Trước những diễn biến sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp, việc quản lý các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông đã được UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường.
Vĩnh Long kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định trong công tác quản lý sạt lở bờ sông. Trong ảnh: Điểm sạt lở bờ bao tại xã Long Mỹ (Mang Thít).
Trước những diễn biến sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp, việc quản lý các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông đã được UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường.
Hiểm họa sạt lở bờ sông
Vĩnh Long có hệ thống sông, rạch chằng chịt với các tuyến sông lớn như: sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và các sông nội đồng. Những điểm sạt lở mạnh, nghiêm trọng trên các tuyến sông lớn và các xã cù lao ven sông lớn- nhất là tại các đoạn sông cong có mật độ tàu, thuyền đi lại nhiều. Sạt lở thường xảy ra đầu mùa mưa lũ (tháng 6, 7) vào những thời điểm triều rút.
Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 điểm sạt lở, có 1.195m bờ sông, kinh, rạch bị mất đất, ảnh hưởng 35 hộ dân tập trung trên các tuyến sông.
Đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông là do hoạt động khai thác vật liệu xây dựng với khối lượng ngày càng lớn.
Cùng đó, giao thông thủy phát triển nhanh, nhất là các phương tiện có tốc độ lớn, gây nên sóng lớn. Chưa kể, các phương tiện cơ giới đổ đất, lấn sông, lấn chiếm bãi bồi ven sông để nuôi thủy sản. Ngoài ra, các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm mặt sông làm cản trở việc thoát lũ cũng dẫn đến hiện tượng xói lở cục bộ phía sau công trình.
Vĩnh Long hiện có các công trình chống sạt lở bờ đã xây dựng như công trình thô sơ quy mô nhỏ được xây dựng tại các vị trí sông, kinh, rạch bị xói lở bờ, có độ sâu không lớn. Kinh phí xây dựng công trình này thấp, chủ yếu do các hộ dân sống ven sông tự đầu tư.
Bên cạnh còn có thể kể đến các công trình bán kiên cố quy mô vừa được xây dựng để bảo vệ xói lở bờ sông dưới tác động của dòng chảy và sóng tại các vị trí sông có độ sâu vừa phải, vận tốc dòng chảy không quá lớn.
Riêng các công trình kiên cố quy mô lớn được xây dựng để bảo vệ nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Công trình thường có kinh phí xây dựng rất lớn, trung bình chi phí xây lắp cho một mét dài kè từ 70- 80 triệu đồng, vì thế được đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước.
Toàn tỉnh hiện có 2 dự án do Trung ương hỗ trợ vốn là dự án kè sông Cổ Chiên (TP Vĩnh Long) dài 9.075m, tổng mức đầu tư 1.417 tỷ đồng và dự án kè bảo vệ bờ sông Ông Me (Long Hồ) dài 130,7m, tổng mức đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở, cấp độ xung yếu tại các khu vực sạt lở bờ sông trên địa bàn.
Bên cạnh, chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp của địa phương thực hiện các công trình thì giải pháp phi công trình như di dời dân cư, nhà cửa, công trình… để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân được chú trọng.
Để hạn chế sạt lở, công tác quản lý lòng sông, bến bãi, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép, chất thải bãi sông, san lấp lòng sông,… cũng được tăng cường.
Tăng cường biện pháp quản lý
Nhằm tăng cường quản lý sạt lở bờ sông, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Anh Vũ ký văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngành chuyên môn và các địa phương rà soát lại hiện trạng bè nuôi cá neo đậu gần bờ, đảm bảo vùng neo đậu bè cá an toàn theo đúng quy hoạch.
Hiện nay vẫn còn nhiều diện tích nuôi thủy sản ở các khu vực bãi bồi và neo đậu bè cá không đúng quy hoạch, làm co hẹp và chuyển dịch dòng chảy gây xói lở bờ sông. Qua đó, khuyến cáo khu vực cho phép đào ao nuôi cá, vùng bãi bồi được phép nuôi thủy sản.
Đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi neo đậu bè, đăng quầng và đào ao nuôi cá bãi bồi không đúng quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện xáng cạp đào đất của hộ gia đình và kể cả các công trình thủy lợi, giao thông nạo vét kinh, mương không đảm bảo an toàn thì đình chỉ hoạt động.
Đối với các tuyến sông lớn cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhằm kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ sạt lở để gia cố, xây dựng công trình phòng chống sạt lở, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè, giao thông, thủy lợi đã có quyết định đầu tư.
Các điểm sạt lở gần khu vực khai thác cát như khu vực đầu cồn An Long (xã An Bình- Long Hồ) và khu vực thuộc ấp An Hương 1 (xã Mỹ An- Mang Thít) trên sông Cổ Chiên cần được tiếp tục theo dõi cũng như nắm bắt thông tin những điểm sạt lở mới.
Các địa phương thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo và có biện pháp phù hợp, thiết thực đối với khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao, chủ động gia cố những đoạn bờ xung yếu trước mùa mưa bão.
Điểm sạt lở gần khu vực khai thác cát tại khu vực cồn An Long (xã An Bình- Long Hồ). Ảnh: Tư liệu
Xây dựng phương án phòng chống sạt lở cần chú trọng các giải pháp phi công trình. Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc xây dựng công trình, nhà ở, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép, sai quy định làm ảnh hưởng bờ sông hoặc gây sạt lở bờ sông.
Đồng thời, rà soát, thống kê các đối tượng, hộ dân sống ven bờ sông có nguy cơ sạt lở hoặc đã từng sạt lở để vận động di dời, bố trí dân vào các khu tái định cư hoặc nơi ở mới. Đối với những hộ dân có nhà ở những vùng có nguy cơ cao, khi thực hiện vận động di dời phải có biên bản làm việc cụ thể, trong trường hợp thật sự cần thiết bắt buộc di dời thì tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Vĩnh Long đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án kè bảo vệ bờ sông trên địa bàn tỉnh như: kè Cái Vồn, kè Chợ Bà (TX Bình Minh), kè thị trấn Tam Bình (bờ hữu sông Măng Thít, huyện Tam Bình), kè thị trấn Trà Ôn (sông Trà Ôn, huyện Trà Ôn), kè thị trấn Long Hồ (sông Long Hồ, huyện Long Hồ), kè thị trấn Tân Quới (huyện Bình Tân). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định trong công tác quản lý sạt lở bờ sông. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin