
Đó là gia đình anh Nguyễn Hòa Hiệp (43 tuổi, ở Ấp 9, xã Mỹ Lộc- Tam Bình). Anh là một nông dân năng động, sáng tạo, dám mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho bà con tại địa phương. Hiện anh kiêm nhiệm nhiều chức vụ như Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất; Tổ phó Tổ dịch vụ sản xuất lúa thuê trọn gói Ấp 9; Đội trưởng Đội thu hoạch lúa...
Đó là gia đình anh Nguyễn Hòa Hiệp (43 tuổi, ở Ấp 9, xã Mỹ Lộc- Tam Bình). Anh là một nông dân năng động, sáng tạo, dám mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho bà con tại địa phương. Hiện anh kiêm nhiệm nhiều chức vụ như Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất; Tổ phó Tổ dịch vụ sản xuất lúa thuê trọn gói Ấp 9; Đội trưởng Đội thu hoạch lúa...
Nông dân Nguyễn Hòa Hiệp bên chiếc máy sàng hạt.
Hợp phần vì tổ dịch vụ
Anh Hiệp dành hơn 30 phút tiếp chúng tôi trong thời điểm anh tương đối rảnh rỗi, vì mùa vụ vừa được xuống giống xong.
Anh cho biết: Tổ dịch vụ có phân công đảng viên làm đội trưởng hoặc đội phó để khi gặp khó khăn gì thì kịp thời giải quyết. Tổ trưởng Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói Ấp 9 do ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư chi bộ, Trưởng ấp làm tổ trưởng.
Anh Hiệp làm tổ phó và choàng luôn tổ trưởng tổ hợp tác ở đây. Nhờ có máy móc đầy đủ, ban điều hành phân công cho anh Hiệp làm Đội trưởng Đội thu hoạch lúa của Tổ dịch vụ.
Cách làm của tổ là tới vụ làm đất, xuống giống hoặc thu hoạch đều tổ chức họp bàn thống nhất giá cả, lên kế hoạch, phân khu vực, thời gian thực hiện, ai đảm trách, căn cứ lịch đã quyết để thực hiện đúng như vậy. Bảo đảm đúng lịch thời vụ và giá cả ổn định cho bà con.
Với tính tỉ mỉ, chị Trần Thị Phước Hiền (vợ anh Hiệp) cũng được phân công làm Đội trưởng Đội lúa giống. Nhiệm vụ của chị Hiền là cùng một số chị em khác chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao để phục vụ cánh đồng mẫu trong xã, huyện.
Chị Hiền quản lý lúa giống từ khâu gieo mạ, cấy, khử lẫn, quay về sấy lúa, sàng hạt, đóng bao. Lúc đầu, nhiều người chung quanh không chịu vào nhưng tới khi vô đội rồi làm ăn được, ai cũng thích.
Anh Hiệp cho biết, Đội lúa giống của vợ anh hiện làm giống nguyên chủng 6ha, giống xác nhận 10ha. Ngoài ra, còn quy hoạch một số chủ đất chịu làm cho đội theo đúng quy trình, làm giống gì, sạ ngày nào, lập danh sách đưa lên Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long.
Nơi đây cử bộ phận kỹ thuật xuống kiểm định đồng ruộng ra biên bản, khi đạt thì Đội lúa giống chúng tôi mới thu về, với giá cao hơn 500 đ/kg lúa lương thực.
Lúa cấy do chúng tôi đầu tư mạ cũng tăng thêm 500 đ/kg, còn bà con tự cấy là mua cao hơn khoảng 1.200- 1.300 đ/kg, vì cấy trúng hơn, dễ khử lẫn hơn. Với cách làm đạt yêu cầu như vậy nên Trung tâm Giống cũng thường xuyên lấy giống ở đây giao lại cho bà con các cánh đồng mẫu sản xuất.
Anh Hiệp kể: “Vô mùa, chúng tôi tập hợp 2 người máy cắt, 2 người máy cày, chuyển lúa về sấy khoảng 6 người/tổ; 2- 3 người/ máy sạ hàng để gieo giống. Vô vụ, nhà tôi lúc nào cũng có từ 20 người trở lên, chưa tính những người tham gia Tổ dịch vụ, đông lắm. Máy cắt, máy cày thay phiên nhau chạy ngày chạy đêm, rất nhộn nhịp”.
Anh Hiệp chia sẻ thêm: Tổ dịch vụ có đội kéo hàng, đội này gồm những anh em làm ruộng ít, không có nghề phụ khác tham gia đi kéo sạ hàng thuê. Đến khâu thu hoạch lúa, máy gặt của anh Hiệp hoạt động, lực lượng này lại thành đoàn bốc vác chuyển lúa lên xuống ghe.
Nhờ vậy, bà con từ làm đất đến thu hoạch không phải sợ thiếu nhân công, đảm bảo sản xuất. Con em trong địa phương có thể chuyển sang lao động công nghiệp để tăng thêm thu nhập.
Tiếp tục đầu tư
Thời gian qua, anh Hiệp đã đưa 2 máy gặt, 1 máy cày của gia đình vô Tổ hợp tác. Phần làm lúa giống, vợ chồng anh chị Hiệp- Hiền cũng đã đầu tư thêm máy sàng hạt và 2 lò sấy. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Hiệp đang theo dõi tính năng của máy cuốn rơm.
Theo tính toán của anh Hiệp: “Khi vô vụ thu hoạch lúa, chiếc máy cày còn nằm không trong nhà, nên tôi tính đầu tư máy cuốn rơm để cho máy cày đi theo cái máy gặt hoạt động hiệu quả hơn. Nó thu rơm cho bà con, cái được thứ nhất nếu rơm khô sẽ bán cho những mối lớn về chợ rơm, cho người nuôi bò; hoặc bán cho các nhà máy làm giấy, làm nệm.
Còn mùa mưa, máy cuốn rơm này cuốn về cho bà con làm nấm, vì nếu rơm bỏ lại đồng không đốt được mà vùi xuống mặt ruộng dễ bị ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau. Mùa khô không thu gom rơm được mà bà con đốt đồng, tôi lo ảnh hưởng tới môi trường bị ô nhiễm”.
Hiện anh Hiệp đang liên hệ với một số đơn vị chuyên sản xuất máy nông nghiệp như máy cuốn rơm, máy tách hạt bắp,… Còn chiếc máy cuốn rơm mà anh Hiệp đang nhắm tới là chiếc máy của Nhật sản xuất trị giá trên 200 triệu đồng, trong khả năng gia đình đầu tư được.
Hơn 3 năm qua, từ chỗ gia đình nhận làm lúa giống để phục vụ bà con sản xuất, nhưng khi thu hoạch cứ phải lệ thuộc máy thuê đến gặt lúc nào cũng gấp.
Trong khi đó, khâu thu hoạch lúa giống rất quan trọng nên anh Hiệp quyết định mua máy gặt đập liên hợp Nhật với vốn trên 500 triệu đồng. Năm sau, anh Hiệp mua thêm 1 máy nữa rồi đi gặt các đồng ở các huyện, tỉnh xa. Nay khi vô Tổ dịch vụ sản xuất lúa thuê trọn gói, các máy của gia đình anh Hiệp phần lớn phục vụ tại địa phương, khi nhàn rỗi mới đi nơi khác- rất thuận lợi và ổn định.
Theo nhiều bà con ở Ấp 9, vợ chồng anh chị Hiệp- Hiền là những nông dân chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn bỏ vốn lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là góp phần nâng cao hiệu quả cây lúa cho bà con địa phương. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, thật sự rất cần những nông dân “đầu tàu” như vợ chồng anh chị Hiền- Hiệp.
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin