Lo lũ sớm tràn bờ

06:08, 16/08/2014

Theo Trung tâm Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mực nước các sông rạch trong tỉnh đạt đỉnh triều vào các ngày 13, 14/8 vừa qua, đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III chút ít và duy trì ở mức cao trong một vài ngày rồi xuống theo triều. Để chủ động phòng, chống, ứng phó với các đợt mưa, lũ kết hợp triều cường, vừa qua UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp nhằm hạn

Theo Trung tâm Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mực nước các sông rạch trong tỉnh đạt đỉnh triều vào các ngày 13, 14/8 vừa qua, đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III chút ít và duy trì ở mức cao trong một vài ngày rồi xuống theo triều.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó với các đợt mưa, lũ kết hợp triều cường, vừa qua UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại.


Nước lũ lăm le nhiều diện tích hoa màu ở Bình Tân.

Lũ sớm đe dọa hoa màu, ruộng lúa

Mặc dù các địa phương đang tăng cường kiểm tra, gia cố nạo vét nhiều đê bao, cống đập, nhưng do nước lũ lên nhanh nên nhiều diện tích hoa màu, ruộng lúa bị đe dọa.

Ghi nhận tại huyện Bình Tân, mực nước nội đồng trên các kinh, rạch đang lên khá nhanh. Nhiều diện tích khoai lang, lúa Thu Đông giai đoạn trổ đang trong tình trạng triều cường lăm le gây hại khi bất kỳ đoạn đê nào bị vỡ.

Ông Trần Văn Triệu (ấp Thành Thuận, xã Thành Trung) đang khệ nệ cái máy bơm từ nhà ra ruộng cho biết hơn tuần nay, ngày 2 lượt sáng chiều ông phải bỏ ra vài lít dầu để bơm nước cứu hơn 4 công khoai lang trồng được 3 tháng.
 
“Mấy năm trước, đầu mùa lũ tôi đều chủ động gia cố bờ bao quanh ruộng khoai nhưng năm nay nước lũ lên sớm nên trở tay không kịp. Mới đầu mùa mà nước lũ đã tràn bờ, mai mốt còn cao hơn không biết mấy công khoai có ăn được củ nào không nữa”- ông Triệu lo lắng.

Tương tự, ông Liễu Văn Nhân có gần 10 công khoai lang cặp bên cũng đứng ngồi không yên vì “có hôm nước tràn vào ngập gần nửa dây khoai”.

Để ứng phó lũ, nhiều ngày qua, bên cạnh huy động máy bơm, ông Nhân phải thuê thêm người gia cố bờ bao quanh ruộng khoai. “Mấy năm trước tới đầu tháng 9 âm lịch mới thấy lũ, còn năm nay lũ sớm quá trời. Bà con ở đây không ngờ nên phần lớn cống, đập quanh ruộng vườn chưa ai đào đắp kỹ lưỡng”- ông Nhân thông tin thêm.

Ông Đoàn Văn Đức- cán bộ Nông nghiệp xã Tân Hưng cho biết, trước tình hình nước lũ đang lên nhanh những ngày qua, địa phương khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục xuống giống rau màu và cần chủ động bờ bao ứng phó nước lũ bất thường.

“Trên ruộng hiện còn hơn 200ha khoai lang, nếu lũ rút xuống thì diện tích này ổn định, ngược lại thì rất có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Địa phương đang triển khai nạo vét, gia cố 5 công trình thủy lợi nội đồng mà theo ông Đoàn Văn Đức, “những công trình này có ý nghĩa rất quan trọng để kiểm soát nước lũ, bảo vệ hoa màu và nhà cửa nhân dân, vì vậy đang được kiến nghị thi công khẩn trương”.

Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân cho biết, đã có 1,5ha trồng hành lá và rau cải đang thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch của bà con nông dân xã Tân Quới bị lũ chụp. Sau sự cố, địa phương đã huy động phương tiện khắc phục, nên thiệt hại không đáng kể.
 
Hiện ngoài đê bao một số xã ven sông Hậu bị tràn nước do hư hỏng, thì một tuyến đê bao nội đồng trực tiếp phục vụ sản xuất đã xuống cấp.

“Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra toàn bộ tuyến đê bao xung yếu để kịp thời chấn chỉnh trong điều kiện không an toàn mùa mưa lũ tới”.

Nói về những giải pháp cụ thể, Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết, khó khăn nhất hiện nay là thiếu kinh phí nên một số công trình triển khai chưa đồng bộ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến công tác kiểm soát lũ chưa tốt.

“Trong hoàn cảnh này, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm những đập dã chiến. Hiện nhiều địa phương cũng đã đăng ký làm đập dã chiến và đang thẩm định thi công khi cần thiết”.

Huyện Trà Ôn cũng đang triển khai kiểm tra nhiều tuyến đê bao nội đồng. Ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, hiện chưa có diện tích thiệt hại trong đợt triều cường đầu mùa.
 
Tuy nhiên, địa phương cũng không thể lơ là, bằng cách khoanh vùng một số khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng để tập trung gia cố đê bao; đồng thời tuyên truyền cho người dân cần hết sức cảnh giác để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Nước bò lên lộ

Theo Trung tâm Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục lên, đến ngày 16/8 tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,90m (dưới báo động II là 0,10m), tại Châu Đốc ở mức 3,15m (cao hơn báo động I là 0,15m).

Mực nước các sông rạch trong tỉnh đạt đỉnh triều tại Mỹ Thuận khoảng 1,75- 1,80m, tại Cần Thơ khoảng 1,85- 1,90m, đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III một ít các ngày 13, 14/8 và duy trì ở mức cao trong một vài ngày rồi xuống theo triều.

Vài ngày qua, mặc dù không mưa nhưng khi triều đạt đỉnh thì nước đã bò lên một số tuyến đường giao thông.

Nội ô TP Vĩnh Long cũng đã có một số tuyến đường, con hẻm bị ngập. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam tại 22 vị trí ngập ở TP Vĩnh Long cho thấy, thành phố bị ngập do nước mưa chiếm 54%, ngập do mưa kết hợp triều cường, lũ chiếm 46%. Khu vực ngập do mưa ở Phường 1, 8 và một phần Phường 5, độ sâu ngập 20- 40cm.
 
Khu vực ngập do triều cường, lũ kết hợp với mưa, thời gian ngập thường kéo dài vài giờ trong thời gian đỉnh triều và xuất hiện 2 lần trong tháng 10, 11, độ sâu ngập 20- 30cm.

Khu vực ngập do triều cường ở các phường: 2, 3, 4, 5, 9, tập trung ở ven sông, rạch độ ngập 10- 20cm vào tháng 10 và 11. Khu vực ngập do triều cường, lũ tập trung ở các xã, khu vực ven sông (một phần của các phường: 5, 9, 8) độ sâu ngập 10- 20cm.


Ông Trần Văn Triệu đang bơm nước cứu ruộng khoai lang.

Để chủ động phòng, chống mưa lũ kết hợp triều cường, mới đây UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp ứng phó, sẵn sàng các phương án phòng tránh lũ theo cấp báo động.

Bên cạnh việc thông báo cho nhân dân chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu hoạch, thì công tác kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, cống đập là một trong những việc làm cấp thiết nhằm hạn chế thiệt hại khi lũ, triều cường diễn biến bất thường.

Riêng khu vực nội thành, nội thị, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã xác định biện pháp trọng tâm là thường xuyên kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, nạo vét các hố ga, cống rãnh, kinh, rạch bị bồi lắng. Đồng thời sử dụng hiệu quả các trạm bơm, máy bơm đảm bảo vận hành kịp thời và bảo vệ an toàn các cống ngăn triều, công trình chống ngập…

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh