lê Văn Chiến, toàn huyện đã thu hoạch an toàn được 3.000ha lúa Thu Đông tại các xã Bình Ninh, Loan Mỹ và Ngãi Tứ. Dự kiến còn khoảng 10.000ha lúa giai đoạn đòng trổ thu hoạch sẽ rơi ngay vào thời điểm nước lên cao nên nhiều khả năng chịu ảnh hưởng mưa, lũ.

Ghi nhận tại các xã Nguyễn Văn Thảnh, Tân Hưng, Thành Trung (Bình Tân) nông dân gấp rút thu hoạch lúa chạy lũ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bình Tân, do địa hình nằm ven sông Hậu, nếu gặp bão đổ bộ ngay thời điểm lũ thượng nguồn đổ về, cùng lúc xuất hiện mưa to kéo dài, kết hợp với triều cường sông Hậu đang cao thì nhiều khả năng lũ sẽ ảnh hưởng trên diện rộng.
 
Theo đó, khu vực có nguy cơ cao như vùng trồng khoai lang giống ở Thành Lợi, Thành Đông, Tân Thành, Tân Hưng và Thành Trung; khu vực trồng hành giống ở Tân Quới, Tân Bình, Tân Lược và Tân An Thạnh. Nếu không gia cố, nâng cấp kịp thời thì sạt lở xảy ra có khả năng ảnh hưởng sản xuất.

Các điểm nóng có khả năng ảnh hưởng thiên tai được xác định tại các vàm kinh, sông tạo nguồn nối liên ra sông Hậu cũng như các ao, lồng bè nuôi cá ven tuyến sông này. Khi có bão, nước sông Hậu dâng cao dễ bị tràn, sạt lở bờ bao gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi thủy sản, tính mạng người dân nhất là vào ban đêm.

Đặc biệt bão có khả năng nhấn chìm các phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa từ Bình Tân vượt sông Hậu sang TP Cần Thơ trong mùa mưa bão.

Nguy cơ sạt lở, xâm thực cũng được nhận diện ở các địa điểm tiếp giáp sông Hậu thuộc các xã: Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Quới, Thành Lợi.

Hàng năm, những nơi này đều bị sạt lở, xâm thực vào đất liền. Tại đây, một số khu vực được các hộ nuôi cá tra công nghiệp tích cực bảo vệ góp phần giảm tác hại do sạt lở. Riêng khu vực từ cống số 2 đến vàm kinh Hai Quý vào cầu Chợ Bà (ấp Thành Phú- xã Thành Lợi) đang sạt lở cục bộ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.


Do mưa dầm, nhiều nơi phải mướn nhân công cắt lúa Thu Đông nên chi phí tăng cao.

Chủ động bảo vệ sản xuất

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng trên 90 công trình thủy lợi chống lũ kết hợp giao thông nông thôn, đảm bảo an toàn cho hơn 49.000ha vườn cây ăn trái, hơn 50.000ha lúa Thu Đông và hơn 27.000ha rau màu trên chân đất ruộng.

Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân cho biết: Đối với vùng sản xuất tập trung thì hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn cho sản xuất. Hiện chỉ lo ngại đối với những diện tích sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Đặc biệt, khi có ảnh hưởng của bão, mưa lớn và kéo dài thì những diện tích này sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bởi việc bơm tát cũng chỉ chủ động được ở những vùng sản xuất tập trung.

“Để chủ động kiểm soát lũ, triều cường, bảo vệ vùng màu tập trung, ngành nông nghiệp huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí mua lưới B40, tấm bạt cao su đắp nhiều đập dã chiến ở các xã Thành Lợi, Tân Quới, Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh nhằm chủ động phòng tránh lũ.”- Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết thêm.

Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Bình cho biết, từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, đến nay toàn huyện đã và đang thi công 14 đập kiên cố hóa tại các xã; đồng thời bố trí hàng chục máy bơm lớn tại các xã để chủ động bơm tác khi có lũ tràn, mưa lớn.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho biết: Đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống ảnh hưởng diện tích lúa Thu Đông trong điều kiện nước lũ đang lên nhanh, vận động người dân cần thu hoạch lúa khẩn trương nạo vét kinh mương, gia cố đê bao; theo dõi diễn biến nước lũ, chủ động bơm tát, báo cáo kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Ngoài đồng hiện phổ biến rầy nâu tuổi 2- 3, gây hại nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- chắc xanh. Sâu cuốn lá cũng xuất hiện và gây hại ở mức nhẹ- trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ. Ngoài ra, dưới ảnh hưởng thời tiết nắng mưa xen kẽ và giai đoạn lúa thích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát triển, đặc biệt trên những ruộng sạ dày và bón thừa phân đạm có thể bị hại nặng. Vì vậy, bà con cần thăm đồng thường xuyên để xử lý kịp thời bằng thuốc đặc trị.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh