Luật cần có chế định quy hoạch lại hệ thống các trường nghề

01:06, 18/06/2014

Lần đầu tiên Luật Dạy nghề được Quốc hội đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhiều ĐB đóng góp là luật cần có chế định trong việc quy hoạch lại các hệ thống các trường nghề, chất lượng đào tạo nghề, việc làm sau khi được đào tạo…


Nhiều đại biểu đề nghị luật cần quy định các cơ sở đào tạo được liên kết đào tạo nghề tại doanh nghiệp.

Lần đầu tiên Luật Dạy nghề được Quốc hội đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhiều ĐB đóng góp là luật cần có chế định trong việc quy hoạch lại các hệ thống các trường nghề, chất lượng đào tạo nghề, việc làm sau khi được đào tạo…

Rất cần thiết quy hoạch lại trường nghề

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có hàng chục ngàn người có trình độ từ cao đẳng trở lên sau khi được đào tạo không tìm được việc làm, phải đi học nghề để làm lao động phổ thông được nhiều ĐB làm đề dẫn để nói lên sự bất cập trong đào tạo nghề hiện nay.

Theo ĐB Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long), việc đào tạo nghề thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu, theo báo cáo của Chính phủ, có một con số đáng báo động là hiện có trên 72.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên sau khi được đào tạo không tìm được việc làm, phải đi học nghề để làm lao động phổ thông.

Trung ương cũng có Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhưng triển khai tương đối chậm, tôi đề nghị cần đẩy nhanh tiến trình triển khai nghị quyết này, trong đó cần quy hoạch lại hệ thống các trường nghề, xây dựng quy hoạch về nguồn nhân lực quốc gia để qua đó chúng ta đào tạo đúng địa chỉ, đúng yêu cầu và giảm bớt lãng phí cho xã hội.

ĐB Phạm Thị Thu Hồng (đơn vị tỉnh Bình Định) cho biết, mối quan tâm lớn nhất của tôi hiện nay là việc triển khai những quy định được bổ sung tại Khoản 5, Điều 65 là các cơ sở dạy nghề phải dạy những nghề gì để người lao động có thể tìm được việc làm hoặc được làm nghề mình đã được đào tạo.

Đây cũng là mối lo ngại của nhiều ĐB khi thảo luận ở tổ về chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cần phải có những quy định chặt chẽ, cũng như hậu kiểm về chất lượng dạy nghề đối với các đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi học nghề.

ĐB Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) dẫn chứng, hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta không ổn, bởi vì cùng tồn tại song song hệ giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nghề và cùng làm chức năng như nhau rất tốn kém cho xã hội. Vấn đề này được đề xuất đã lâu nhưng đến giờ Chính phủ vẫn chưa cho ý kiến, thống nhất một đầu mối quản lý.

Cũng theo ĐB Lưu Thành Công, trong lần sửa đổi này luật cần có chế định quy hoạch hệ thống các trường nghề. Hiện nay, khi chúng tôi đi giám sát thì thấy tỉnh nào cũng có từ 10- 15 cơ sở dạy nghề, ở Hà Nội có 430 cơ sở và TP Hồ Chí Minh có 370 cơ sở dạy nghề.

Ở cấp huyện hiện nay vừa tồn tại song song trung tâm dạy nghề trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) và trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở GD-ĐT. 2 trung tâm này có chức năng như nhau nên xảy ra trường hợp tranh nhau giành học viên. Vì thế có đơn vị xuống xã vận động mở một lớp uốn tóc, sửa xe mỗi lớp 30 người, tôi không biết khi học xong 30 người làm việc ở đâu?

Tôi đề nghị, ngoài quy hoạch hệ thống các trường nghề để xem từng địa phương cần bao nhiêu cơ sở dạy nghề, trường nghề, song song đó cần kết hợp với điều tra xã hội học để xác định nhu cầu thực tế của từng địa phương để đào tạo nhằm bảo đảm sau khi ra trường các em có việc làm chứ không như tình trạng hiện nay là học xong không biết làm ở đâu.

Dạy nghề phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp

Từ thực tế nguồn nhân lực đang bị mất cân đối trầm trọng, thừa thầy thiếu thợ, tâm lý chỉ thích học đại học, nhiều ĐB đều thống nhất phải sửa luật để tạo chuyển biến về lĩnh vực dạy nghề.

Theo ĐB Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long), hiện nay có một thực tế là việc đào tạo của chúng ta chưa đạt yêu cầu vì lao động có trình độ cao thì thừa nhưng lao động có tay nghề cao lại thiếu.

Luật cần có cơ chế khuyến khích học sinh đến học tại các trường nghề, mà không đổ xô vào các trường cao đẳng, đại học, rồi liên quan đến phân luồng học sinh sau THCS, THPT… có như thế mới khắc phục được trình trạng thiếu lao động có tay nghề cao trong thời gian qua.

ĐB Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện nay có một mô hình rất hiệu quả nhưng không thấy luật đề cập đến đó là giao cho các trường nghề liên kết với doanh nghiệp đào tạo nghề tại doanh nghiệp.

Ở đó người ta có cơ sở, máy móc, người hướng dẫn cụ thể cùng với trường rất tiện lợi. Khi ra trường, doanh nghiệp thu nhận người học vào làm việc ngay tại cơ sở, tôi đề nghị luật nên có chế định về lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, ĐB Đặng Thị Kim Liên (đơn vị tỉnh Yên Bái) cho rằng, người học chỉ có xu hướng, tâm lý học đại học, chưa coi trọng học nghề, chưa coi nghề là nghiệp khiến mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực.

Trong khi đó, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp đang rất lớn. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề hiện nay còn nhiều yếu kém, chủ yếu dạy chay, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp.

Do đó, cần mở rộng chính sách học nghề đối với nghề đặc thù, mũi nhọn. Có sự phối hợp giữa Bộ GD- ĐT, Bộ LĐ-TB và XH trong phân luồng học sinh, tránh tình trạng cứ đổ xô vào đại học rồi lại chịu cảnh thất nghiệp, trong khi nền kinh tế luôn thiếu thợ giỏi. Theo ĐB này, cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp vào công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người học nghề.

Trong dự án Luật Dạy nghề lần này đã đề cập đến một số chính sách cho người học, như chính sách miễn giảm học phí, cơ chế dạy nghề mở… Tuy nhiên, những chính sách này theo nhiều ĐB là chưa đủ mạnh.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (đơn vị tỉnh Đắk Nông) đề nghị luật cần có thêm điều khoản luật để khuyến khích việc đào tạo theo địa chỉ, dạy nghề theo đơn đặt hàng. Nghĩa là có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, để hạn chế thấp nhất tình trạng lao động có tay nghề nhưng chưa có việc làm, thất nghiệp, không khéo điều này lại dẫn tới một gánh nặng khác cho xã hội.

Bài, ảnh: THANH QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh