Vẻ vang tuyên giáo Vĩnh Long

07:08, 03/08/2014

Đảng ta coi công tác tư tưởng có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, từ khi có Đảng là có ngành tuyên huấn. Ở Vĩnh Long cũng vậy, ngay từ khi vận động thành lập Đảng, rồi trải qua 2 cuộc kháng chiến và gần 40 năm xây dựng và phát triển đất nước, ngành tuyên huấn mà nay là tuyên giáo đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

Đảng ta coi công tác tư tưởng có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, từ khi có Đảng là có ngành tuyên huấn. Ở Vĩnh Long cũng vậy, ngay từ khi vận động thành lập Đảng, rồi trải qua 2 cuộc kháng chiến và gần 40 năm xây dựng và phát triển đất nước, ngành tuyên huấn mà nay là tuyên giáo đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

Nhiều người đã gắn bó cả đời mình với sự nghiệp vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều anh hùng liệt sĩ ngành tuyên giáo đã ngã xuống để tô thắm thêm cho màu cờ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Kiệt- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm, tặng hoa Tạp chí Văn nghệ Cửu Long nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014). Ảnh: PH

Những chặng đường gian khổ và vinh quang

Ngay sau khi thành lập tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt- Bí thư Chi bộ Ngã Tư Long Hồ đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, diễn thuyết, mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống thực dân, phong kiến.

Đặc biệt là ra tờ báo Lao khổ- cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- với những bài viết ngắn gọn, bám sát thực tiễn, nội dung sinh động, phong phú, có sức thuyết phục cao, tuyên truyền chủ trương của Tỉnh ủy, hướng dẫn cán bộ và quần chung nhân dân hành động cách mạng.

Thời kỳ này và những giai đoạn tiếp theo, mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên đều làm công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng thông qua nhiều hình thức mà chủ yếu là tuyên truyền miệng.

Nhờ đó, Đảng đã tổ chức tập hợp lực lượng cách mạng làm nên cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.

Khi giặc Pháp quay trở lại xâm chiếm đất nước ta lần nữa, trong hoàn cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Ban Tuyên truyền do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo đã đẩy mạnh xây dựng lực lượng, chính quyền kháng chiến, mở rộng vùng giải phóng đi đôi với nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền. Hình thức đã phong phú hơn, từ tuyên truyền miệng sâu rộng đến việc xây dựng các đội, nhà, trạm thông tin, hệ thống loa phóng thanh trên các ngọn cây, thành lập xưởng in ấn, đẩy mạnh xuất bản, phát hành báo chí,…

Nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, của Việt Minh; thông tin tình hình hoạt động, thắng lợi của lực lượng cách mạng, của lực lượng vũ trang trong tỉnh và cả nước. Đồng thời, phong trào văn hóa văn nghệ, xây dựng cuộc sống mới cũng phát triển rộng khắp các địa phương, đơn vị bộ đội, cơ quan cách mạng.

Công tác giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng chính trị được đẩy mạnh, thường xuyên liên tục, góp phần đào tạo cán bộ vừa hồng vừa chuyên, trung thành tham gia kháng chiến cho đến ngày chiến thắng thực dân Pháp.

Đặc biệt, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyên huấn Vĩnh Long đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng giai đoạn hoàn cảnh.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh nguyên cán bộ tuyên huấn kháng chiến và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long (1979- 1980) kể lại rằng: Ngay từ những năm sau đình chiến, cán bộ tuyên huấn của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền như ghi tin đọc chậm từ Đài Phát thanh Hà Nội để làm tài liệu, bí mật xuất bản báo Hòa bình Thống nhất, tổ chức vận động quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ,… để vận động nhân dân đấu tranh chính trị.

Từ năm 1961, cùng với bước chuyển mình, chuyển thế cách mạng, tuyên huấn Vĩnh Long càng phát triển mạnh mẽ, cả về lực lượng và cả hình thức, nội dung hết sức phong phú, sinh động, bám sát thực tiễn, đi sâu vào đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

Ban Tuyên huấn các cấp được hình thành và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp. Ngành tuyên huấn với đầy đủ các bộ phận văn phòng, thông tấn báo chí, văn nghệ, đoàn văn công, huấn học, trường Đảng, giáo dục, thông tin tuyên truyền, nhà in… được xem là một ngành tác chiến trên mặt trận chính trị- văn hóa- tư tưởng không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh nhớ lại: Thời kỳ đó, cán bộ tuyên huấn có nhiều cách làm hết sức sáng tạo, mưu trí, sát dân, gần dân. Để qua mắt địch, việc soạn thảo tài liệu, in ấn,… được thực hiện trong chuồng gà của dân. Để tuyên truyền, nói cho dân nghe, dân hiểu, cán bộ ta bò, nằm dưới ruộng lúa, trong khi dân vẫn đang gặt lúa bình thường, địch không hề hay biết.

Ông Trần Mộng- nguyên Trưởng Đoàn văn công, Ủy viên Ban Tuyên huấn Vĩnh Long: Cán bộ tuyên huấn vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu với địch.

Văn nghệ sĩ thì tay súng, tay đàn, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta nơi đầu tên, mũi đạn, không ngại hy sinh, gian khổ. Nhiều đồng chí như Trần Thái Bửu (Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh), Nguyễn Minh Điền (phóng viên), Trần Thị Cẩm Lệ, Ngô Canh (giáo dục), Nguyễn Ngọc Chi (trường Đảng, Đinh Văn Cẩn (đội viên tuyên truyền), Võ Văn Công (Nhà in Nguyễn Văn Thảnh),…đã hy sinh anh dũng trên khắp chiến trường của tỉnh. 

Tuyên giáo Vĩnh Long trong thời bình

Sau ngày đất nước thống nhất, với chức năng, nhiệm vụ mới được giao, cán bộ ngành tuyên giáo các cấp của tỉnh Vĩnh Long đã luôn phấn đấu hoàn thành với hiệu quả cao nhất, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những cán bộ tuyên huấn kháng chiến năm xưa lại bước vào mặt trận tư tưởng văn hóa trong thời kỳ mới cũng không kém phần cam go, thử thách. Từng thế hệ nối tiếp nhau nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Nhiều người như nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long Đoàn Hải Nhân, cố Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long,… đã gắn bó hết cuộc đời cách mạng của mình với công tác tư tưởng, sự nghiệp tuyên giáo.

Ông Nguyễn Chiến Thắng lúc đương chức từng phát biểu rằng: Công tác tư tưởng trong thời bình cũng khó khăn không thua thời chiến. Nó đòi hỏi người cán bộ tuyên giáo, báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và trình độ nghiệp vụ của mình.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tâm huyết ấy, cán bộ các cấp trong ngành đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từng người đã tự giác, chủ động phấn đấu học tập và công tác. Hiện nay, Ban Tuyên giáo tỉnh, các cơ quan báo chí, văn hóa đã có nhiều đồng chí có trình độ sau đại học.

Đa số cán bộ tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã đạt chuẩn chính trị và chuyên môn theo yêu cầu đặt ra. Nhiều đồng chí tuổi đôi mươi đang vững vàng phụ trách các mảng công tác tuyên giáo huyện, xã- phường- thị trấn.

Hàng ngày, hàng giờ gần gũi, lắng nghe, gắn bó với cán bộ và nhân dân, ra sức đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với nhân dân, đưa chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống.

Cho nên, điều đáng mừng là cả hệ thống tuyên giáo được cấp ủy các cấp đánh giá, nhân dân thừa nhận là trong công cuộc đổi mới hiện nay, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, công tác báo chí, thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, in ấn, xuất bản, giáo dục, đào tạo,… của tỉnh đã không ngừng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, góp phần cùng đất nước vững bước tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN SAN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh