Từ 1/7/2014, chiến dịch kiểm tra, xử lý người đi xe máy đội nón bảo hiểm (NBH) không đảm bảo chất lượng được thực hiện trên toàn quốc. Lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội NHB không đủ 3 bộ phận, gồm: vỏ nón, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ.
Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với cơ sở sản xuất NBH thực hiện chương trình đổi NBH cho người tiêu dùng, nhưng số người đến đổi không nhiều.
Từ 1/7/2014, chiến dịch kiểm tra, xử lý người đi xe máy đội nón bảo hiểm (NBH) không đảm bảo chất lượng được thực hiện trên toàn quốc. Lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội NHB không đủ 3 bộ phận, gồm: vỏ nón, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ.
Mức xử phạt như hành vi không đội NBH theo Nghị định 171, từ 100.000- 200.000đ. Những người đội NBH tem bị mờ hoặc không có tem hoặc mất tem không bị xử lý. Bên cạnh đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh NBH không đúng quy định sẽ được tập trung ngăn chặn.
Đa dạng NBH
Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh NBH không đạt chất lượng, chưa có quy định rõ ràng các tiêu chí phân biệt NBH giả và NBH đạt chuẩn...
Điển hình như tem dấu hợp quy CR là dấu hiệu bắt buộc và gần như là tiêu chí chính thức để phân biệt giữa chiếc NBH thật và chiếc NBH giả, đến nay vẫn chưa được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ. Dạo quanh các cơ sở kinh doanh NBH trong TP Vĩnh Long, nhất là khu vực chợ đêm chúng ta dễ dàng bắt gặp vô vàn kiểu tem dấu CR.
Có loại tem dấu CR in trên nền đen, chữ trắng; có loại nền trắng, chữ đen; có loại nền trắng, chữ xanh, nền xanh chữ đen… cũng có khi tem có 7 màu biến đổi hoặc chỉ in một màu đỏ chót… không theo một quy cách thống nhất nào!
Đáng quan tâm là khi tìm hiểu mới biết, theo quy định hiện nay thì chỉ cần có giấy chứng nhận hợp quy và mẫu tem CR do cơ quan kiểm định cấp, cơ sở sản xuất NBH sẽ tự in tem và toàn quyền quyết định số lượng in. Mẫu tem CR khá đơn giản, chỉ cần có tên tổ chức chứng nhận, số giấy chứng nhận, biểu tượng CR… ngoài ra không có điểm đặc trưng nào để phân biệt tem thật giả.
Bên cạnh đó kỹ thuật in cũng khá đơn giản nên khó tránh tình trạng “làm nhái”, “in lậu” và hệ quả cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng có quá nhiều kiểu tem hợp quy trên thị trường như hiện nay làm cho người tiêu dùng hết sức khó khăn vì không biết tem nào là thật, tem nào là giả.
Một số người bán NBH dạo trên các đường phố thường bày bán một số loại NBH có giá vài chục ngàn đồng nhưng lại có đầy đủ các thông số quy định cho một chiếc NBH như cũng có đủ 3 lớp: vỏ nón- đệm hấp thụ xung động bên trong- quai đeo; cũng có tem hợp quy CR và dòng chữ ghi nhãn “NBH cho người đi môtô, xe máy”.
Nên nhớ “Tiền nào của nấy” và bằng trực quan chúng ta dễ dàng nhận thấy các loại MBH này đa số đều là hàng giả, hàng kém chất lượng. Vậy thì tiêu chí nào, cơ sở nào để người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng chiếc NBH đạt chất lượng cho mình đây? Đó cũng là câu hỏi mà mọi người đặt ra cho các ngành chức năng trong khâu quản lý sản xuất NBH hiện nay.
Chúng tôi đến một cửa hàng trên đường 1 Tháng 5 (chợ Vĩnh Long) hỏi mua một NBH:
- Chị bán cho một NBH loại thường đội tạm, lỡ bị mất rồi, chạy về nhà lấy nón khác.
Chị bán hàng không ngần ngại chỉ 3 loại nón nói:
- Cái này bèo nhất ba chục nhưng hổng có tem nghe! Còn 2 cái kia có giá bảy chục, chín chục, có tem!
Thật vậy, khi xem nón loại giá 70.000đ có dán tem CR hẳn hoi, với loại tem nền trắng dấu CR và số, tên tổ chức chứng nhận hợp quy màu xanh. Vài mẫu nón khác đồng giá cũng có tem CR nhưng khác màu.
Dạo quanh chợ đêm (Phường 1), người bán NBH cũng giới thiệu chào bán đủ loại, đủ giá và hầu hết đều có tem.
Cơ sở nào để xác định chất lượng
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Vĩnh Long cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng về tăng cường và quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng NBH, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn diễn biến phức tạp như sản xuất, kinh doanh NBH kém chất lượng, tương tự NBH; nhất là những người bán dạo, bán ở chợ đêm, ở các khu công nghiệp, trường học… khó kiểm soát.
QLTT không có cơ sở nào để xác định NBH kém chất lượng, chỉ kiểm tra lô hàng theo hóa đơn, chứng từ và các điều kiện khác theo quy định. Những cửa hàng có bán nón cách điệu, nón kết, nón lưỡi trai… thì họ nói là bán nón đội chơi, không phải NBH.
Vì vậy, thời gian qua, Chi cục QLTT đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền và hướng dẫn cho người kinh doanh NBH các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh NBH đồng thời cho cam kết không mua bán NBH không có dấu hợp quy CR, không nhãn hàng hóa; NBH giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Nhiều người đi xe máy sử dụng nón cách điệu, không an toàn.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, từ 1/7 người đi môtô, gắn máy và xe máy điện đội NBH không đạt chuẩn khi tham gia giao thông sẽ bị phạt như hành vi không đội NBH với mức phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đồng thời NBH không đạt chuẩn đó sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.
Cảnh sát giao thông sẽ là lực lượng được giao nhiệm vụ phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở nào để một cán bộ cảnh sát giao thông xác định chiếc NBH người tham gia giao thông đang đội đó có phải là nón đạt chuẩn hay không?
Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào 3 lớp: Vỏ- đệm- quai nón và tem hợp quy CR thì không thể phân biệt được đâu là NBH thật, đâu là NBH kém chất lượng.
Xem lại nội dung của Nghị định 171, quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt hiện nay cũng không thấy có điều khoản nào quy định chế tài cho trường hợp đội NBH không đạt chuẩn.
Có chăng thì nghị định chỉ quy định xử phạt đối với những trường hợp đi môtô, xe gắn máy không đội NBH hoặc có đội mà không cài quay theo đúng quy định. Như vậy, nếu phát hiện người tham gia giao thông sử dụng NBH không đảm bảo chất lượng thì cán bộ cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào đâu, quy định nào để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính?
Việc đội NBH khi tham gia giao thông là việc làm thiết thực nhằm bảo vệ an toàn cho chính bản thân người tham gia giao thông, giảm đi những tổn thương vùng đầu khi tai nạn xảy ra và hiện nay đa số người dân đều có ý thức rất cao trong việc đội NBH.
Tuy nhiên, cũng có không ít người sử dụng NBH giá rẻ, nón cách điệu… chỉ để đối phó! Thiết nghĩ việc xử phạt những trường hợp vi phạm trong đội NBH là cần thiết nhằm răn đe, cũng như nhắc nhở mọi người cần phải có ý thức tự bảo vệ cho chính mình, việc xử lý người tham gia giao thông đội NBH không đảm bảo chất lượng cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Tuy nhiên, để chế tài này thực hiện có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, nên chăng thời điểm này các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm định đối với các cơ sở sản xuất NBH, ngăn chặn tuyệt đối các trường hợp “làm giả, làm nhái” hoặc kinh doanh NBH kém chất lượng và có quy định chặt chẽ về quy chuẩn của một chiếc NBH đạt chuẩn để người dân cũng như cán bộ thực thi công vụ có cơ sở phân biệt được đâu là NBH thật, đâu là NBH giả, rồi sau đó mới tính đến chuyện xử phạt có lẽ sẽ phù hợp hơn!
Theo điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “NBH cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “NBH cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000- 200.000đ. |
Bài, ảnh: NGUYỄN TẤN HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin