Bến khách ngang sông địa phận xã Thành Lợi (Bình Tân) sang cồn Khương (quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) do Hợp tác xã (HTX) Thành Lợi hoạt động 15 ngày trong tháng và đối lưu với một HTX ở Cần Thơ hoạt động 15 ngày.
Bến khách hiện hữu của HTX Thành Lợi.
Bến khách ngang sông địa phận xã Thành Lợi (Bình Tân) sang cồn Khương (quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) do Hợp tác xã (HTX) Thành Lợi hoạt động 15 ngày trong tháng và đối lưu với một HTX ở Cần Thơ hoạt động 15 ngày.
HTX Thành Lợi đã đầu tư vốn xây bến khách, sắm phương tiện chở khách, đường lên xuống bến thì UBND huyện Bình Tân có chủ trương phải di dời bến và phải tổ chức đấu thầu, khiến HTX có nguy cơ giải thể.
Theo biên bản cuộc họp ngày 8/9/2011 giữa Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ và Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long về việc xem xét mở bến khách ngang sông Hậu tại vị trí cồn Khương (khu vực 3 phường Cái Khế, quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) đối lưu sang xã Thành Lợi (Bình Tân- Vĩnh Long), Sở GTVT Vĩnh Long và UBND huyện Bình Tân thống nhất ưu tiên cấp phép hoạt động cho HTX GTVT Thành Lợi đối lưu với phía Cần Thơ (mỗi bên hoạt động 15 ngày trong tháng).
Sau khi HTX Thành Lợi đáp ứng đầy đủ thủ tục, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cấp giấy phép hoạt động ngày 7/11/2012.
Khó khăn phải đối mặt
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thành Lợi cho biết: Bến khách ngang sông Thành Lợi- cồn Khương chính thức hoạt động theo giấy phép lần đầu từ 21/12/2012 tại Tổ 5, ấp Thành Phú, xã Thành Lợi.
Đến ngày 29/5/2013, giấy phép hết hạn và cũng hết hợp đồng thuê đất, nên HTX mua đất cũng nằm trong vùng quy hoạch bến khách ngang sông, kề bên bến cũ và đầu tư làm bến mới kiên cố và hợp đồng thuê với Công an huyện Bình Tân 3 phòng liền kề chốt cảnh sát giao thông cầu Thành Lợi để làm đường lên xuống bằng bê tông cốt sắt thuận tiện cho hành khách.
Sau khi hoạt động trở lại theo giấy phép lần 2 được vài ngày, đến ngày 6/6/2013, Trưởng Công an huyện Bình Tân điện thoại báo cho HTX là UBND huyện không cho mở bến trên phần đất đó và buộc HTX ngừng hoạt động, đồng thời cho xây bít lối lên xuống bến khách ngay tại căn phòng HTX hợp đồng thuê với Công an huyện Bình Tân. Do đó HTX phải thuê đất cách bến khách 150m để làm đường cho hành khách lên xuống.
Đến ngày 12/8/2013, Phòng Công thương huyện Bình Tân mời Chủ nhiệm HTX lên thông báo cho biết chỉ cấp phép hoạt động 3 tháng, đến ngày 19/11/2013 không được hoạt động nữa, sau đó đưa ra đấu thầu.
Tuy nhiên, sau nhiều lần khảo sát, HTX cũng được cấp phép hoạt động tiếp đến nay. Nhưng đùng một cái, UBND huyện Bình Tân lại buộc phải đấu thầu đưa rước khách và di dời nơi khác, trên phần đất công, làm thiệt hại tiền đầu tư bến bãi...
Trong quá trình hoạt động, HTX Thành Lợi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và đáp ứng đầy đủ những quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa và đường bộ. HTX cũng luôn nâng cấp bến cũng như đường đấu nối vào QL54 để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên bến dưới đò.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, HTX gặp nhiều cản trở làm thiệt hại đến quyền lợi của HTX cũng như nguồn thu nhập chính đáng của 13 xã viên (trong đó có tới 60 người góp vốn). Thế nhưng UBND huyện Bình Tân lại đưa ra phương án đấu thầu và di dời bến.
“Đến thời điểm này chúng tôi đã đầu tư quá nhiều giai đoạn, nào là thuê đất rồi mua đất, làm đường đan (đã bỏ), rồi tiếp tục thuê đất làm đường mới. Ngay cả chuyện thuê đất cũng phải mua vé máy bay cho Việt kiều bên Mỹ về ký hợp đồng cho thuê đất (theo yêu cầu của UBND xã Thành Lợi) tốn hết 60 triệu đồng. Tính chung, chúng tôi đã bỏ ra khoảng gần 5 tỷ đồng là tiền vay mượn, cầm cố đất của 60 người góp vốn”- ông Nghĩa bức xúc.
Theo phương án của UBND huyện Bình Tân:
- Phương án 1: Huyện Bình Tân quy hoạch bến tại vị trí đất công của địa phương, giao lại cho HTX GTVT Thành Lợi đầu tư xây dựng bến, hàng tháng HTX Thành Lợi phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước và nộp tiền thuê đất cho địa phương.
- Phương án 2: Địa phương đầu tư xây dựng bến tại vị trí đất công, tiến hành đấu thầu 20 ngày hoạt động trong tháng, còn 10 ngày ưu tiên cho HTX Thành Lợi hoạt động không đấu thầu.
Nếu HTX Thành Lợi trúng thầu thì hoạt động trọn tháng; nếu HTX Thành Lợi không trúng thầu thì ưu tiên cho HTX Thành Lợi hoạt động 10 trong ngày, 20 ngày còn lại trong tháng do đơn vị trúng thầu hoạt động, HTX Thành Lợi phải trả tiền hàng tháng theo giá trúng thầu theo tỷ lệ số ngày hoạt động
trong tháng.
Sau khi có phương án, UBND huyện Bình Tân và Sở GTVT Vĩnh Long tổ chức họp chọn phương án 1, ưu tiên cho HTX Thành Lợi thuê đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác và thực hiện nghĩa vụ đúng pháp luật.
Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cũng có kiến nghị chọn phương án 1 ưu tiên cho HTX Thành Lợi, nếu không thì phải giữ nguyên hiện trạng để HTX Thành Lợi tiếp tục hoạt động tại bến khách hiện có của HTX để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho HTX và xã viên.
Đến ngày 21/5/2014, Huyện ủy Bình Tân do ông Nguyễn Bá Khiêm- Chánh Văn phòng Huyện ủy Bình Tân ký thông báo “Kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc hoạt động đối với bến đò khách ngang sông HTX GTVT Thành Lợi, huyện Bình Tân”.
Thông báo nêu: “Tại cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy ngày 19/9/2014. Cuộc họp có nhiều nội dung, trong đó có nội dung về hoạt động bến đò khách ngang sông (Thành Lợi- cồn Khương) của HTX GTVT Thành Lợi.
Qua trao đổi, thảo luận, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất chủ trương: Thống nhất theo phương án 2, tại cuộc họp ngày 16/2/2014 của Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long. Trên đây là kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy, giao cho UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.
Di dời bến có hợp lý?
Được biết, vào tháng 3/2013, Công an huyện Bình Tân có công văn đề nghị Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh và UBND huyện Bình Tân ra quyết định đình chỉ hoạt động và đề nghị Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long rút giấy phép hoạt động bến đò ngang Thành Lợi- cồn Khương.
Theo đề nghị, bến khách này cơ bản đảm bảo các điều kiện về trật tự ATGT đường thủy nội địa nhưng đường dẫn lên QL 54 phía bờ Thành Lợi nằm ngay chân cầu Thành Lợi, dù có biển báo cấm đi vào đường một chiều nhưng đa số người điều khiển phương tiện không tuân thủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và gây mất trật tự ATGT đường bộ trên địa bàn.
Sau khi có công văn đề nghị của Công an huyện Bình Tân, Ban ATGT tỉnh, huyện kết hợp với Thanh tra đường bộ IV.07 (nay là Thanh tra đường bộ thuộc Chi cục IV), Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Vĩnh Long) tiến hành kiểm tra bến khách ngang sông này.
Sau khi kiểm tra, đoàn xét thấy bến khách này đảm bảo các điều kiện về trật tự ATGT đường thủy nội địa, đường lên xuống bến khách đấu nối vào đường dân sinh nên đã thống nhất dựng biển báo cấm quẹo trái tại điểm đấu nối, chỉ cho phép người tham gia giao thông đi theo hướng phải vòng dưới từ mố cầu Thành Lợi ra QL 54 để đảm bảo ATGT đường bộ trong khu vực.
Ông Thái Công Danh- Giám đốc HTX Thành Lợi bức xúc: Thành viên HTX đã bỏ vốn đầu tư rất nhiều cho hoạt động HTX, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, vì nhiều lý do khách quan, HTX chỉ hoạt động được hơn 15 tháng. Do mới hoạt động, cạnh tranh với các bến trong khu vực nên doanh thu còn thấp, lợi nhuận chưa nhiều.
Đến nay, thành viên HTX chỉ mới thu hồi một phần nhỏ vốn bỏ ra để đầu tư. Theo kế hoạch, sau 5 năm hoạt động liên tục, HTX và thành viên mới thu hồi được vốn đầu tư. Nhưng chủ trương của UBND huyện Bình Tân tổ chức di dời, bỏ bến đang khai thác của HTX và tổ chức đấu thầu là không thỏa đáng.
Nếu di dời bến mới thì vốn đầu tư xây dựng bến hiện tại sẽ bỏ hoàn toàn và số tiền hàng tỷ đồng góp vốn của xã viên bỏ trôi sông. Chủ trương di dời và tổ chức đấu thầu của huyện Bình Tân là chưa hợp lý. Theo phương án 2, nếu không thắng thầu thì HTX có nguy cơ bị giải thể, lúc đó cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trả lại phần thiệt hại cho HTX, thành viên HTX?
Theo ông Diệp Thành Nhân- Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở GTVT Vĩnh Long): Việc dời bến khách đến phần đất công của huyện như UBND huyện Bình Tân trình bày thì khó khả thi. Theo trình bày, phần đất công bề ngang 8m, kéo thẳng xuống sông theo mặt nước thì không hợp lý, không an toàn.
Nếu mở bến tại đây phải mở rộng mặt nước ra hai bên theo tầm hoạt động và chiều dài của phương tiện 100 khách (có chiều ngang khoảng 6m, chiều dài gần 20m). Phương tiện chở khách còn phụ thuộc vào sức gió và sức nước khi cập bến phương tiện thường rất ít cập thẳng vào bến mà phải theo chiều nước chảy, hướng gió, không thể ra vào chính xác như ôtô được.
Trong đó còn phải phòng ngừa những ngày mưa bão. Mặt khác, điểm này nằm giữa cơ sở đóng tàu và một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng với quy mô lớn; cả 2 cơ sở này đều sử dụng xà lan và cần cẩu hoạt động thường xuyên, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho phương tiện chở khách.
Nếu cơ sở đóng tàu và cơ sở kinh doanh VLXD chấp nhận “nhường” mặt nước thì công tác kiểm tra khảo sát, cấp phép cũng rất khó, phức tạp, vì đây là đường thủy quốc gia cũng là đường giao thông quốc tế.
Mặt khác, đường lên xuống đấu nối vào QL54, nhiều cơ quan chức năng phải phối hợp khảo sát lập kế hoạch đảm bảo ATGT đường bộ để Sở GTVT trình UBND tỉnh và tỉnh xin Bộ GTVT cho phép, nếu được bộ đồng ý mới tiến hành khảo sát cấp phép. Tóm lại, cả 3 vấn đề trên đều rất khó khả thi; trong đó khó nhất là diện tích mặt nước!
Ông Trần Phú Hữu- cán bộ Phòng Công thương huyện Bình Tân cho biết: Mặc dù Huyện ủy, UBND huyện chọn phương án đấu thầu theo phương án 2 nhưng sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Hiện UBND huyện còn đang lựa chọn, một là dùng ngân sách huyện để xây bến khách, hai là đơn vị nào trúng thầu sẽ xây bến, nhưng vẫn còn phân vân. Vì bỏ ngân sách xây bến cho thuê lại thì khó khả thi vì ngân sách địa phương khó khăn; còn giao cho đơn vị trúng thầu xây sử dụng, sau 5 năm đấu thầu lại nếu đơn vị xây bến không tiếp tục trúng thầu giao lại cho đơn vị mới thì lại sẽ xảy ra tranh chấp tiếp và rất phức tạp. |
Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin