Những người mẹ anh hùng của dân tộc anh hùng

07:08, 27/08/2014

Cuộc kháng chiến của dân tộc đã lùi xa, song nhiều bà mẹ vẫn còn đó nỗi đau xé lòng, nỗi buồn khôn cạn, sống với những kỷ niệm không phai mờ về những người chồng, người con thân yêu nhất.

Cuộc kháng chiến của dân tộc đã lùi xa, song nhiều bà mẹ vẫn còn đó nỗi đau xé lòng, nỗi buồn khôn cạn, sống với những kỷ niệm không phai mờ về những người chồng, người con thân yêu nhất.

Nhưng hôm nay, tất cả chúng ta cùng về đây trong không khí trang trọng mà ấm áp thân tình, để vui chung niềm vui ngày các mẹ được vinh danh.


Mẹ Việt Nam anh hùng và nụ cười hiền khi nhận hoa và danh hiệu vinh dự từ Bí thư Tỉnh ủy- Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Mẹ nén đau thương

Buổi lễ phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã được tổ chức trang trọng, nhưng tràn ngập không khí xúc động và vô cùng ấm áp. Các mẹ đều đã còng lưng, tóc bạc trắng vì thời gian. Có mẹ đi không vững phải ngồi xe lăn.

Thật khó khăn khi chúng tôi đối diện các mẹ để khơi gợi lên những nỗi đau đã chạm tới trái tim, tận cùng của sự chịu đựng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Gấm (92 tuổi, xã Chánh An- Mang Thít) khi nhắc tới chồng con hy sinh của mình thì đôi mắt khô, mờ đục thoáng ánh bần thần, nói yếu ớt: “Sống hết nước mắt. Đau hết nước mắt. Mấy mẹ con đùm túm nhau, khổ nhưng không dám la, nén nỗi đau vào trong âm thầm chịu đựng, sợ tụi nó biết”.

Thương lắm, nhưng lớp trẻ chúng tôi khó lòng thấu hiểu hết những gì mẹ phải chịu đựng và đã từng nếm trải. Những người mẹ đã nén đau thương, cắt ruột mình rải trên quê hương để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Các mẹ vừa làm lụng, tần tảo nuôi con vừa phải gan dạ, bình tĩnh trước kẻ thù. Các mẹ vừa nuốt nước mắt tiễn các con đi, rồi khóc thầm lặng lẽ khi các con vĩnh viễn không trở về. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta đã chở nặng trĩu những nỗi niềm của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Những bà mẹ tưởng chừng bé nhỏ, yếu đuối nhưng chất chứa trong tận cùng nỗi đau là một nghị lực phi thường, sức sống vô cùng mãnh liệt.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phi (84 tuổi, xã Chánh An- Mang Thít) có 3 người thân hy sinh. Người chồng trước của mẹ- liệt sĩ Tô Văn Sữa- hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chồng mất lúc đứa con thứ 2 của mẹ mới 2 tuổi và mẹ đang có bầu hơn 3 tháng. Dù mất mát đau thương, song mẹ vẫn cố gắng vượt qua để lo cho các con.

“Tui lo cho con nhưng cách mạng giao việc gì tui cũng đi, không sợ chết. Thấy tui hiền, đơn thân nên họ mần mai cho tui ông Quốc. Chiến tranh sống nay chết mai nhưng tui không sợ khi lấy tiếp chồng cách mạng”.

Rồi mẹ kể về người bạn đời thứ 2- liệt sĩ Phùng Văn Quốc: “2 vợ chồng tui chèo ghe chở lúa, chở rau củ nhưng ở dưới sạp xuồng thì chứa tài liệu. May sao những chuyến đi trót lọt, nhưng trong trận càn của địch, ổng lại hy sinh...”

Chồng hy sinh, con trai Phùng Văn Vĩnh cũng từ biệt mẹ ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc. “Nó hoạt động cách mạng dữ lắm, bị giặc bắt bỏ tù mấy lần luôn. Con mất, tui đâu có hay. Đồng đội về kể con tui bị tra tấn hết sức dã man ở chuồng cọp Côn Đảo. Con hy sinh, xác bị đổ sông đổ biển không biết bao giờ mới tìm được con ơi…!”

Dâng “núm ruột” của mình cho Tổ quốc

Bất cứ người mẹ nào tiễn con, hiến dâng “núm ruột” của mình cho Tổ quốc đều run lên dự cảm rằng con mình sẽ không trở về. Nhưng các mẹ không thể ngăn những đứa con thân yêu mình ra đi vì một lẽ: “Nếu ai cũng sợ con chết thì làm sao giải phóng được đất nước?” 

Mẹ Nguyễn Thị Tới (88 tuổi, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) không cầm được những giọt nước mắt khi nhắc đến 2 người con của mình là liệt sĩ Huỳnh Văn Muôn và Huỳnh Văn Đen: “Thằng Muôn và thằng Đen hy sinh giờ không biết mả mồ ở đâu. Chồng, con theo cách mạng, tụi nó theo dõi, nó “quýnh” tui cũng không khai. Mình có đổ máu mới có độc lập. Độc lập vui đó nhưng buồn vì không biết con mình nằm đâu…”

Nỗi đau của mẹ Tới cũng là nỗi đau chung rất nhiều bà mẹ, rất nhiều gia đình chưa tìm được mộ người thân. Song các mẹ cũng tự an ủi rằng dù ở nơi nào đó, các con của mẹ cũng sẽ yên nghỉ trên nơi mảnh đất quê hương đã hòa bình, độc lập.

Các bạn đoàn viên giúp các mẹ sức khỏe yếu.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Tư (95 tuổi, xã Phú Đức- Long Hồ) nắm lấy bàn tay con trai út- chú Cao Văn Bích- xuýt xoa: “Tay con mần quá nên chai cứng hết hà. Tay má cũng mần nhưng mềm hơn tay con”. Chồng mẹ- liệt sĩ Cao Văn Là- hy sinh khi chú Bích mới 2 tuổi. Con trai thứ hai- liệt sĩ Cao Văn Bạch- hy sinh ở tuổi 20.

“Hồi đó má cực lắm, nhưng phải chi cực khổ mà chồng, con má còn sống thì vui biết bao. Giờ 2 người nằm ở Cầu Đôi (Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Long Hồ- PV) má đau lắm”.

Cái miệng móm mém nhắc chuyện hồi đó, ký ức lại ùa về với hình ảnh đứa con liệt sĩ của mình: “Thằng Bạch cái hồi còn sống nó đi cấy với má rồi. Nó cấy giỏi lắm. Nó nói nó làm hết chuyện cho má nghỉ khỏe. Nó xin má đi đánh giặc năm 14 tuổi. Thằng Bạch hy sinh nhưng má vẫn thấy nó ở bên cạnh má. Má quên không nhớ đồ để ở đâu, má vái con là kiếm gặp hà. Thương lắm!”

Nỗi buồn thì vẫn còn đó, nhưng hôm nay niềm vui trào dâng ấm cúng, khi lớp trẻ xúm xít bên các mẹ như đàn con. Các mẹ không “đơn độc” trong nỗi đau này, vì Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận công lao to lớn, vì nhân dân và các thế hệ nối tiếp vẫn luôn thấu hiểu, tri ân và sẻ chia cùng mẹ.

Phát biểu tại buổi lễ phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long không nén được niềm xúc động: “Chiến tranh luôn gây mất mát đau thương, nhưng mất mát nhất là về con người; đau thương nhất là nỗi đau của người mẹ mất con, vợ mất chồng, các con mất những người cha... Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng mẹ vẫn đau nỗi đau xé lòng, buồn với nỗi buồn không nguôi, sống với những kỷ niệm không phai, hình ảnh không mờ của những người thân yêu nhất. Các mẹ đều hiểu được cái giá của Độc lập- Tự do, các mẹ luôn tự động viên mình trước những mất mát hy sinh, trước những nỗi đau trải dài suốt cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các mẹ đã góp phần làm nên những trang lịch sử vàng chói lọi của dân tộc ta; cuộc đời và sự cống hiến của các mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo...”

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN-NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh