
Những năm gần đây, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Vũng Liêm đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp các lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống như: cho vay vốn ưu đãi sản xuất, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn...
Những năm gần đây, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Vũng Liêm đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp các lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống như: cho vay vốn ưu đãi sản xuất, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn...
Trong đó, Tổ hợp tác dịch vụ lao động ấp Thái Bình (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) được xem là một trong những tổ hợp tác mang lại hiệu quả cao trong việc gắn kết các nhóm dịch vụ nông nghiệp, tạo ra mô hình lao động khép kín, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Tổ hợp tác dịch vụ lao động ấp Thái Bình còn hợp đồng trồng trụ điện cho ngành điện lực. Ảnh minh họa: LÊ SƠN
Tổ hợp tác dịch vụ lao động: mô hình mới trong nông dân
Xã Thanh Bình là một trong những địa phương được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Với lợi thế là vùng đất chuyên sản xuất cây ăn trái, thế nhưng thời gian trước đây, mỗi khi bước vào vụ chăm sóc vườn cây và thu hoạch, người dân lại lo lắng vì chuyện khan hiếm nhân công.
Mặc dù, các nông hộ phải trả giá thuê nhân công cao gấp 20% so với thực tế nhưng vẫn thiếu người làm. Mặt khác, vào thời điểm mùa vụ, một số lao động tại địa phương chủ yếu làm riêng lẻ nên công việc không thường xuyên.
Người lao động sợ làm không xuể nên không dám lãnh làm thuê nhiều nên thu nhập không ổn định. Trước thực trạng này, vào tháng 9/2012, anh Lê Văn Một- cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ ấp Thái Bình đề xuất với Đảng ủy, UBND xã tiến hành vận động nông dân chưa có việc làm ổn định trong ấp thành lập “tổ hợp tác dịch vụ lao động” làm thuê trọn gói theo mô hình khép kín.
Ban đầu, tổ có 12 thành viên, chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo. Qua gần 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, tổ hợp tác có trên 30 thành viên và bầu ra ban quản lý do anh Lê Văn Một làm tổ trưởng và có tổ phó, kế toán, thủ quỹ.
Vận động nông dân tham gia
Nét nổi bật của việc thành lập tổ hợp tác dịch vụ lao động là sự gắn kết chặt chẽ giữa làm dịch vụ các khâu trong sản xuất.
Theo đó, tổ được chia thành nhiều nhóm như: nhóm làm mương, đào rãnh, bồi vườn và xới gốc cây sầu riêng; nhóm tỉa cành, tạo tán; nhóm phủ bạt; nhóm phun- xịt thuốc; nhóm thu hoạch; nhóm đóng gói trái cây; nhóm làm dịch vụ;… Mỗi nhóm khoảng 5- 10 người.
Khi nhận lãnh công việc, nhóm trưởng sẽ phân công nhiệm vụ từng thành viên cụ thể. Nhóm này gắn kết với nhóm khác nhằm tạo điều kiện cho các chủ vườn có được nhân công để hoàn tất các công đoạn trong sản xuất và công việc của mỗi nhóm sẽ không bị gián đoạn.
Cứ thế, tính đến nay, Tổ hợp tác dịch vụ lao động ấp Thái Bình đã nhận lãnh làm trọn gói theo mô hình sản xuất khép kín được hàng chục hecta vườn/vụ. Từ công việc này, một tổ viên thu nhập từ 4- 6 triệu đồng/tháng.
Anh Vạn Văn Hiệp- thành viên trong tổ tâm sự: “Trước đây, tôi làm thuê nhiều nơi, công việc không ổn định. Tôi tham gia vào tổ hợp tác của anh Một, thu nhập ổn định, cuộc sống khá hơn. Công việc của tôi là làm vườn, ngày tôi kiếm được 150.000đ, thấy cuộc sống cũng ổn”.
Cùng tâm trạng với anh Hiệp, anh Nguyễn Văn Buồi nói thêm: “Trước đây, tôi là hộ nghèo trong ấp. Từ ngày tôi tham gia vào tổ hợp tác, tôi thấy thu nhập ổn định, vừa sức lao động của mình. Tôi làm 1 ngày được 150.000- 200.000đ cuộc sống gia đình cũng ổn hơn lúc trước”.
Nhờ tiếng lành đồn xa, anh Nguyễn Minh Hùng- một người chuyên trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước đi tìm mua cây gòn về trồng nọc tiêu. Bà con trong xã Thanh Bình chỉ đến gặp anh Một. Qua tìm hiểu, 2 bên đồng ý ký hợp đồng mua số lượng không hạn chế với giá 25.000 đ/cây.
Anh Một bàn bạc với anh em trong tổ đi khắp nhà vườn trong ngoài xã thu mua thân cây gòn theo quy cách với giá 5.000 đồng/cây. Tổ thu mua lần đầu được 5.000 cây, lời bộn.
Lần hai, anh Hùng đến ký hợp đồng với tổ mua 20.000 thân cây gòn. Lần này, anh em đi tìm mua khắp các tỉnh ĐBSCL được 24.000 cây. Trừ chi phí mướn ghe, đổ dầu, ăn uống, tiền vốn mua cây gòn, tổ còn lợi nhuận trên 486 triệu đồng. Lợi nhuận 2 lần được tổ chia đều cho mỗi thành viên, mỗi người trên 20 triệu đồng.
Sau khi kết thúc hợp đồng gòn, tổ ký hợp đồng với Bưu điện huyện Vũng Liêm nhận hợp đồng thi công dựng trụ điện và kéo cáp quang, thu nhập 150.000 đ/ngày/lao động; hợp đồng với Điện lực huyện Vũng Liêm đổ trụ điện và kéo dây điện thắp sáng ở 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện cho trên 300 hộ dân sử dụng điện câu đuôi có điện kế chính, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn ở 2 xã này lên 98% và đạt tiêu chí 4 về điện.
Lợi ích khi tham gia vào tổ hợp tác
Từ ngày thành lập tổ, nhờ giải quyết cho đội ngũ lao động tại địa phương có việc làm ổn định, tăng thu nhập vươn lên khá giàu, có những thành viên trong tổ cất được nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt gia đình. So với trước khi anh em vào tổ hợp tác, có 10 anh em thoát nghèo.
Anh Lê Văn Một tâm đắc: “Mình làm tại địa phương, gần nhà, có thể phụ giúp việc gia đình, thuận tiện lắm. Tổ hợp tác giúp tất cả các anh em phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo, góp phần cùng Đảng bộ xã Thanh Bình hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới như tiêu chí 4 về điện; tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư; tiêu chí số 10 về thu nhập; tiêu chí số 11 tỷ lệ hộ nghèo; tiêu chí số 12 tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; tiêu chí số 13 hình thức tổ chức sản xuất.
Qua đây cho thấy, Tổ hợp tác dịch vụ lao động ấp Thái Bình được thành lập không những góp phần vào việc giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ mà còn góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các thành viên trong tổ đều tạo dựng cuộc sống ổn định và kết quả được lan tỏa rất rộng. Đây là tín hiệu vui mà các thành viên trong tổ cảm thấy phấn khởi.
Với tính tỉ mỉ, cần cù, chịu khó, và làm ăn uy tín, Tổ hợp tác dịch vụ lao động ấp Thái Bình ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều nhà vườn tìm đến tổ để thuê làm trọn gói cho vườn nhà mình hoặc hợp đồng dịch vụ lao động khác…
Anh Lê Văn Một bộc bạch: “Nguyện vọng của tôi là làm sao tạo được công ăn việc làm cho các anh, chị em nghèo tại địa phương ổn định cuộc sống và có thu nhập tăng lên. Đó là tâm huyết của tôi”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhanh- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình, Trưởng BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã: Tuy mới được thành lập hơn 2 năm nhưng trong năm qua, tổ đã giúp được 10 hộ thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tạo nên sự đoàn kết giữa các thành viên trong tổ. Với hiệu quả mà mô hình mang lại, tổ hợp tác dịch vụ lao động được xem là mô hình mới của nông dân. Vì thế, thời gian tới, BCĐ xã tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã vận động các hộ nông dân không có việc làm, nhất là các hộ nghèo tham gia vào tổ và nhân rộng ra các ấp khác trong xã, để góp phần cho xã về đích 19 tiêu chí trong năm 2015. |
ĐOÀN VĂN CANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin