
Thực hiện chính sách hỗ trợ đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp đỡ về mọi mặt để bà con từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Lao động dân tộc Khmer làm nghề tiểu thủ công nghiệp.
Thực hiện chính sách hỗ trợ đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp đỡ về mọi mặt để bà con từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đầu tư trên 9,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, giao thông nông thôn và xây dựng các dự án phát triển sản xuất cho bà con Khmer vùng đặc biệt khó khăn ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) và 11 ấp đặc biệt khó khăn ở TX Bình Minh, Trà Ôn và Tam Bình.
Xây dựng 4 trạm cấp nước sạch theo Chương trình 134 của Chính phủ cho các ấp Mỹ Thuận, Cần Thay, Trà Mòn và trung tâm xã Tân Mỹ, xã Trà Côn (Trà Ôn), với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng lu xi măng và lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt cho 963 hộ Khmer nghèo sống phân tán ở các vùng nông thôn, với 481 triệu đồng, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 500.000đ. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho 383 hộ, kinh phí 7,3 tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng 11 lò hỏa táng cho chùa Khmer ở các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn và TX Bình Minh, với kinh phí gần 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các huyện- thị trong tỉnh còn xây cất được 452 căn nhà cho hộ Khmer nghèo còn khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí trên 16,5 tỷ đồng.
Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các địa phương trong tỉnh cũng giải ngân gần 5 tỷ đồng cho 850 hộ Khmer nghèo vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương. Hàng năm các huyện- thị trong tỉnh còn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động người dân tộc.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đời sống cho bà con đồng bào dân tộc Khmer nghèo trong tỉnh từ năm 2012 đến nay trên 48,3 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer vùng đặc biệt khó khăn, bình quân mỗi năm giảm thêm từ 2- 4% hộ Khmer nghèo.
Tin, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin