Lý Sơn- cái nôi của “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”

07:06, 08/06/2014

Ánh nắng ban mai đổ xuống mặt biển những tấm bạc lấp lánh. Bên mũi tàu, từng đợt sóng bị đập bể, tung bọt trắng xóa. Thỉnh thoảng một con cá chuồn phóng lên khỏi mặt nước, xòe hai chiếc vi trắng bay là đà trên mặt sóng. Thoạt nhìn như những con chim biển nhỏ xíu với đôi cánh cụt ngủn, bay thẳng như một mũi tên dễ đến hơn 30m mới chịu chúi xuống làn nước xanh biêng biếc của

Ánh nắng ban mai đổ xuống mặt biển những tấm bạc lấp lánh. Bên mũi tàu, từng đợt sóng bị đập bể, tung bọt trắng xóa. Thỉnh thoảng một con cá chuồn phóng lên khỏi mặt nước, xòe hai chiếc vi trắng bay là đà trên mặt sóng. Thoạt nhìn như những con chim biển nhỏ xíu với đôi cánh cụt ngủn, bay thẳng như một mũi tên dễ đến hơn 30m mới chịu chúi xuống làn nước xanh biêng biếc của biển sớm. Bầu trời hôm nay nhiều mây mù. Đảo Lý Sơn ẩn hiện phía xa xa.


Mô hình ghe câu, phương tiện đi biển đánh bắt hải sản dài ngày của ngư dân Lý Sơn, được dùng làm phương tiện đưa Đội Hoàng Sa đi tuần thú và tìm kiếm hải vật ở quần đảo Hoàng Sa vào thế kỷ thứ XVIII, XIX.

Tàu cặp bến. Cảng Lý Sơn nhộn nhịp hẳn vì vừa tiếp nhận tàu khách cặp bến, vừa chuẩn bị cho tàu khách sắp sửa rời bến vào đất liền, vừa là nơi đón tiếp tàu, ghe, thuyền thúng sau một đêm thức cùng biển đánh bắt hải sản đưa lên bờ tiêu thụ.

Rời cảng, đoàn chúng tôi được xe của Huyện ủy Lý Sơn đón về cơ quan huyện ủy. Tại đây chúng tôi được giới thiệu một số nét chính của huyện. Huyện đảo có 2 đảo tách biệt là đảo Lý Sơn và đảo Bé với diện tích khoảng 10km2, dân số lên đến hơn 20.000 người.

Lý Sơn còn có tên cù lao Ré. Theo lý giải của người dân, cù lao này xưa kia mọc rất nhiều cây ré. Đảo được hình thành do dung nham núi lửa phun tràn từ mấy triệu năm trước. Đảo có 4 đỉnh núi: Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Dung. Trên đỉnh núi còn dấu tích của các miệng núi lửa, lớn nhất là miệng núi lửa ở đỉnh núi Thới Lới, nay được cải tạo để thành hồ chứa nước mưa, cung cấp nước ngọt cho toàn đảo.

Dân cư có mặt ở đây lâu đời, những di tích còn lưu dấu nền văn hóa Sa Huỳnh. Người Việt từ vùng Sa Kỳ đến đảo định cư từ đầu thế kỷ XVII. Thoạt đầu họ chỉ là một phường nằm trong làng gốc ở đất liền là phường An Vĩnh và phường An Hải thuộc 2 làng An Vĩnh (huyện Sơn Tịnh) và làng An Hải (huyện Bình Sơn).

Nhưng đây là những ngư dân giỏi nghề đi biển. Mãi đến năm Gia Long thứ 3 (1804), 2 làng An Vĩnh và An Hải mới tách ra thành lập làng riêng. Từ vị trí địa lý thuận lợi, ngư dân cù lao Ré giỏi đi biển và thường đi tìm những hải sản sản quý như hải sâm, ốc tai tượng ở các vùng biển đảo lân cận.

Hiển nhiên những nơi như Hoàng Sa, Trường Sa có nhiều hải sản quý đã thu hút nhiều ngư dân tìm đến. Đó cũng là lý do đầu tiên khiến cù lao Ré, cửa biển Sa Kỳ là cái nôi ra đời của Đội Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Tại Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, chúng tôi được đọc các đoạn văn trích trong sách sử xưa, được tận mắt nhìn thấy những hiện vật (nguyên bản hoặc phục chế), giới thiệu về hoạt động của Đội Hoàng Sa.

Chúa Nguyễn tách khỏi nhà nước phong kiến vua Lê- chúa Trịnh ở miền Bắc, lập nên nhà nước phong kiến mới “Xứ Đàng Trong” ở phương Nam. Các chúa Nguyễn mở rộng giao thương ra biển, quản lý các vùng biển.

Từ đó hình thành đội Hoàng Sa hàng năm đi thuyền ra vùng biển Hoàng Sa (bãi cát vàng) để thu lượm sản vật do tàu đắm, nhất là súng ống, đồ đồng, đồ thiếc để về dâng lên triều đình. Đội Hoàng Sa hoạt động từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần.

Trải hơn 150 năm, đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, đội Hoàng Sa được đặt dưới sự cai quản của chính quyền Tây Sơn. Phủ Biên Tạp lục do Lê Quí Đôn viết năm 1776 ghi: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày, 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn.

Lấy được hóa vật của tàu (tàu đi biển vướng các bãi đá bị chìm- ĐV) như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều.

Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương. Ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1803, triều đình cho tái lập đội Hoàng Sa như Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII ghi rõ: “Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

Những bộ sách chính sử triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, “Đại Nam nhất thống chí” hay những “châu bản” của triều đình, những sách của các tác giả nổi tiếng, những tài liệu còn lưu giữ trong các dòng họ, gia phả đã ghi lại quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa.

Từ năm 1815, vua Gia Long giao thêm trách nhiệm cho Đội Hoàng Sa là đo đạc thủy trình tại Hoàng Sa.

Từ năm 1816, triều đình cử thủy quân đảm nhiệm việc xem xét, đo đạc thủy trình, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa như trước nữa. Song, Đội Hoàng Sa vẫn đảm đương nhiệm vụ dẫn đường và nhiều người gốc An Hải, An Vĩnh như Phạm Hữu Nhật được triều đình giao trọng trách chỉ huy thủy quân. Như vậy việc quản lý khai thác Hoàng Sa được nâng lên một bước.

Năm 1834, triều đình sai đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ.

Năm 1835, triều đình sai Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, dựng bia đá đảo Hoàng Sa.

Năm 1836, Bộ Công tâu lên triều đình: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa là rất hiểm yếu, đã phải vẽ bản đồ mà hình thế nó xa, rộng, mới chỉ được một nơi… Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh hải quân và vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng 2 thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển 4 bên nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh, hạt nào, địa phương nào, đối chênh chếch là tỉnh, hạt nào, địa phương nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói cho rõ, đem về dâng trình”.

Chuẩn theo lời tấu, vua Minh Mạng sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền cùng 10 bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt khắc chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự”.

Đến thời vua Tự Đức, những người tham gia đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được tặng danh hiệu “hùng binh”.

Qua các tư liệu còn lưu giữ, hiện nay xác định rõ tên tuổi, bản quán một số người từng đảm nhiệm vị trí chỉ huy đội Hoàng Sa như: Cai đội Võ Văn Khiết, Cai cơ thủ ngự Phú Nhuận Hầu Võ Văn Phú, Cai đội Phạm Quang Ảnh, Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật, Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, Cai đội Nguyễn Văn Giai, Cai đội Nguyễn Thụ, Chánh đội trưởng thủy quân Nguyễn Văn Nhiễu, Phó vệ úy thủy quân Nguyễn Văn Lân…

Hiện nay tại Lý Sơn, nhà thờ dòng họ các vị tiền hiền ở đảo còn lưu giữ rất nhiều tài liệu, danh tánh những chiến binh Hoàng Sa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa theo mệnh lệnh triều đình.

Các nhà sử học Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu và tập hợp thành hệ thống các sử liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc này khẳng định một sự thật khách quan: Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực chiếm hữu thật sự đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là vùng đất hoang vu chưa có chủ và đã thực thi chủ quyền của mình một cách hòa bình dưới danh nghĩa Nhà nước liên tục trong nhiều thế kỷ. Đây là minh chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thời gian gần đây, Trung Quốc thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Họ đưa nhiều tàu quân sự, hải cảnh, ngư chính và tàu cá vỏ sắt có hành động đâm chìm, phun vòi rồng làm hư hại, ngăn cản, khiêu khích các tàu Việt Nam thực thi chủ quyền trên biển; gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Ngư dân Lý Sơn phát huy truyền thống, thực thi chủ quyền, kiên cường bám biển đánh bắt hải sản và ngư trường Hoàng Sa vẫn là ngư trường chính của đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện đảo.

Xem những hiện vật trưng bày của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở đảo Lý Sơn, chúng tôi vô cùng thán phục tinh thần yêu nước của cha ông. Từ mấy trăm năm trước dù có nhiều khó khăn nguy hiểm vẫn đạp sóng gió đến các hải đảo xa xôi, thực thi chủ quyền đất nước và càng thán phục hơn người dân Lý Sơn hôm nay vẫn vượt qua bao khó khăn, thách thức, ngày đêm bám biển, tiếp tục chứng tỏ chủ quyền đất nước trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.

Bút ký: THỤY KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh