Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

06:06, 07/06/2014

Chiều 4/6/2014, những thành viên đoàn về nguồn báo công dâng Bác của Tỉnh ủy Vĩnh Long đã hòa cùng dòng người đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa- đảo Yến (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch- Quảng Bình). Mọi người kính cẩn dâng hoa, dâng hương trước mộ Đại tướng- người con ưu tú, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Tư lệnh tài

Chiều 4/6/2014, những thành viên đoàn về nguồn báo công dâng Bác của Tỉnh ủy Vĩnh Long đã hòa cùng dòng người đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa- đảo Yến (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch- Quảng Bình). Mọi người kính cẩn dâng hoa, dâng hương trước mộ Đại tướng- người con ưu tú, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Tư lệnh tài ba, kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Đoàn Vĩnh Long thành kính trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lặng lẽ bước, trật tự, kính cẩn nghiêng mình trước mộ Đại tướng kính mến. Có những anh hùng bất tử trong lòng nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một anh hùng như vậy. Từ khi Đại tướng an nghỉ ở đây, tính đến giữa tháng 5/2014, đã có gần 100.000 người đến viếng mộ. Tình cảm mà người dân dành cho Đại tướng thật ấm áp và xúc động.

Vượt qua chặng đường dài gần 1.500km, đi giữa cái nắng chang, đoàn về nguồn báo công dâng Bác của tỉnh Vĩnh Long đã có phút mặc niệm tưởng nhớ và kính cẩn dâng hoa, dâng hương mộ Đại tướng để bày tỏ lòng thành kính đối với vị Đại tướng tài ba của dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc, mà còn là một cán bộ lãnh đạo cao cấp mẫu mực cả về nhân cách và đạo đức, một vị tướng của nhân dân, trong lòng dân.

Ông Trần Văn Thành- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long xúc động: “Trong cuộc đời Đại tướng đóng góp cho cách mạng Việt Nam rất nhiều. Đến cuối đời, Đại tướng lại ghi chiến công hiển hách- đó là kết nối khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hàng triệu trái tim Việt, nhân dân thế giới đều kính cẩn nghiêng mình, đều thổn thức chung một niềm kính thương tiếc nhớ, cảm phục vị tướng tài ba, mến mộ cái tài thao lược, đạo đức của người”.

Rồi ông tâm sự: “Với lòng thành kính đó, được đến viếng Đại tướng là một niềm vinh dự, hạnh phúc cho bản thân. Chúng tôi hứa trước anh linh của người là sẽ cố gắng công tác thật tốt và làm những việc gì có lợi cho dân, cho nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và khắc ghi lời mà Đại tướng dạy chăm lo rèn đức, trí, dũng, tài, minh”.

Một góc biển Vũng Chùa- đảo Yến.

Ông Trần Văn Giữ- Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Bình Tân tâm sự “rất xúc động, rất vinh dự, tự hào vì được tận mắt thấy nơi an nghỉ để bày tỏ lòng thành kính đối với vị Đại tướng thiên tài, vị Tổng tư lệnh trong chiến dịch Điện Biên”. 

Khu vực biển Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: hòn La, hòn Gió, hòn Nồm. Vì vậy, đây là nơi neo đậu thuyền tránh bão. Xưa trên hòn Nồm có dấu tích nền móng của một ngôi chùa lớn nên người địa phương gọi đó là biển Vũng Chùa. Sau này, do mưa bão nên không còn dấu tích ngôi chùa nữa.
Không ít người đã yêu quý, ngưỡng mộ Đại tướng qua trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ. Những bài báo, những câu chuyện, những thước phim, những hình ảnh về Đại tướng với nụ cười phúc hậu, mái tóc bạc trắng đầy thân thương, gần gũi và hình ảnh ấy vẫn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người, dù chưa từng được gặp gỡ.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) chân tình: “Tôi thật vinh dự và xúc động được kính dâng hương trước mộ Đại tướng”. Còn Đại úy Nguyễn Thị Diễm- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long- quyết tâm: “Thế hệ trẻ chúng tôi luôn ghi nhớ những chiến công, những lời dạy của Đại tướng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.

Đường vào Vũng Chùa- đảo Yến- nơi an nghỉ của Đại tướng nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang gần 10km (ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình).

Con đường mới tráng nhựa phẳng lì uốn cong theo triền núi, men theo bờ biển dẫn tới chân núi Thọ. Đó là nơi mà Đại tướng chọn khi “trăm tuổi” để hòa vào lòng đất mẹ, bởi Đại tướng muốn về với miền Trung, quê hương Quảng Bình- miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng.

An giấc nghìn thu ở đây, để Đại tướng được ngày đêm nghe tiếng sóng biển, tiếng rặng phi lao, tiếng chim yến vui vầy làm tổ và để được thấy sự phát triển trên quê hương mình.

Đảo Yến cách đất liền tại thôn Thọ Sơn chừng 1km, trên đảo có rất nhiều chim yến, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ.

Quang cảnh Vũng Chùa- đảo Yến mênh mông, thoáng, đẹp. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát chạy dài, cây cối xanh tươi. Đảo có nhiều bãi đá đẹp. Từ đảo Yến trông ra xa có thể thấy được hòn La và hòn Gió; 3 hòn tạo thành một hình tam giác. Những lúc bình minh hay chiều tà, khung cảnh ở đây rất đẹp, chìm ảo như trong cổ tích.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh