Về Trường Dục Thanh, nhớ bài giảng của Bác

06:06, 14/06/2014

Tỉnh Bình Thuận là điểm cuối trên chuyến về nguồn mà đoàn báo công dâng Bác của Tỉnh ủy Vĩnh Long dừng chân. Đoàn cán bộ và những cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nguồn báo công dâng Bác đã đến Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh Bình Thuận, thăm lại Trường Dục Thanh. Nơi đây, 104 năm trước, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành dừng

Tỉnh Bình Thuận là điểm cuối trên chuyến về nguồn mà đoàn báo công dâng Bác của Tỉnh ủy Vĩnh Long dừng chân. Đoàn cán bộ và những cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nguồn báo công dâng Bác đã đến Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh Bình Thuận, thăm lại Trường Dục Thanh. Nơi đây, 104 năm trước,  Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học, mở đầu sự nghiệp trồng người trước khi ra đi tìm đường cứu nước.


Đoàn Vĩnh Long nghiêm trang làm lễ báo công dâng Bác.

Báo công dâng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Thuận

Tại đây, đoàn đã kính dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm trước tượng Bác. Ông Trần Văn Thành- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long báo công dâng Bác những kết quả mà tỉnh đạt được trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tư tưởng của Bác về mọi lĩnh vực, cố gắng làm theo Bác từ việc làm nhỏ nhất.

Đồng thời, các tấm gương tiêu biểu đã báo công việc vận dụng tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác vào chính chức trách, nhiệm vụ được giao, mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc.

Thiếu tá Võ Thanh Phương- Phó đội Điều tra Công an TP Vĩnh Long báo với Bác nhiệm vụ được phân công cùng đồng đội phòng chống tội phạm hình sự, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã giúp cháu cùng đồng nghiệp có dịp nhìn lại mình. Người công an dù giỏi nghiệp vụ đến đâu cũng không thể phát hiện kịp thời và nắm bắt hết mọi diễn biến của tội phạm xảy ra ở từng con đường, từng ngõ hẻm, từng khu phố mà ở đó chỉ có dân mới biết rõ và cháu cùng đồng đội đã học về phong cách quần chúng của Bác để nâng cao lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp chúng cháu hoàn thành nhiệm vụ”.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) đã học và cùng vận động các chị em trong xã học đức tính cần kiệm của Bác thông qua các hình thức “nuôi heo đất”, thành lập tổ nhóm tiết kiệm, tổ hợp tác sản xuất. Nhờ vậy, năm 2013, hội tích lũy trên 400 triệu đồng, giúp hàng trăm phụ nữ có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, học bổng cho trẻ em nghèo được đến trường...

Về trường Dục Thanh, nhớ bài giảng của Bác

Lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu về thời gian giảng dạy của thầy giáo Nguyễn Tất Thành tại Trường Dục Thanh.

Đến Trường Dục Thanh, các thành viên trong đoàn báo công đã xúc động khi nghe thuyết minh về khoảng thời gian hơn 1 năm mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ năm 20 tuổi) đã dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Tháng 9/1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân tại Trường Dục Thanh để dạy học. Dạy học ở đây, Người luôn trăn trở tìm tòi để làm sao tìm được phương pháp dạy học tốt nhất để học trò tiếp thu hiệu quả nhất.

Chính suy nghĩ đó, Người đã để lại phương pháp giáo dục tiến bộ và nhân văn khi quan niệm rằng điều tất yếu là khi mình giảng bài thì học trò có hiểu rõ bài hay không chứ đừng nên dùng điểm và hình phạt làm áp lực cho trò. Thế nên khi nào giảng bài xong là thầy giáo Thành cũng hỏi các trò đã rõ chưa, có chỗ nào chưa hiểu hay không? Đến khi nào các trò đều đồng thanh: “Rõ ạ!” thì Người mới tiếp tục giảng bài mới.

Rồi thầy Thành chọn phương pháp “Học đi đôi với hành”. Những ngày nghỉ, thầy Thành đưa học sinh đi tham quan những bãi biển đẹp Hương Chánh, Đồi Dương,...

Qua những chuyến tham quan, thầy Thành yêu cầu học sinh phải chuẩn bị trước những bài thơ ca yêu nước, những câu chuyện lịch sử để thầy trò ngồi quây quần lại trước cảnh đẹp của thiên nhiên mà bình giảng thơ ca. Thầy Thành nhấn mạnh: “Ngày xưa trung với vua, nhưng ngày nay các trò phải biết trung với dân, phải yêu thương con người. Và tất cả đều được thầy giảng dạy bằng những ví dụ trực quan đầy sinh động, kết quả giữa việc học mà chơi, chơi mà học đã tạo sự hứng khởi học tập cho học sinh.

Rồi những thắc mắc về hiện tượng thiên nhiên của các trò cũng được thầy Thành giải đáp tường tận. Những chuyến tham quan bao giờ thầy Thành cũng hướng học sinh đến nhân dân lao động, đến những làng chài Phan Thiết để học trò của mình được hòa mình vào thực tế, được chia sẻ những khó khăn của lao động nghèo để từ đó nhận thức trách nhiệm trong việc học tập, trách nhiệm với công dân của mình.

Giọng cô thuyết minh truyền cảm kể câu chuyện cảm động của thầy giáo Thành. Khi đưa học sinh đến làng chài nghèo thăm bến cá Cồn Chà, thầy Thành gặp cụ già ngoài 80 tuổi, lấy cán rựa giã trầu trên mỏm đá để ăn.

Qua thăm hỏi, thầy Thành xúc động khi biết bà nghèo đến nỗi không có tiền mua cối đá ngoáy trầu. Trên đường về trường, thầy Thành cứ ngậm ngùi nhìn ra khơi xa mà nói với học trò rằng: “Các trò thấy chưa, dân ta đang sống trên rừng vàng, biển bạc mà mãi tới đầu bạc răng long vẫn không đủ tiền mua cái ngoáy trầu.

Bởi khi nước bị mất thì người dân ở đâu cũng phải chịu khổ các trò à!” Và chính những bài học thực tế, những câu nói đầy cảm xúc của thầy Thành đã trở thành những bài học giáo dục công dân, về trách nhiệm của học sinh, thanh niên có hiệu quả cao hơn so với những bài học từ trong sách vở.

Không chỉ thế, từ những kinh nghiệm thực tế của bà con làng chài về những chuyến ra khơi là làm sao định hướng được khi đi biển, làm sao nhận biết những giông tố, cách chống chọi bão tố ngoài khơi xa? Những kinh nghiệm quý báu đó đã trở thành hành trang khi Người vượt đại dương đi tìm đường cứu nước.

Chính vì lòng yêu nước thương dân ấy, thầy giáo Thành đã quyết ra đi tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh không thể nào giữ được bước chân của người thầy giáo 20 tuổi đang khao khát câu trả lời cho chính vận mệnh của dân tộc mình. Khi điều kiện thuận lợi, ngày 5/6/1911, từ Sài Gòn bằng tên gọi mới Văn Ba- Người đã đi làm phụ bếp trên con tàu Pháp. Và, cuộc bôn ba hơn 30 năm mà Người đã chọn để cho dân tộc được trở về.

Tại Khu triển lãm, chúng tôi chú ý đến những hình ảnh Bác Hồ với ngư dân làng chài. Người quan niệm rằng: “Đồng bằng là nhà, biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa thì có được không? Cho nên, Người xác định rằng một nhiệm vụ quan trọng của người dân vùng biển chính là người canh cửa cho Tổ quốc”. Người cho rằng, Đảng và Nhà nước ta phải quan tâm, có những chính sách phù hợp để người dân vùng biển yên tâm, bởi họ chính là người “canh cửa” cho Tổ quốc.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh