Nỗ lực phòng chống lụt bão

07:08, 20/08/2014

Hàng năm, huyện Tam Bình tập trung chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN)- giảm nhẹ thiên tai, đầu tư nâng cấp, gia cố các công trình đê bao thủy lợi, cống đập, công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật… Nhờ vậy, hệ thống thủy lợi cơ bản được khép kín, giao thông thông suốt.

Hàng năm, huyện Tam Bình tập trung chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN)- giảm nhẹ thiên tai, đầu tư nâng cấp, gia cố các công trình đê bao thủy lợi, cống đập, công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật… Nhờ vậy, hệ thống thủy lợi cơ bản được khép kín, giao thông thông suốt.


Thi công tuyến đê bao thủy lợi Bình An (xã Bình Ninh).

Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện và xã chủ động triển khai, tuyên truyền rộng khắp trong nội bộ và toàn dân ý thức PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, vật chất sẵn sàng ứng phó nhưng vẫn bị bão, lũ, lốc xoáy, mưa to, gió lớn, triều cường đe dọa và gây thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Thả- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện Tam Bình nói: Công trình đê bao thủy lợi gắn với giao thông nông thôn tọa lạc tại ấp Bình An (xã Bình Ninh) xuống cấp không đảm bảo an toàn đời sống dân sinh và sản xuất trước khi lũ về.

Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện mạnh dạn đề xuất tỉnh cho ứng vốn thủy lợi phí cấp bù năm 2015 gần 600 triệu đồng thuê cơ giới thi công với chiều dài 3.000m (khối lượng đất đào đắp trên 12.000m3) được thiết kế theo quy cách chân đê rộng 5m, mặt đê rộng 3m, cao trình 2,3m so đỉnh lũ các năm trước.
 
Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ bảo vệ an toàn 47ha vườn cây ăn trái, hàng trăm nhà ở của nhân dân, diện tích mặt nước ao mương nuôi thủy sản, đàn vật nuôi và 133ha đất trồng lúa không bị ngập, tràn do triều cường dâng cao như các năm trước.

“Tuyến đường đê này trước đây nó ngon lành, sau này nó xuống cấp. Nước lũ về thì ngập. Bây giờ Nhà nước hỗ trợ đê bao thủy lợi cho cao ráo thì mùa màng, cây cối không có ngập lụt. Cây cối sau này không có hư hại, bán được nhiều tiền.

Nói chung, nhờ bà con mình thấy người đi trước, làm được rồi mấy người đi sau người ta cũng hiến đất cho Nhà nước mần tiếp cho nó tốt, đẹp luôn”- ông Dương Văn Hộ sống trong khu vực này phấn khởi nói.

Bí thư Chi bộ ấp Bình An (xã Bình Ninh- Tam Bình) Phạm Văn Mai cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng thì hộ dân rất đồng tình, để hiến màu, cây để cho tiến độ thi công nhanh. Công trình hoàn thành, bà con an tâm sản xuất. Đê bao làm được như vầy, bà con rất phấn khởi”.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Tam Bình đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng thi công 70 công trình thủy lợi trọng điểm, bức xúc với tổng chiều dài 162.500m, tương đương khối lượng đất đào đắp gần 707.000m3.

Ngoài ra, huyện Tam Bình vận động nhân dân thực hiện hàng trăm công trình thủy lợi nội đồng từ nguồn vốn đầu công, đầu mẫu, vốn thủy lợi phí cấp bù 20% cho xã. Các địa phương giao khoán cho hộ dân quản lý, nâng cấp bờ bao thủy lợi, kinh nội đồng phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thả- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện Tam Bình nói:
 
“Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp các xã thường xuyên kiểm tra đê bao cũng như việc tu bổ bờ vùng, bờ thửa của bà con nhân dân. Hàng năm tu bổ các công trình thủy lợi ở những nơi bức xúc để tránh thiệt hại khi mưa bão xảy ra”.

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Tam Bình xảy ra hơn 35 đợt bão, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới, triều cường, mưa to gây thiệt hại tài sản, nhà ở, các công trình công cộng, giao thông, thủy lợi, lúa, thủy sản, màu, cây ăn trái trên 83,6 tỷ đồng. Nặng nhất trong 2 năm 2011 và 2012, mỗi năm thiệt hại gần 40 tỷ đồng.
 
Cụ thể: gây sập hoàn toàn 85 căn nhà, tốc mái gần 180 căn nhà, nhiều trường học bị hư hỏng, tốc mái, gây thương tích 6 người. Công trình thủy lợi, giao thông bị tràn, sạt lở gần 270.000m. Về sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại khá lớn.

Sau khi xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh, huyện kịp thời đến khảo sát, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại sửa chữa, xây dựng lại nhà ở. Tổng số tiền hỗ trợ gần 1 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ dân tháo dỡ, sửa chữa, xây dựng lại nhà ở, ổn định cuộc sống, cưa đốn cây đổ ngã đảm bảo giao thông thông suốt. Các hộ bị sập nhà được di chuyển đến nơi ở tạm chờ xây dựng lại nhà mới. Các đoàn thể vận động cứu trợ kịp thời giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Những nhà sập, nhà tốc mái do bão, lốc xoáy,... chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ và đồng thời vận động Mạnh thường quân tài trợ giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Nói về những giải pháp phòng chống thiên tai, bão lũ, ông Nguyễn Văn Thả cho biết:

“Ban Chỉ huy PCLB thường xuyên thông báo thời gian bão lũ xảy ra, để bà con có cách ứng phó kịp thời, giải thích cho bà con nắm được vai trò cộng đồng trong PCLB. Xã thường xuyên khoán đê bao, cống đập cho người dân bảo quản tốt.
 
Về cây ăn trái, nói nào ngay lũ lên nhanh và nó rút nhanh thành ra thiệt hại không lớn lắm. Còn đối với hoa màu, ngành chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn bà con khắc phục. Đối với hộ khó khăn, Ban Chỉ huy PCLB kết hợp với Hội Chữ thập đỏ vận động hỗ trợ quà để bà con an tâm ổn định
cuộc sống”.


Chủ động khép kín thủy lợi chuyển đổi trồng màu xen canh đất lúa.

Ngày 29/8 tới, huyện Tam Bình được tỉnh chọn làm điểm diễn tập PCLB- TKCN cấp huyện theo đề mục “PCLB, triều cường, lốc xoáy, sạt lở, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai”.

Điểm mới cuộc diễn tập năm nay: Về thực binh, xử lý tình huống, tổ chức hội thi sơ cấp cứu người bị nạn với trên 50 lực lượng dân quân tự vệ và cán bộ y tế 17 xã- thị trấn tham gia.

Qua đó, kiểm tra, ôn lại kiến thức sơ cấp cứu người bị nạn trong công tác PCLB, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề sơ cấp cứu người bị nạn.

Ông Lê Tiến Dũng- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết: Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện đang khẩn trương huấn luyện thực binh, xử lý tình huống phải sát với tình hình thực tế đặt ra là bão lũ sẽ ảnh hưởng gây hại trên địa bàn của huyện.

Qua diễn tập này sẽ bổ sung kế hoạch PCLB trên địa bàn của mình phụ trách nó sát hợp hơn, tác nghiệp của các cấp, các ngành cũng phải nhuần nhuyễn hơn”.

Thiên tai ngày càng phức tạp, khó dự đoán và hậu quả thật khó lường, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện Tam Bình chỉ đạo các ngành và địa phương đảm bảo trực 24/24 từ tháng 6- 12. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiểu để chủ động PCLB, chú trọng biện pháp “phòng là chính”.

Bảo vệ an toàn hệ thống thủy lợi, cống đập, đường giao thông, các cơ sở sản xuất, trụ sở, cơ quan, trường học, bệnh viện,…Triển khai thực hiện tốt công tác thu quỹ PCLB tạo nguồn dự phòng cứu trợ khi thiên tai xảy ra, giảm thiểu được tác hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
 

Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện Tam Bình chỉ đạo các ngành và xã điều tra, khảo sát gần 1.900 căn nhà chưa đảm bảo an toàn, có khả năng bị ảnh hưởng do bão, lốc xoáy. Các địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân chằng- chống được trên 500 căn.

Bài, ảnh: LÊ SÁU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh