Nếu những năm trước, nước ngập chỉ xuất hiện khoảng từ tháng 8 âl thì mới đây, con nước rằm tháng 7 đột ngột dâng cao làm một số tuyến đường TP Vĩnh Long bị ngập trong khi, mùa mưa lũ chỉ mới bắt đầu. Hiện tượng “ngập sớm” này khiến dân phố vừa bất ngờ vừa lo lắng.
Nếu những năm trước, nước ngập chỉ xuất hiện khoảng từ tháng 8 âl thì mới đây, con nước rằm tháng 7 đột ngột dâng cao làm một số tuyến đường TP Vĩnh Long bị ngập trong khi, mùa mưa lũ chỉ mới bắt đầu. Hiện tượng “ngập sớm” này khiến dân phố vừa bất ngờ vừa lo lắng.
Triều cường lên sớm, tràn qua lộ, ngập đường Mậu Thân (Phường 3).
Lo vì ngập sớm
Rằm tháng 7, nước đã bò lên lộ khiến nhiều dân phố không khỏi giật mình. Nước ngập, việc lưu thông trên một số tuyến đường gặp khó khăn như Hưng Đạo Vương, Hoàng Thái Hiếu (Phường 1), Lê Thái Tổ, Nguyễn Huệ (Phường 2), Phạm Hùng (Phường 9)…
Nặng nhất là đường Mậu Thân (Phường 3). Theo ghi nhận, vào khoảng 17 giờ chiều 18 tháng 7 âl, các hộ kinh doanh ở chợ đêm Phường 1 đã kê hàng hóa lên kệ để đề phòng trường hợp nước ngập.
Cô Nguyễn Thị Mai bán xôi ở đường Nguyễn Huệ (Phường 2) cho biết: “Nước lên nhanh lắm, 30 phút là nước đã ngập nửa lộ. Bất ngờ vì năm nay nước lên sớm quá. Thời điểm này đã ngập, mùa mưa lũ sắp tới không biết có ngập nặng hơn so mọi năm không? Tới mùa mưa lũ lại lo vì mua bán khó khăn hơn”.
Theo đánh giá của ông Lưu Quang Trường- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long, mọi năm, ngập đường chỉ xảy ra từ khoảng tháng 8 âl nhưng năm nay rằm tháng 7 nước đã ngập.
Theo ông, ngập sớm là do bão đầu mùa và mưa lớn ở thượng nguồn dồn về đồng bằng. Thêm vào đó là triều cường từ biển Đông dâng cao. Trong khi đó, những năm gần đây, hệ thống đê bao vùng canh tác thường khép kín nên nước dồn ứ trên sông, ảnh hưởng tới các đô thị.
Ông Lưu Quang Trường cho biết thêm: Trách nhiệm của công ty là chống ngập đường phố. Tuy nhiên, hiện chống ngập chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên như tận dụng đường lộ cao và dân ven sông tự nâng nền làm vành đai chống ngập.
Bên cạnh, đô thị đã được đầu tư hệ thống van một chiều ngăn lũ, máy bơm phóng trường hợp nước ngập do triều cường, mưa xuống… Kinh phí vận hành chống lũ trên 100 triệu đồng/năm. Nhưng nhìn chung, các giải pháp chống ngập hiện tại khá thô sơ.
Đường Lê Thái Tổ (Phường 2) thường bị ảnh hưởng bởi những cơn triều cường.
Chống ngập- cần hiệu quả hơn
Theo ghi nhận của chúng tôi vào khoảng 17 giờ chiều ngày 23/7 âl, sau cơn mưa lớn, một số tuyến đường nội ô như Trưng Nữ Vương, Hoàng Thái Hiếu, 3 Tháng 2… lại bị ngập sâu đến nửa bánh xe, giao thông trở nên khá lộn xộn và nguy hiểm. Sau mưa khoảng một giờ, nước mưa ở nhiều tuyến đường vẫn chưa rút hết.
Lý giải việc một số tuyến đường thường xuyên ngập nặng, ông Lưu Quang Trường nói: Đường Nguyễn Huệ đã được đầu tư hệ thống thoát nước ngay sau chợ phường.
“Bó tay” với đường Mậu Thân?
Đường Mậu Thân (Phường 3) thường bị ngập nặng- nhất vào mùa mưa lũ. Theo ngành chức năng, các tuyến đường đều đã được đầu tư hệ thống van một chiều và có các điểm đặt máy bơm cơ bản có thể ngăn nước, chống lũ… Riêng đường Mậu Thân, dù đã được nâng nền, đầu tư một số cống thoát nước nhưng do một số cống đã bị bít lại (do người dân xây lấn chiếm, hư hỏng, xuống cấp…). Mặt khác, do đường cặp sông nhưng nền đường còn quá thấp nên hễ đến mùa mưa lũ, nước từ sông tràn lên đường gây ngập nặng. Đến nay, vẫn chưa có cách khắc phục. |
Một trong những tuyến đường ngập nặng phải kể đến là đường Hoàng Thái Hiếu (Phường 1). Do địa hình thấp, đường Hoàng Thái Hiếu như lòng chảo, nước dồn từ một số đường khác về đây, thoát không kịp do chỉ có một lối thoát ra sông Cầu Lầu.
Theo ông Lưu Quang Trường, hiện hầu hết các tuyến đường đều đã được đầu tư hệ thống van một chiều ngăn lũ.
Đồng thời, hệ thống máy bơm để đối phó trường hợp nước ngập nội ô quá nhiều cũng đã được trang bị. Theo đó, có 43 van một chiều (10 van ở bờ kè sông Tiền đang khẩn trương đầu tư cho kịp trước mùa lũ) và 5 máy bơm nước (công suất nhỏ).
Trong đó, đường Võ Văn Kiệt đã được lắp đặt van một chiều, đảm bảo thoát nước. Bên cạnh đó, đường Hoàng Thái Hiếu, Hưng Đạo Vương cũng được đầu tư thêm 2 cống thoát nước, mở rộng đường thoát nước ra sông Tiền và sông Long Hồ.
Nhìn chung, hệ thống van một chiều đã được đầu tư khá đầy đủ cho các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng triều cường, mưa xuống thì các tuyến nội ô thành phố vẫn có thể bị ngập cục bộ trong vài giờ do nước không thoát được.
Do đó, về lâu dài đề nghị cần có dự án lớn cải tạo toàn bộ hệ thống thoát nước, đầu tư hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng. Đồng thời, cần di dời, giải tỏa nhà sàn ven sông; nâng cấp hệ thống giao thông, làm kè kiên cố ven các tuyến sông để chống ngập cho đô thị.
Ông Nguyễn Trọng Hòa- Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long cho biết: Để chống ngập, thành phố đã cho đầu tư hệ thống van ngăn lũ. Theo đó, tổng giá trị dự toán được phê duyệt năm 2013 là hơn 418 triệu đồng, năm 2014 gần 500 triệu đồng.
Bên cạnh, để chống ngập cho mùa mưa lũ sắp tới, Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long lắp đặt thêm trạm bơm ở các điểm ngập nặng thường xuyên của thành phố. Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại chỉ là “chữa cháy” tạm thời. Về lâu dài, tỉnh cần giải pháp khắc phục hiệu quả hơn cho thành phố.
Cần người dân chung tay chống ngập
|
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin