
Vĩnh Long có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Thế nhưng từ nhiều năm qua, vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ kinh đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân sống ven sông, làm mất đất, phá hoại các công trình, nhà cửa ven sông… Gần đây, tình trạng sạt lở bờ kinh, bờ bao ở nội vùng đáng lo ngại hơn…
Vĩnh Long có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Thế nhưng từ nhiều năm qua, vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ kinh đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân sống ven sông, làm mất đất, phá hoại các công trình, nhà cửa ven sông… Gần đây, tình trạng sạt lở bờ kinh, bờ bao ở nội vùng đáng lo ngại hơn…
Sạt lở bờ sông Ông Me Lớn (tại ấp Phước Ngươn, xã Phước Hậu- Long Hồ) vào đầu tháng 7/2014.
Sạt lở do… sóng tàu và đào kinh
Tình hình xói lở bờ sông rất đa dạng và phức tạp, xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố tác động do tự nhiên (do gia tăng dòng chảy trên kinh rạch; sóng vỗ bờ; địa chất bờ sông, rạch, bờ kinh mềm yếu; vật liệu cấu tạo bờ có chỉ tiêu cơ lý thấp hay sự thay đổi lên xuống của thủy triều...), trong những năm gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể làm gia tăng xói lở (như xâm lấn lòng sông để nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, nạo vét kinh mương thủy lợi quá mức để đắp bờ bao làm mất ổn định lòng sông, bờ sông gây sạt lở; do xây dựng nhà cửa, kè sông, ao hồ thủy sản… lấn lòng sông làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện…).
Ở sông, rạch nội vùng, có thể thấy tác nhân thường xuyên, gây xói dần dà bờ sông, bờ kinh làm sụp đất và các công trình, nhà cửa ven sông là sạt lở do sóng tàu, sóng ghe. Gần đây, nổi lên tình trạng sạt lở bờ kinh, bờ bao do nạo vét kinh mương thủy lợi quá mức.
Sạt lở do sóng tàu, sóng ghe thấy rõ nhất ở những ngã ba, ngã tư sông, những kinh, rạch có mật độ giao thông thủy cao như vàm Trà Ôn (sông Trà Ôn), kinh Đội Hổ, kinh Mương Lộ (Long Hồ), kinh Bô-Kê (Long Hồ và Tam Bình), kinh Chà Và Lớn (Bình Minh), sông Ngãi Tứ (Tam Bình),… Kinh Bô-Kê và kinh Mương Lộ sạt lở bờ do sóng tàu, sóng ghe là rất dữ dội, mặc dù 2 tuyến kinh này rất cạn, hẹp và chưa được nạo vét.
Ghe tàu chạy trên dòng kinh, gây sóng vỗ bờ ngày đêm tạo thành những vết đào, khoét dần vào bờ kinh, tạo “hàm ếch”, làm đất bờ mất cân bằng, tuột xuống lòng kinh. Những kinh rạch có số lượng ghe, tàu qua lại nhiều, có nhiều phương tiện thủy có tốc độ cao như vỏ lãi, ca-nô, tàu cao tốc… thì càng bị sạt lở nhiều, nhanh hơn.
Sạt lở bờ kinh rạch do sóng tàu có tính chất kéo dài hầu như trên toàn tuyến kinh, trái lại sạt lở do đào kinh thì xảy ra từng đoạn. Đoạn nào, lòng kinh bị đào sâu quá mức thì bờ kinh bị lở chỗ đó. Đất bờ kinh bị mất cân bằng do sức kháng trượt kém hơn lực gây trượt, cộng thêm khối đất đắp chất nặng bên trên, càng làm cho bờ kinh mất cân bằng, bị sạt lở trượt sâu xuống lòng kinh.
Sạt lở do đào kinh có thể xảy ra ngay khi đào kinh hoặc thời gian sau mới xảy ra, 1- 2 năm sau, khi đất bờ bị chất tải nặng hoặc hổng chân, mất cân bằng.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ sạt lở trong nội vùng có liên quan đến đào kinh, mà nổi cộm nhất là vụ sạt lở bờ sông Long Hồ tại ấp Long Khánh (xã Long Mỹ- Mang Thít) làm mất 30m bờ bao mới thi công; sạt lở bờ bao ven kinh Bờ Tràm (ấp Phước Bình A, ấp Phước Thạnh A, B, xã Phú Quới- Long Hồ) xảy ra vào trung tuần tháng 7 làm mất 4 đoạn bờ vùng với chiều dài 103m.
Một vụ khác liên quan đến dòng chảy là vụ sạt lở bờ sông Ông Me Lớn (ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu- Long Hồ) vào đầu tháng 7 làm mất 35m đường liên ấp. Giao thông bộ tại 3 nơi này rất khó khăn…
Giảm thiểu tốc độ các phương tiện giao thông thủy
Thực tế đã cho thấy, ngành giao thông vận tải rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa. Công tác lắp đặt biển báo giao thông đường sông đã được cắm ở những sông lớn, ở những ngã ba, ngã tư của sông lớn.
Tuy nhiên, việc cắm biển báo giao thông thủy ở những tuyến kinh, rạch ở nội vùng có giao thông thủy thì chưa thấy phổ biến. Ghe, tàu có tốc độ cao, quá quy định còn hoạt động, tác động làm sạt lở bờ sông.
Để giảm thiểu sạt lở bờ sông do sóng tàu, ghe gây ra, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa luồng tuyến giao thông thủy, đặc biệt là tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài công tác gắn biển báo giao thông ở những tuyến sông rạch lớn, cần xem xét công tác này đối với những tuyến kinh rạch ở nội vùng có giao thông thủy.
Trong quy hoạch, thiết kế, thi công, cấp phép xây dựng công trình, nhà cửa cần tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về hành lang an toàn, ổn định bờ, lòng sông. Cần xem xét đầu tư nạo vét một số tuyến kinh rạch có mật độ giao thông tương đối cao nhưng đã bị bồi lắng nhiều để thuận lợi hơn cho giao thông, đó là kinh Đội Hổ, kinh Mương Lộ, kinh Bô-Kê.
Chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyền truyền trong dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ các quy định về tham gia giao thông thủy và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy; phát động nhân dân trồng cây, cỏ, xây dựng công trình chắn sóng, giữ đất, chống sạt lở bờ sông, tạo cảnh quan môi trường vùng ven sông.
Xem xét lại việc nạo vét kinh, đắp bờ bao
Để phòng, tránh giảm thiểu sạt lở bờ kinh, bờ bao khi nạo vét đất lòng kinh, rạch để đắp bờ bao, đường giao thông, trước tiên cần xem xét hiện trạng sạt lở và địa chất nền đất tại vị trí tuyến công trình cần xây dựng. Không nên xây dựng bờ bao, đường giao thông sát bờ kinh, rạch đang có dấu hiệu sạt lở mạnh.
Kế đến là cần chú ý đến địa chất đất nền bờ kinh, bờ sông tại tuyến công trình bờ bao, đường giao thông đi qua, cần khoan lấy mẫu đất, phân tích tính chất cơ lý của đất để tính toán sự an toàn, ổn định của bờ kinh, bờ sông trước khi quyết định xây dựng công trình.
Và điều quan trọng là cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc lấy đất, đắp bờ. Nạo vét, lấy đất lòng kinh, lòng sông phải dàn đều, đào đủ rộng, đủ sâu theo thiết kế, thẩm định được duyệt, không nên đào sâu một chỗ hoặc lấn sâu vào bờ.
Việc đổ đất cũng dàn đều dọc theo tuyến công trình và theo từng đợt, từng lớp; không nên đổ chồng đống một chỗ, nhất là nơi đất bờ mềm yếu, sẽ dễ gây trượt lở đất bờ.
Những nơi đất bờ mềm yếu, cần gia cố cọc để tăng sức chịu tải, kháng trượt của bờ kinh; nếu có điều kiện về kinh phí và nguyên liệu cần sử dụng công nghệ thảm xơ dừa lót vào thân bờ bao cũng làm tăng cố kết đất bờ và làm bờ bao mau khô…
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin