Công trình đi qua- Tân Vĩnh thay áo mới

07:07, 16/07/2014

Tân Vĩnh là ấp cù lao thuộc xã Trường An (TP Vĩnh Long), vài năm trước, còn mang đậm nét miệt vườn. Thế nhưng, từ khi có công trình kè Cổ Chiên ngang qua, đường đan biến thành đường nhựa… thì Tân Vĩnh như thay áo mới, dáng dấp đô thị dần hiện lên.


Cồn Tân Vĩnh- nhìn từ kè Cổ Chiên qua Phường 9- TP Vĩnh Long.

Tân Vĩnh là ấp cù lao thuộc xã Trường An (TP Vĩnh Long), vài năm trước, còn mang đậm nét miệt vườn. Thế nhưng, từ khi có công trình kè Cổ Chiên ngang qua, đường đan biến thành đường nhựa… thì Tân Vĩnh như thay áo mới, dáng dấp đô thị dần hiện lên.

Không còn đường đan nhỏ hẹp, nhiều đoạn ngập sâu vào mùa mưa lũ, toàn bộ đê bao quanh ấp Tân Vĩnh hiện đã được thay thế bởi kè Cổ Chiên và con đường nhựa mới rộng hơn- đang trong giai đoạn hoàn thành.

Công trình đường nhựa ấp Tân Vĩnh được khởi công từ tháng 3/2014, dài 1,3km- nối 2 đầu kè Cổ Chiên qua ấp Tân Vĩnh, nền đường rộng 6,5m, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m. Kinh phí xây dựng hơn 3,3 tỷ đồng, là loại đường cấp VI đồng bằng.

Nhiều người dân cho biết: “Có mơ cũng không dám nghĩ có ngày đường đẹp và rộng như bây giờ”. Nhà ngay tuyến đường nhựa mới đang thi công, chú Nguyễn Hoàng Anh cho biết:

“Tui ở đây mấy chục năm rồi, từ hồi đường này còn đổ gạch vụn đi lại, rồi tới đường đan. Năm nào cũng ngập. Có năm, mùa nước nổi là chiều chiều lại nghe tiếng máy bơm nước rào rào từ những khu vườn bị ngập. Giờ thì ngon rồi, đường lộ lớn cao hơn đường đan cũ gần nửa thước.

Hết lo ngập lụt, đi lại cũng thuận tiện hơn, mua bán trái cây, chở vật dụng… mai mốt xe 4 bánh vô ầm ầm, hết lo cảnh xe 2 bánh đi ngược chiều nhau cũng có thể… té”.

Chú Nguyễn Văn Lực, nhà thuộc Tổ 5 (ấp Tân Vĩnh)- ngay tuyến kè Cổ Chiên nhớ lại: Lúc trước dọc sông này dứa gai um tùm, không có đường đi nên mạnh ai nấy đắp đường, rồi trồng rau mát, chuối, bần… giữ mé. Mùa mưa lũ là sợ lắm.
 
Năm nào cũng phải lặn xuống sông lấy đất đắp lên gia cố nhưng vẫn ngập thường xuyên. Có năm, gió mạnh quá, bao cát to đùng tấn mé bị sóng đánh bạt hết.

Chừng năm 2007 thì có đường đan. Nhưng đường hẹp, sụp lún hoài nên không đảm bảo an toàn. Đặc biệt trơn trợt và ngập nặng “đến đầu gối” vào mùa mưa. Tội nghiệp nhất là các cháu học sinh.

Chỉ tay ra phía kè, chú Lực vui vẻ: “Giờ có bờ kè chắc chắn, sạch đẹp như vầy tui mừng lắm. Nhà cửa ngày một đông hơn. Nhiều nhà ra mặt tiền, xây cất đẹp hơn không còn nhà lá lụp xụp như trước nữa.

Chiều chiều là dân ở xóm trong, xóm ngoài ra bờ kè dạo mát, đi bộ, rất nhộn nhịp. Không chỉ vậy, mới đây, đoạn đường đan trong ấp cũng được làm mới láng nhựa. Giờ đi ngõ nào, cũng không còn sợ nữa. Sắp tới, nghe đâu còn làm cầu dây văng. Đường qua ấp này chắc sẽ đẹp hơn.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, công trình cầu dây văng ở đầu vàm sông Cái Côn- nối kè Cổ Chiên từ ấp Tân Vĩnh qua Tân Quới Hưng (Trường An) rộng 6,8m (chiều rộng thông xe là 5,5m), chiều cao thông thuyền 2,5m. Tổng mức đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng. Dự định đấu thầu vào cuối tháng 7/2014.


Đường nhựa mới hoàn thành sẽ tạo thuận tiện trong đi lại, giao thương hàng hóa.

Nhà gần điểm dự định xây cầu, chị Lạc nói, hy vọng cầu và đường sớm hoàn thành để ấp này ngày càng phát triển. Trưởng ấp Tân Vĩnh- Lâm Văn Huỳnh cho biết: Hiện toàn ấp có 312 hộ, chủ yếu sống bằng nghề làm vườn, chăn nuôi...

Trước đường đan của ấp chỉ chừng 1,4m nên đi lại, chuyên chở hàng hóa đều gặp khó. Giờ được đầu tư đường nhựa, xe 4 bánh có thể chạy tới nhà nên thuận lợi hơn. Hầu hết người dân trong ấp đều phấn khởi, sẵn sàng hiến đất.

Ông Huỳnh cho biết thêm: ngoài đường nhựa đang trong giai đoạn hoàn thành, cầu dây văng và cống hở sắp được đầu tư. Đoạn đường đan còn lại cắt giữa cồn chừng 800m, sẽ được đầu tư trong năm tới. Theo ông, giao thông trong ấp hiện đã khá hoàn chỉnh.
 
Sắp tới, có thể còn được đầu tư cầu nối kè Cổ Chiên từ bờ Tân Vĩnh qua phía bờ xã Tân Ngãi, lúc đó 2 đầu của ấp đều nối với kè Cổ Chiên và thông thương ra lộ lớn (Quốc lộ 1), càng tiện lợi!

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, công trình đường nhựa và cầu dây văng qua ấp Tân Vĩnh góp phần phát triển mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất của người dân, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh, cầu dây văng giúp thông thương cồn Chim với các khu vực khác của thành phố, góp phần đẩy nhanh tiến độ đưa xã lên phường. 2 công trình này cũng nằm trong dự án khu du lịch sinh thái của tỉnh trong tương lai.

Nguyễn Thị Thu Kiều- Phó Chủ tịch UBND xã Trường An

Nhờ kè Cổ Chiên chạy qua, cùng với công trình đường nhựa mới giáp 2 đầu kè- bao quanh cồn mà Tân Vĩnh hôm nay đã hoàn toàn đổi khác. Các công trình đã tạo cơ sở hạ tầng thuận tiện cho người dân đi lại, tăng mỹ quan cho Tân Vĩnh nói riêng và TP Vĩnh Long nói chung. Bên cạnh, còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch trong tương lai.

Nguyễn Văn Lực (Tổ 5, ấp Tân Vĩnh)


Tân Vĩnh bây giờ có bờ kè đẹp, chắc chắn như vầy, lại có đường nhựa mới, mai mốt xe 4 bánh chạy phà phà. Nhà cửa mọc lên ngày càng nhiều và đông vui hơn. Tui ở đây mấy chục năm rồi, thấy ấp này được như vầy, vui như nằm mơ vậy.

Lâm Văn Huỳnh- Trưởng ấp Tân Vĩnh


Được đầu tư đường nhựa, người dân trong ấp đều mừng, chủ động hiến đất. Giờ giao thông trong ấp đã tương đối hoàn chỉnh rồi. Nhiều người dân đang có dự định mở ra mua bán, làm dịch vụ. Vài năm nữa, ấp này chắc sẽ đổi khác nhiều hơn nữa.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh