
Kết cấu hạ tầng giao thông là “đường băng” cho kinh tế- xã hội cất cánh. Do đó, việc đầu tư phát triển đồng bộ giữa tuyến, trục giao thông chính với các tuyến nhánh, cầu và đường, đường và cảng,… sẽ tạo động lực lớn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.
Kết cấu hạ tầng giao thông là “đường băng” cho kinh tế- xã hội cất cánh. Do đó, việc đầu tư phát triển đồng bộ giữa tuyến, trục giao thông chính với các tuyến nhánh, cầu và đường, đường và cảng,… sẽ tạo động lực lớn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.
Cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cải tạo nâng cấp các quốc lộ... đã tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế- xã hội cho cả ĐBSCL.
Giao thông không ngừng nối mạch
Giao thông góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội. Thời gian qua, mạng lưới giao thông đường bộ ở tỉnh đã được đầu tư xây dựng ở cả 6 hệ thống gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng liên kết liên hoàn trong tỉnh, hòa vào mạng lưới đường cả nước, phục vụ tốt nhu cầu vận tải, giao thông đi lại ngày càng tăng, được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ đã mở rộng đến tận vùng sâu, vùng xa. Giao thông nông thôn phát triển rộng rãi, 100% các xã đều có đường ôtô đến trung tâm xã, các ấp đều có đường dân sinh, góp phần quan trọng hình thành nông thôn mới đến tận vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ kháng chiến.
Tính đến 6/2014, Vĩnh Long có 1.278km đường ôtô, trong đó: 154km quốc lộ, 229km đường tỉnh, 107km đường đô thị, 474km đường huyện, 173km đường liên ấp, 67km đường chuyên dùng và 74km các tuyến đường nội bộ khác.
Nếu so với thời điểm cuối năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 601km đường ôtô thì đến nay đã là 1.278km đường, tăng 2,13 lần. Chỉ riêng trong giai đoạn 2006- 2010, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đã là 2.255 tỷ đồng. Theo kế hoạch thì giai đoạn 2010- 2015, nguồn vốn đầu tư sẽ là 2.460 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu đều tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất, thương mại và dịch vụ đến đó, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cần đầu tư đồng bộ
Đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hình thành kết nối tuyến, trục giao thông chính với các tuyến nhánh. Các tuyến đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ được kết nối liên thông, góp phần nâng cao năng lực vận tải, giao thông được thông suốt, an toàn.
Tuy nhiên, do chưa đồng bộ trong quy hoạch nên cao độ của một số tuyến nhánh đã được đầu tư trước năm 2010 đôi khi cao hơn tuyến chính. Trong khi đó, sự đồng bộ giữa đường và cầu cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Do khối lượng danh mục công trình cần thiết phải đầu tư quá lớn so với nguồn vốn được phân bổ, nên tỉnh phải phân kỳ đầu tư, dẫn đến tình trạng quy mô và tải trọng của đường và cầu trong nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ.
Các cầu được thực hiện đầu tư với quy mô tải trọng lớn để phù hợp với quy hoạch trong tương lai, trong khi phần đường do thiếu vốn nên chỉ đầu tư xây dựng với quy mô và tải trọng nhỏ (hầu hết dưới 15 tấn) như trên tuyến QL54, ĐT 902. Năng lực chịu tải của cầu và đường trên từng tuyến chưa đồng bộ đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của các công trình như: thường xuyên bị quá tải, công trình bị xuống cấp nhanh...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Văn Sáu, các cầu trên tuyến QL53 tải trọng yếu gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa. Thời gian qua, việc xe container lưu thông trên tuyến này bị hạn chế gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế- xã hội cả tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Đáng kể nhất là tuyến QL54 đoạn qua Vĩnh Long chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp nên hạn chế không nhỏ đến tiềm năng phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay, kết nối giữa đường và cảng cơ bản hình thành. Tuy nhiên, một số tuyến đường chính kết nối với cảng chưa đáp ứng được tải trọng vận tải hàng hóa của cảng như QL54 (cảng Bình Minh), Đường tỉnh 902 (cảng An Phước).
Từ thực tế trên cho thấy, hiện nay phần lớn các tuyến đường trong tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ với phát triển kinh tế. Hệ thống đường kết nối phần lớn không đảm bảo tải trọng theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh như Đường tỉnh 902 (Tuyến công nghiệp Cổ Chiên), QL54 (Khu công nghiệp Bình Minh). Các tuyến hiện đang là điểm nghẽn trong quá trình phát triển.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Phạm Văn Lực cho rằng: Nếu hạ tầng giao thông yếu kém thì mời gọi đầu tư rất khó. Nhiều nhà đầu tư đến rồi lại đi vì những bất cập hạ tầng giao thông. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là đòi hỏi cấp thiết để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tổng nhu cầu vốn 14.410 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2011- 2015 là 5.100 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 9.310 tỷ đồng.
|
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin