Tam Bình: Tạo việc làm chắc, giảm nghèo bền vững

10:08, 27/08/2014

Năm 2014 là năm thứ tư huyện Tam Bình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Ngay từ đầu năm, Huyện ủy đã triển khai nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Trong đó, tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động là giải pháp được huyện chú trọng.

Năm 2014 là năm thứ tư huyện Tam Bình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Ngay từ đầu năm, Huyện ủy đã triển khai nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Trong đó, tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động là giải pháp được huyện chú trọng.

Nhiều giải pháp phối hợp

Giảm nghèo là công tác thường xuyên và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể. Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện kết hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện phối hợp các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn.

Kết quả, mở được 44 lớp với hơn 1.000 học viên tham gia học, trong đó có 46 học viên là đối tượng thuộc hộ nghèo với các ngành nghề như: may công nghiệp, xây dựng, đan, sửa xe gắn máy, nấu ăn…

Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững của huyện Tam Bình.

Chị Cao Thị Lan (Tam Bình) cho biết: “Nhờ có số tiền vay vốn tín dụng mà tôi nuôi được con gái học xong đại học. Nay con tôi đã ra trường có việc làm, trả xong nợ vay, nhà cũng thoát nghèo. Tôi mừng lắm”.

Theo ông Lê Ngọc Đức- Trưởng BCĐ giảm nghèo huyện Tam Bình, giải pháp trước mắt là: Đưa phong trào học nghề, tìm việc làm, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã hội. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng nhau phát triển để vươn lên khá, giàu.

Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực mình phụ trách. Tổng kết nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trong các chính sách đầu tư cho hộ nghèo để mọi người học hỏi, làm theo.

Theo BCĐ giảm nghèo huyện Tam Bình: Để giảm nghèo bền vững, 6 tháng cuối năm huyện Tam Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Song song với việc thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo điều kiện và cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh, huyện tập trung cải thiện điều kiện sống và sản xuất cho hộ nghèo người dân tộc Khmer, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa hộ giàu và hộ nghèo.

Giảm nghèo bền vững

Trừ những trường hợp nghèo vĩnh viễn: gia đình chỉ có người già neo đơn,… những hộ còn khả năng lao động đều được tạo công ăn, việc làm,… để thoát nghèo bền vững. Tại ấp Nhà Thờ (xã Tường Lộc), để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, Chi hội Phụ nữ ấp thành lập 4 tổ xoay vòng vốn nhờ đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

Gia đình cô Từ Thị Hòa từng thuộc hộ nghèo vì không có đất sản xuất phải nuôi 5 con ăn học. Nhờ có vốn xoay vòng, cô mua rau bán lại và học làm bánh tráng giấy tăng thu nhập.

Giảm nghèo, đời sống người dân dần được nâng cao.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt chuyên làm bánh tráng giấy cho biết: Trong ấp người này dạy người kia làm bánh, cùng nhau làm ăn và nuôi con ăn học. Cô Nguyệt cười: “Nhờ làm bánh tráng mà tôi nuôi được 3 đứa con, trong đó có một đứa học đại học!”

Nói về làng nghề làm bánh tráng giấy của ấp Nhà Thờ, ông Nguyễn Thiện Chí- Trưởng ấp cho biết: Trong ấp có khoảng 100 hộ dân làm nghề bánh tráng giấy. Làng nghề đã góp phần giải quyết gần 200 lao động. Bình quân, thu nhập của mỗi người khoảng 1.500.000 đ/tháng.

“Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng và địa bàn tiêu thụ cũng mở rộng khắp các tỉnh đồng bằng”. Ông Nguyễn Thiện Chí phấn khởi nói thêm: “Tương lai, đường giao thông trong ấp cũng được nâng cấp thành đường nhựa”.

Tại các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh, nhiều hộ nghèo làm thêm nghề đan thảm lục bình tăng thêm thu nhập nhờ đó mà giảm nghèo bền vững. Gia đình chị Trần Thị Thoại (ấp An Hòa, xã Bình Ninh) đã có hơn chục năm đan thảm lục bình.

Trước đây, nhà chị Thoại thuộc hộ nghèo của xã vì không có đất sản xuất… tài sản chỉ có cái nền nhà! Nhờ vợ chồng chí thú làm ăn, anh đi làm hồ, chị vừa làm thợ may vừa cùng mẹ chồng đan thảm tăng thu nhập nên đã thoát nghèo mấy năm nay. Chị Thoại cười: “Hàng lục bình tôi làm đều đều mấy năm nay không có ở không, mỗi tháng cũng kiếm được hơn triệu”.

Chỉ tiêu năm 2014, giảm 1,4% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó hộ dân tộc Khmer 2%. Xuất khẩu 100 lao động, giới thiệu tạo việc làm cho 877 lao động; đào tạo nghề cho 1.804 học viên. Tổng số hộ nghèo cuối năm 2013 của huyện là 1.883 hộ, chiếm 4,7% so tổng số hộ dân trong huyện. Tổng số hộ cận nghèo cuối năm 2013 là 1.724 hộ, chiếm 4,3% so tổng số hộ dân trong huyện. Dự kiến thoát nghèo năm 2014 cho 586 hộ tương đương 1,4%, trong đó có 23 hộ người dân tộc tương đương 2%.


Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh