Kỳ cuối: Chạy đua với thời gian

06:09, 11/09/2014

Không chỉ chạy đua trước mùa mưa lũ, một số công trình đê bao ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ còn phải chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ giải ngân công trình.

>> Kỳ 1: Bức xúc vì đê bao “đứt khúc”



Mùa trái cây, hầu hết thương lái qua cù lao mua trái cây bằng xe máy và chở đi khắp các chợ đồng bằng.

Không chỉ chạy đua trước mùa mưa lũ, một số công trình đê bao ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ còn phải chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ giải ngân công trình.

Lo lũ tràn bờ

Ông Nguyễn Văn Tùng- Trưởng ấp Phú An 2 (xã Bình Hòa Phước), vui mừng nói: “Nhờ tuyến đường đan từ cầu Năm Bạch đến giáp xã Đồng Phú lên lộ nhựa mà nay tới mùa mưa lũ không phải nhận đất thùng, không phải vận động mỗi hộ 50.000đ bơm cát chống ngập, mùa nắng lại cào cát để có đường đi nữa.

Đê bao lên lộ nhựa, thương lái chạy xe máy vào tận vườn mua trái cây, chuyển lên xe tải 2- 3 tấn đóng thùng chở đi. Bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày…”. Vì những lợi ích chung như vậy, nên những hộ còn “vướng” cũng đồng ý “cho làm đường”!

Trong khi đó, tại xã Đồng Phú, tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ, với áp lực chạy đua với thời gian vừa khởi công tiếp tục gói thầu số 4 vào ngày 15/8/2014. Dự án gói thầu với chiều dài khoảng 2,3km, qua 2 ấp Phú Thạnh 4 và Phú Mỹ, kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành đê bao vào cuối năm nay, nối liền tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ. Không chỉ góp phần bảo vệ cho 1.900ha vườn cây ăn trái và 1.524 hộ dân không bị ngập lũ, tuyến đê bao còn kết nối giao thông thông suốt giữa các xã cù lao, tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn.

Đây là công trình quan trọng thuộc chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 và lẽ ra đã đưa vào sử dụng cách đây khoảng 3 năm nếu không vướng khâu giải phóng mặt bằng. Trong khi cuối năm nay là thời điểm hoàn tất chương trình trên, khối lượng còn lại là rất lớn nên công trình đang trong giai đoạn chạy nước rút.

Ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ngoài tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao, xã Đồng Phú còn 5 tuyến đê bao tiểu vùng làm nhiệm vụ bảo vệ hơn 1.118ha cây ăn trái, ao nuôi cá. Bên cạnh, các tuyến đê bao còn có chức năng giao thông nông thôn, giúp lưu thông mua bán trái cây dễ dàng, khi đê bao hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.

Những năm trước, số tiền bỏ ra để gia cố, khắc phục các điểm sạt lở, nước lũ tràn không hề nhỏ. Theo ông, trong mùa mưa lũ 2013, xã đã phải chi gần 100 triệu đồng khắc phục các điểm đê bao xung yếu.

Năm nay, “ngoài các tuyến đê bao còn thực hiện dang dở do vướng giải phóng mặt bằng nhiều khả năng bị tràn bờ do nước lũ, triều cường. Hiện đã xác định 6 tuyến đê bao bị đe dọa với trên 6.000m, do đường xuống cấp. Chúng tôi đã vận động dân đắp lề chống tràn”- ông Tấn nói.

Lo ngại nước lũ tràn bờ, triều cường đe dọa nhà cửa, vườn cây ăn trái là tâm tư của nhiều hộ dân ở 4 xã cù lao. Nhất là các hộ dân ở các tuyến đê bao còn thực hiện dở dang, vẫn chưa yên tâm “sống chung với lũ”.

Quyết tâm hoàn thành đê bao ngoài đúng tiến độ

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT- đơn vị chủ đầu tư dự án, tính đến tháng 8/2014, đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã triển khai thi công 5/5 gói thầu. Chiều dài thi công 9.360m, đạt khoảng 70% khối lượng và lắp đặt 6/21 bộng.

Do vướng mặt bằng, những đoạn chưa thi công có tổng chiều dài 4.277m. Trong khi cuối năm nay là thời điểm hoàn tất chương trình trên. Điều đó có nghĩa chỉ còn hơn 3 tháng để hoàn thành công trình. Áp lực thời gian là rất lớn trong khi khối lượng công việc lại nhiều.

“Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân đồng tình hiến đất, bàn giao mặt bằng, địa phương rất cần sự quan tâm của BCĐ tỉnh, nhất là chủ đầu tư và đơn vị thi công để thi công hoàn thiện, sớm đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo sản xuất, đời sống người dân”- ông Nguyễn Văn Tấn cho biết.


Gói thầu số 4 thuộc dự án đê bao ngoài 4 xã cù lao đang thi công qua đất vườn do người dân tự hiến đất.

Theo ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ, đến nay, trong tổng số 4 đê bao tại huyện Long Hồ (thuộc chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ giai đoạn 2) thì đã cơ bản hoàn thành 3 đê bao.

Riêng đê bao ngoài còn lại trên 1.000m chưa thi công được do vướng mặt bằng. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung tích cực vận động các hộ dân hiến đất, bàn giao mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công, phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ của chương trình.

Kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 tại Vĩnh Long gần đây, ông Vũ Xuân Thiện- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng) cho rằng:
 
Việc đầu tư 50km bờ bao tại 4 xã cù lao góp phần bảo vệ 10.000ha cây ăn trái và đảm bảo an toàn cho 8.000 hộ dân là một mục tiêu đáng khích lệ. Điều này thể hiện sự lựa chọn đầu tư đúng đắn, khối lượng đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn.

Ông Phan Anh Vũ đã kiến nghị Trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 3 của chương trình sau khi kết thúc giai đoạn 2 vào cuối năm nay. Bởi Vĩnh Long rất cần được hỗ trợ để xây dựng hệ thống bờ bao tại các xã cù lao ven sông Hậu cũng như các vùng sạt lở nghiêm trọng dọc tuyến sông này. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư một số cụm- tuyến dân cư để đảm bảo đời sống của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: LÝ AN - THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh