Mỗi tối thứ 4 hàng tuần, Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) trở nên náo nhiệt hơn bởi sự góp mặt của tiếng nhạc, tiếng rao hàng của chợ đêm. Từ hơn 5 giờ chiều, công nhân đến mua sắm tại khu chợ đêm đông dần. Không chỉ có tiểu thương bán hàng, công nhân của khu công nghiệp còn tận dụng thời gian sau giờ làm việc bán ở chợ đêm, kiếm thêm thu nhập.
Chợ đêm thu hút nhiều người dân đến mua sắm.
Vài năm nay, sự xuất hiện của chợ đêm ở những vùng nông thôn khiến cho đời sống của người dân phong phú hơn. Có nơi vui chơi, mua sắm vào buổi tối, tiểu thương cũng có thêm thu nhập…
Nhộn nhịp chợ đêm vùng quê
Khoảng 4 giờ chiều, thay cho không khí tĩnh lặng thường có ở các điểm chợ xã, không khí náo nhiệt của chợ đêm bắt đầu sôi động. Tiểu thương tất bật dọn hàng.
Mỗi tối thứ 4 hàng tuần, Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) trở nên náo nhiệt hơn bởi sự góp mặt của tiếng nhạc, tiếng rao hàng của chợ đêm.
Từ hơn 5 giờ chiều, công nhân đến mua sắm tại khu chợ đêm đông dần. Không chỉ có tiểu thương bán hàng, công nhân của khu công nghiệp còn tận dụng thời gian sau giờ làm việc bán ở chợ đêm, kiếm thêm thu nhập.
Còn mặc nguyên chiếc áo công nhân của Công ty Tỷ Xuân, chị Phạm Thùy Duyên (xã Song Phú- Tam Bình) hồ hởi: “Sau giờ làm, tôi tranh thủ cùng chồng dọn hàng ra bán liền để kịp cho công nhân mua.
Chợ đêm Hòa Phú đông vui hơn vì công nhân, sinh viên nhiều, bán chạy hơn những chỗ khác. Ban ngày, chồng tôi bán quần áo ở các chợ ngày rồi chiều cùng bán ở các chợ đêm, lời khoảng 200.000 đ/buổi. Tôi còn lên TP Hồ Chí Minh để lựa mẫu mã, màu sắc để phù hợp với thị hiếu khách hàng”.
Anh Phúc bán quần áo kế bên nói: “Vui nhất là tình đoàn kết giữa anh chị em trong đoàn bán chợ đêm.
Đi xa đợi về chung, nhiều khi xe hư, hết xăng, giúp đỡ lẫn nhau. Buôn bán không cạnh tranh nhiều. Lúc trước không có chợ đêm buồn, giờ bán thấy vui. Thấy người dân thích đi chợ đêm vì giá rẻ. Mỗi buổi tối chỉ đóng phí 20.000 đ/đêm”.
Đang chọn mua quần áo, Nguyễn Phượng Mai- sinh viên Trường Đại học Cửu Long cho biết: “Tụi em rất thích mua đồ ở chợ đêm. Giá mềm, hàng hóa cũng đảm bảo. Không khí chợ đêm cũng sôi động, đi xem cũng thấy vui”.
Mỗi tối cuối tuần, chợ đêm Cái Ngang cũng không kém phần nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Bích Thu- bán quần áo vui vẻ nói:
“Tôi bán ở chợ đêm hơn 2 năm rồi. Ngày nào không đi bán buồn không chịu nổi. Bán 1 triệu đồng tiền hàng lời được 100.000- 200.000đ. Bên cạnh mặt hàng giá bình dân, còn có hàng cao cấp cho những người có nhu cầu”.
Anh Châu Văn Phước- chồng chị Thu nói: “Từ 4 giờ sáng dọn đi bán chợ ngày, 3- 4 giờ chiều dọn đi bán chợ đêm. Lịch đi bán kín mít hà”.
Cần nâng “chất” và “lượng” chợ đêm hơn nữa
Chợ đêm vùng nông thôn như bức tranh sinh động, đủ màu sắc. Sự xuất hiện của chợ đêm khiến cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nông thôn ngày càng khá hơn.
Mỗi nơi chợ đêm đến, có gần cả trăm ánh đèn làm sáng rực một vùng, càng làm cho các gian hàng trưng bày thêm rực rỡ, bắt mắt, hấp dẫn người mua.
Tiểu thương cần nâng cao ý thức hơn trong việc bán hàng có nguồn gốc rõ ràng (ảnh minh họa).
Chợ đêm không chỉ là lựa chọn mua sắm của người dân nông thôn, nhiều tiểu thương cho biết, nhờ theo bán chợ đêm mà cuộc sống đỡ phần khó khăn, thu nhập ổn định hơn.
Cô Lê Thị Tám (Phường 9- TP Vĩnh Long) bán thú nhồi bông cho biết: “Bán gần 10 năm, mới theo chợ đêm 2- 3 năm nay. Vui nhất là được đi đến các vùng nông thôn, thấy người dân ở đó háo hức chờ mình tới. Khách mua nhiều, đông vui lắm. 3 giờ chiều bắt đầu đi đến 11 giờ khuya về, mệt mà vui, được đi đây đó nhiều, vừa có đồng vô đồng ra”.
Nhà ở Bến Tre, chị Nguyễn Thị Diễm Quỳnh bán giày dép, cho biết: “Lúc trước tôi làm thuê làm mướn, sau chuyển qua bán chợ đêm thu nhập khá hơn. Tôi bán được vài tuần, lời 100.000- 300.000 đ/buổi, đủ trang trải cuộc sống”.
Tuy nhiên, theo một số tiểu thương và người dân, các mặt hàng ở chợ đêm còn ít, chỉ chủ yếu là hàng may mặc.
Bên cạnh đó, các mặt hàng ở chợ đêm chưa thật sự đa dạng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều chợ đêm chủ yếu bày bán các mặt hàng quần áo, còn thiếu nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống, tiêu dùng của người dân.
Chị Nguyễn Thị Ánh (xã Song Phú- Tam Bình) nói: “Chợ đêm chỉ bán quần áo là nhiều, các mặt hàng thiết yếu như chén, nồi, thau… chưa có nhiều. Thêm vào đó, một số chợ đêm còn bán hàng có nguồn gốc không rõ ràng, không tem, không niêm yết giá. Ý thức buôn bán của tiểu thương còn chưa cao trong việc đảm bảo vệ sinh nơi công cộng”.
Do đó, để chợ đêm thật sự phát huy hết công dụng, thật sự trở thành điểm sáng, điểm đến lý tưởng của người dân nông thôn cần không ngừng nâng chất lượng và số lượng các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Anh Biện Công Tâm- phụ trách tổ chức đoàn chợ đêm Hòa Phú (Long Hồ) cho biết: Bình thường có khoảng 50 gian hàng bán. Ngày tết, ngày lãnh lương của công nhân, tiểu thương bán chật kín sân. Đoàn đi cả tuần: thứ 3 ở Long Hiệp (Long Hồ), thứ 4 xã Hòa Phú (Long Hồ), thứ 6 chợ Tầm Vu (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân)… Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng, có xuất xứ trong nước. Tôi tổ chức chợ đêm 7 năm ở nhiều nơi, về Vĩnh Long tổ chức được 3 năm, thấy sức mua ở các vùng nông thôn cao, người dân chịu mua sắm. Tiểu thương cũng háo hức tham gia bán, ít nói thách. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin