Công- tơ điện tử của một số hộ gia đình tăng đột biến; vì sao không cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các hộ dân ở nông trường mía (huyện Bình Tân),… là những vấn đề đại biểu HĐND và cử tri đặt ra cho lãnh đạo 2 ngành điện lực và tài nguyên- môi trường.
Giám đốc Công ty Điện lực- Nguyễn Phước Năng.
Công- tơ điện tử của một số hộ gia đình tăng đột biến; vì sao không cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các hộ dân ở nông trường mía (huyện Bình Tân),… là những vấn đề đại biểu HĐND và cử tri đặt ra cho lãnh đạo 2 ngành điện lực và tài nguyên- môi trường.
* Đại biểu Hồ Huỳnh Tuyết Huệ (đơn vị TP Vĩnh Long) chất vấn ngành điện lực:
Thống nhất rất cao về chủ trương và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, qua tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh chỉ số sử dụng điện khi lắp đặt công- tơ điện tử của một số hộ gia đình tăng đột biến (gấp đôi, gấp ba lần) so với mức độ sử dụng thường xuyên. Đề nghị Công ty Điện lực Vĩnh Long có giải trình cụ thể hơn và những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này.
- Ông Nguyễn Phước Năng- Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long:
Theo sự chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về việc thay dần công- tơ cơ thành công- tơ điện tử, tỉnh Vĩnh Long bắt đầu triển khai từ năm 2013 trên địa bàn TP Vĩnh Long.
Hiện nay số lượng khách hàng của ngành rất lớn, trong khi công- tơ cơ độ chính xác không cao (sai sót cộng trừ 2), mỗi khách hàng là một điểm đo, hàng tháng phải đi ghi, thu nên chi phí rất lớn. Khi bắt đầu triển khai, UBND tỉnh giao cho Sở Công thương kết hợp với các ngành có liên quan lắp đặt thử đường truyền cũng như chất lượng công- tơ.
Sau đó, Sở Công thương có tổ chức hội thảo lấy ý kiến các ngành có liên quan, chính quyền địa phương và triển khai thí điểm với khoảng 600 khách hàng tại Phường 1, Phường 2.
Qua quá trình thí điểm hoạt động công- tơ điện tử đảm bảo yêu cầu nên Sở Công thương trình UBND tỉnh xem xét và quyết định cho triển khai đại trà, tính đến nay ngành lắp đặt trên địa bàn TP Vĩnh Long khoảng 10.000 công- tơ điện tử.
Thời gian gần đây, có phản ảnh của người dân là công- tơ điện tử chạy nhanh, điện năng tiêu thụ tăng trong các tháng 4, 5, 6/2014.
Về phía công ty, công- tơ điện tử được sử dụng hiện nay được cấp từ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Tổng Cục đo lường chất lượng được cấp phép sử dụng trên toàn quốc, độ chính xác sai sót trong mức cho phép (sai sót cộng trừ nhỏ hơn 1).
Qua phản ánh của người dân, công ty có chỉ đạo cho điện lực thành phố kiểm tra và giải thích cho người dân hiểu về công- tơ điện tử.
Tuy nhiên, do chưa giải quyết tới nơi tới chốn nên khách hàng vẫn còn bức xúc. Rút kinh nghiệm này, tới đây công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giải quyết dứt điểm những thắc mắc để tránh những bức xúc gây dư luận không tốt của người dân.
Đồng thời, công ty cũng sẽ giải quyết thắc mắc vấn đề cử tri nêu là khách hàng tiêu thụ không tăng nhưng chỉ số điện tăng 2- 3 lần bằng giải pháp tổng rà soát lại một số trường hợp cụ thể. Nếu khách hàng nào còn tiếp tục thắc mắc, công ty sẽ hỗ trợ khách hàng đến Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng của tỉnh để giám định lại công- tơ này đúng hay sai để có hướng giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, nếu khách hàng không đồng ý với kết quả kiểm tra thì theo quy định, khách hàng có thể khiếu nại đến Sở Công thương. Sở sẽ phối hợp với đơn vị kiểm định độc lập kiểm định lại công- tơ của khách hàng. Nếu kết quả kiểm định công- tơ chạy nhanh, vượt sai số cho phép thì công ty điện lực sẽ hoàn trả tiền điện thu vượt do công- tơ chạy nhanh theo đúng quy định.
* Đại biểu Nguyễn Thành Nghiệp (đơn vị huyện Bình Tân):
Vì sao không cấp QSDĐ cho các hộ dân ở nông trường mía (huyện Bình Tân). Hướng giải quyết và bao giờ mới xong?
- Ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường: Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có 2 khu vực Nông trường mía thuộc xã Thành Trung (có 33 hộ hiện đang sử dụng đất nông trường) và xã Tân Thành (có 29 hộ đang sử dụng đất nông trường).
Đối với khu vực xã Thành Trung, 32/33 hộ đã được UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 2013, hiện còn một hộ đang nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký QSDĐ để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Đối với khu vực thuộc xã Tân Thành có 29 hộ tự chiếm phần diện tích đê bao của nông trường thuộc đất của tỉnh đội để lập chợ tự phát (khoảng năm 1989) và cất nhà tạm quản lý, sau đó các hộ yêu cầu được giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Qua báo cáo kiểm tra thực tế của huyện thì phần đất này do Nhà nước quản lý, đang sạt lở (nơi có bề rộng tối đa là 8m, tối thiểu là 4m) và theo quy hoạch đến 2020 là khu vực xây dựng đê bao kết hợp giao thông.
Vì vậy do không phù hợp với quy hoạch, lại đang sạt lở nên UBND huyện không giao đất, cấp giấy chứng nhận mà vận động các hộ di dời, nếu hộ không có đất sẽ được bố trí vào khu tái định cư vượt lũ.
Trong tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có kế hoạch khảo sát thực tế cùng UBND huyện Bình Tân để xem xét giải quyết các yêu cầu của các hộ thuộc khu vực xã Tân Thành theo đúng quy định của pháp luật.
T.TÂM- D.UYÊN
(Lược ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin