Vừa qua, Hội đồng thẩm định huyện Vũng Liêm đã thẩm tra và kết luận, xã Trung Hiếu đủ điều kiện xét công nhận chuẩn nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí.
Vừa qua, Hội đồng thẩm định huyện Vũng Liêm đã thẩm tra và kết luận, xã Trung Hiếu đủ điều kiện xét công nhận chuẩn nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí.
Nhiệm vụ từ đây đến cuối năm của BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã Trung Hiếu là quyết tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, đặc biệt là tiêu chí thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thúy bên chuồng bò của mình.
Đạt nhưng phải bền vững
Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Vũng Liêm chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngay từ đầu năm 2014, xã Trung Hiếu tích cực phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của tuyến trên dồn sức xây dựng 5 tiêu chí gần đạt, duy trì và nâng chất lượng 14 tiêu chí đã đạt.
BCĐ xã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, tiếp tục vận động nhân dân đóng góp và ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư và môi trường. Nhờ vậy, 6 tháng qua bộ mặt nông thôn xã Trung Hiếu và đời sống vật chất, tinh thần của người dân có chuyển biến tích cực.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiếu Lê Văn Dứt, đánh giá thực chất vẫn còn một số tiêu chí đạt “meo” lắm, như về thu nhập. Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê tỉnh năm 2013 thì đạt 25,157 triệu đồng/người/năm. Nhưng nếu tính theo quy chuẩn mới là 29 triệu đồng/người thì còn phải phấn đấu quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, nếu so sánh lại với năm 2010, tức thời điểm trước khi xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của Trung Hiếu chỉ là con số thật khiêm tốn: 14 triệu đồng/người/năm.
Nông nghiệp chiếm đến 85% trong cơ cấu giá trị đóng góp của các ngành; quy mô sản xuất chưa đồng bộ, chưa liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; lao động phần lớn chưa được đào tạo một cách cơ bản, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Năng suất lúa bình quân 5,5 tấn/ha, giá trị sản xuất đất nông nghiệp khoảng 70 triệu đồng/ha/năm… Từ đó, chúng ta mới nhận thấy những thành quả hôm nay của xã Trung Hiếu dù chưa phải là sự đột phá mạnh mẽ, nhưng đã có nỗ lực to lớn và những thay đổi tích cực.
Không chạy theo những “con số đẹp” của báo cáo, lãnh đạo xã Trung Hiếu bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật, nhận diện những khó khăn còn tồn tại. Với phương châm là sự thay đổi nông thôn, phải hướng đến sự thay đổi về thực chất đời sống người dân, mà đối với một xã thuần nông, thì giữ vững mức thu nhập của nông dân cũng không phải là bài toán đơn giản.
Xác định “2 chân trụ” của nông dân
Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, xã Trung Hiếu tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng thu nhập cho hộ dân như khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhân rộng các mô hình hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi.
Nhưng, ông Lê Văn Dứt cho rằng, đối trồng trọt, chăn nuôi thì việc đạt hiệu quả cao đã khó, việc giữ cho thu nhập ổn định lâu dài còn khó hơn nhiều. Do đó, để giữ vững tiêu chí thu nhập, rất cần thiết phải xác định cho được những mô hình mang tính bền vững lâu dài. Cho đến nay, có thể khẳng định mô hình cánh đồng mẫu và nghề chăn nuôi bò là “2 chân trụ” khá ổn của trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Hiếu.
Về thăm ấp An Lạc Tây, con đường rộng thênh, ôtô có thể bon bon như con đường liên xã. Nhưng điều phấn khởi nhất là niềm vui của bà con vừa kết vụ trên cánh đồng mẫu, với niềm tin cho cái cách làm ăn có bài bản hẳn hoi.
Ông Nguyễn Văn Phi- Bí thư Chi bộ ấp An Lạc Tây cho biết: Hồi mới thành lập năm 2013, ban đầu chỉ có 64 hộ với 66ha. Đến vụ Đông Xuân 2014 đã tăng lên 92 hộ với 85ha. Vụ Thu Đông tới đây chắc sẽ tăng lên trên 90% diện tích của toàn ấp.
Về phương thức sản xuất liên kết, cũng như các nơi khác thôi, nhưng ở An Lạc Tây chúng tôi vận động đả thông tư tưởng cho bà con cách làm ăn bền vững, tạo dựng niềm tin với nhau để giữ vững mối liên kết. Thí dụ, đã ký kết bán lúa cho doanh nghiệp thì dù cho thương lái kêu giá cao hơn cũng không nên ham lời mà làm bể hợp đồng.
Đường liên xóm trồng hoa hai bên lề.
Chú Ngô Bá Phúc (67 tuổi) khẳng định, làm ruộng hồi nào tới giờ mới thấy kiểu làm ăn có hợp đồng thế này, lại có lời hơn trước đây nên tôi chịu lắm! Làm ăn với nhau phải giữ chữ tín. Vận chuyển từ ruộng về tới kho cho doanh nghiệp, tụi tôi bảo đảm không mất 1 bao. Còn họ thì bảo đảm giữ giá cho mình chắc ăn.
Còn về nghề chăn nuôi bò thì không riêng gì xã Trung Hiếu, mà đây là thế mạnh chung có tính truyền thống của huyện Vũng Liêm. Có người mấy chục năm đeo theo con bò mà thành tỷ phú. Chị Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi, ở ấp An Điền 2) là một điển hình.
Hơn 20 năm trước, vợ chồng chị ra riêng với 2 công ruộng và 1 con bò nái (cho đến giờ nó đã đẻ được 18 lứa), nay vợ chồng chị có 40 công ruộng, 10 con bò nái. Theo chị Thúy, nếu nuôi bò đực thịt thì mỗi tháng lời khoảng 1 triệu đồng/con; còn bò đẻ thì cứ “rớt nghé” là có chục triệu rồi, nuôi 6 tháng thì con nghé trị giá khoảng 15- 17 triệu đồng.
Bên cạnh những điển hình của cây lúa và con bò, BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã Trung Hiếu vận động bà con ứng dụng nhiều mô hình trên đồng ruộng như: luân canh lúa- màu, trồng ớt chỉ thiên, chăn nuôi gà, vịt, thủy sản,… Qua 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, cho đến nay có thể thấy điểm nổi bật nhất, mang lại thành công bước đầu chính là sự đồng thuận của chính quyền, đoàn thể và người dân trong xã.
Tổng kinh phí đầu tư liên quan đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến nay là 245 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước là trên 87 tỷ đồng, dân đóng góp gần 158 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: QUANG THUẦN- TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin