Vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm

10:07, 10/07/2014

Ngày thứ hai, kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Long lần thứ 10 khóa VIII sẽ dành nhiều thời gian thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. PV Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến xoay quanh vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan

Ngày thứ hai, kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Long lần thứ 10 khóa VIII sẽ dành nhiều thời gian thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. PV Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến xoay quanh vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

1. ĐB Nguyễn Văn Nhỏ- đơn vị huyện Long Hồ: Cần có quy định cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở được hưởng BHXH


Hiện nay, nguồn nước ở nhiều vùng nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều địa phương kiến nghị cần ưu tiên đầu tư nước sạch cho khu vực nông thôn. Tôi nghĩ đây là nhu cầu bức thiết của người dân và đây cũng là tiêu chí bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, tôi đề nghị cần có quy định cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở được hưởng BHXH để giúp họ có chế độ khi về hưu. Có một thực tế, hiện nay nhiều người làm việc trên 30 năm nhưng khi về hưu chỉ lãnh một số ít tiền, ngoài ra không còn có thêm chế độ nào khác.

2. ĐB Nguyễn Thành Nghiệp- đơn vị huyện Bình Tân: Nên để người dân tự quyết định chọn cây trồng, vật nuôi

Vấn đề tôi quan tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện nay khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, theo tôi khi triển khai nhà nước chỉ cần quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu cơ chế tác động của thị trường, còn việc trồng cây gì, con gì nên để người nông dân tự quyết định theo quy luật cung cầu.

3. ĐB Nguyễn Văn Lê- đơn vị huyện Trà Ôn: Có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách căn cơ

Vĩnh Long là một tỉnh thuần nông, phần lớn thu nhập của người dân từ sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, tỉnh đang vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tuy nhiên tỉnh cũng cần nghiên cứu và có giải pháp chuyển đổi cơ cấu một cách căn cơ nhằm hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

4. ĐB Lữ Quang Ngời- đơn vị huyện Tam Bình: Cần xây dựng chặt chẽ mối liên kết 4 nhà

Theo tôi, khi triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm hoặc có cơ chế hỗ trợ mối liên kết giữa 4 nhà.

Khi thực hiện tốt mối liên kết này, có thể giúp sản phẩm của người dân làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, định hướng và mở rộng thị trường hướng tới xuất khẩu, đặc biệt ở các vùng nguyên liệu lớn tránh tình trạng lệ thuộc vào một thị trường nhất định.

Ngoài ra, tỉnh có cơ chế hỗ trợ, củng cố nâng cao hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp nâng cao năng lực trong quản lý, tự hoạch định, hạch toán ở tất cả các khâu sản xuất, tiêu thụ, ứng phó được với tình hình dịch bệnh, đặc biệt ở các vùng nguyên liệu lớn…

5. ĐB Bùi Văn Nghiêm- đơn vị huyện Vũng Liêm: Xác định cây trồng phù hợp từng vùng

6 tháng qua, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng hầu hết các chỉ tiêu đều đạt khá, đặc biệt là về giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đã khắc phục tình trạng tăng trưởng âm. Đây là sự cố gắng rất lớn!

Khi Tỉnh ủy triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tôi cho rằng chúng ta xác định hướng đi, đúng hướng để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng trong quá trình triển khai thực hiện đề án cần quan tâm đầu vào và đầu ra để trên cơ sở đó xác định chọn cây trồng có giá trị, phù hợp đặc điểm tình hình thời tiết, đất đai, tăng hiệu quả, tránh tình trạng nông dân trúng mùa, mất giá, khi có giá thì lại thất mùa.

Một vấn đề nữa tôi rất quan tâm là khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là quan tâm kinh tế vườn- thế mạnh của tỉnh chúng ta- cần quan tâm tới vấn đề quy hoạch, theo tôi cần xây dựng một mô hình lớn để rút kinh nghiệm chỉ đạo, nhân rộng. Muốn vậy phải quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, đặc biệt là hỗ trợ cho những mô hình mới để người dân quan tâm đầu tư.

6. ĐB Hồ Huỳnh Tuyết Huệ- đơn vị TP Vĩnh Long: Nghiên cứu tiếp tục thực hiện một số chính sách đối với hộ vừa thoát nghèo

Tôi rất đồng tình với những giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh 6 tháng cuối năm. Lĩnh vực văn hóa- xã hội, trong giải pháp về an sinh xã hội, cụ thể là thựchiện chương trình giảm nghèo, ngoài việc thực hiện đầy đủ, thực hiện đúng, chính xác và kịp thời các chương trình, chính sách chung theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ở góc độ của địa phương, để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt yếu tố bền vững, nên có thống kê phân loại hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo để có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng này.

Riêng với đối tượng vừa thoát nghèo, HĐND, UBND tỉnh cần nghiên cứu tiếp tục thực hiện một số chính sách đối với hộ vừa thoát nghèo trong thời gian nhất định (tùy theo chính sách có thể một năm, hai năm hay ba năm). Cụ thể, là hỗ trợ về chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, nhất là việc hỗ trợ về nhà ở.

Lĩnh vực y tế, tôi mong muốn ngành chức năng luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng trong khám điều trị bệnh, nhất là công tác chẩn đoán bệnh, cần có sự chú trọng thường xuyên hoặc kế hoạch cụ thể, thực hiện tốt hơn nữa vấn đề y đức, thái độ chăm sóc phục vụ người bệnh của các cơ sở y tế.

Tỉnh cần ban hành cơ chế xã hội hóa trong chi phí điều trị chạy thận nhân tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và cho cả cơ sở y tế trong hoạt động chuyên môn và phục vụ người dân.

D.UYÊN- T.TÂM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh