Chuyện mùa nước nổi

06:09, 07/09/2014

Mùa nước nổi, mùa lũ, mùa nước lên, nước đỏ, nước về… Chỉ một mùa nước, bao nhiêu tên gọi, đủ thấy sức tác động, tầm ảnh hưởng lớn thế nào đối với người ĐBSCL. Cứ hết mùa nắng, cả miền Tây lại “quan tâm sát sườn” theo từng con nước. Bữa nào, lên cao bao nhiêu, bao nhiêu, đâu cá về nhiều, đâu bông điên điển… Lại đâu bị sạt lở, đâu lúa cuốn trôi…

Mùa nước nổi, mùa lũ, mùa nước lên, nước đỏ, nước về… Chỉ một mùa nước, bao nhiêu tên gọi, đủ thấy sức tác động, tầm ảnh hưởng lớn thế nào đối với người ĐBSCL. Cứ hết mùa nắng, cả miền Tây lại “quan tâm sát sườn” theo từng con nước. Bữa nào, lên cao bao nhiêu, bao nhiêu, đâu cá về nhiều, đâu bông điên điển… Lại đâu bị sạt lở, đâu lúa cuốn trôi…

Những tin vui rồi những tin đầy lo âu… Cứ vậy, năm nào nước cũng về dẫu nhiều hay ít, không lần nào lỡ hẹn. Người miền Tây từ không chú ý chuyển qua hoang mang, lo sợ rồi chủ động, bình tĩnh đón mùa nước lớn. Cũng phải rút kinh nghiệm hàng vài chục năm.

Năm nay, mấy nhà báo nghe nước về đã vội “đi đón” tận các tỉnh đầu nguồn, nói “ngộ lắm nghen, bên này lộ là đồng đang chuẩn bị xuống giống thì bên kia nước đã lai láng tràn bờ”. Hẳn, để có chuyện “ngộ lắm” ở mùa nước miền Tây này là không ít nhà quản lý, nhà khoa học đã đau đầu nhức óc khủng khiếp. Cũng không ít nhà nông lao đao, để cuối cùng biết rằng: phải sống chung với lũ.

Không thể nơi nào cũng be bờ đuổi nước. Không được vào đồng, không được nhả phù sa, nước thể nào cũng đi băng băng giận dữ, quật vào bờ, tràn qua đập. Nên mấy năm nay, nhiều tỉnh miền Tây không chỉ thả nước vào đồng, mà còn đón nước làm du lịch.

Mùa nước nổi từ đấy cũng giống như một dịp hẹn hò. An Giang, Đồng Tháp, nơi nào cũng sẵn sàng đón khách du lịch rừng ngập ngọt, đi giăng câu, chài lưới, thưởng thức ẩm thực sông nước miền Tây, tắm đồng,… Nơi cuối nguồn như Vĩnh Long, du khách cũng có thể thưởng thức món ăn trên xuồng giữa đêm trăng, nghe đờn ca tài tử, ngắm đom đóm lấp lánh giữa rặng bần.

Thiết nghĩ, nếu du lịch miền Tây thường được cho là khá đơn điệu và khó lòng rủ khách quay trở lại cũng như lưu trú dài ngày, thì giờ đây, nếu tận dụng tốt, đã có thể kéo khách quay về vào mùa nước nổi.

Từ “mùa lũ dữ” đầy đe dọa đến “sống chung với lũ” là một bước tiến dài. Nếu cố thêm chút nữa, mùa lũ sẽ thật sự trở thành mùa nước nổi yên vui và trở thành “đặc sản” du lịch mà không phải nơi nào cũng có được.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh