
Lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận xin ý kiến đóng góp cho 2 dự án luật là là Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch. Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp quan trọng về 2 dự luật trên.
Lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận xin ý kiến đóng góp cho 2 dự án luật là là Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch. Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp quan trọng về 2 dự luật trên.
* Đại biểu Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long)
Về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, tôi đề nghị thêm cụm từ “hoạt động quản lý” trước từ “bảo đảm” trong ý cuối cùng của điều này, bởi lẽ hoạt động quản lý căn cước công dân là linh hồn, là vấn đề trọng tâm nhất của luật này.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân, việc cấp, quản lý sử dụng thẻ căn cước công dân, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đều chỉ là các yếu tố có liên quan hoặc là một khâu của hoạt động quản lý căn cước công dân.
Trên phạm vi rộng, hoạt động quản lý với bất kỳ một lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng là nhiệm vụ chính yếu của cơ quan quản lý nhà nước. Cũng chính vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật phải ra đời nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất này của công tác quản lý căn cước công dân lại không được nêu trong phạm vi điều chỉnh của luật.
Tôi đề nghị bổ sung khái niệm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào Điều 3, đồng thời nghiên cứu, bổ sung toàn diện các nội dung của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào Khoản 1, Điều 10 hiện nay đã có 17 nội dung.
Bởi lẽ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, là công cụ giúp nhà nước quản lý dân cư, quản lý xã hội phải do Chính phủ thống nhất quản lý, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ mà Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một cấu phần của cơ sở dữ liệu này.
Điều này sẽ hạn chế được việc mỗi một bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà xây dựng độc lập một cơ sở dữ liệu riêng về lĩnh vực quản lý; hoặc sẽ dẫn đến một thông tin nằm ở nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, gây chồng chéo, lãng phí tính liên thông giữa các bộ cơ sở dữ liệu thấp, không có được một bộ dữ liệu tổng thể.
Về tính thống nhất của 2 dự thảo Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định phù hợp để 2 luật này không chồng lấn, trùng lặp với nhau.
Tôi xin nêu một vấn đề, theo dự thảo của 2 luật thì khi một đứa trẻ sinh ra sẽ được cấp 2 loại giấy tờ, giấy khai sinh theo Luật Hộ tịch, thẻ căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân nêu tại Khoản 2, Điều 19 của luật này. Một đứa trẻ mới sinh ra đời thông tin trên căn cước công dân không nhiều hơn thông tin trên giấy khai sinh.
Rất thú vị ở chỗ gọi là căn cước công dân nhưng các công dân nhí này chắc sẽ không được cầm vì phải do cha mẹ cầm hộ, nếu có cầm chắc cũng không tự đi thực hiện được các giao dịch ngoài xã hội và cũng không có cha mẹ nào dám để con trong độ tuổi thiếu nhi tự thực hiện hầu hết các hoạt động của mình và xã hội cũng khó chấp nhận chuyện này.
Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thấy giấy khai sinh còn cần thiết thì khi một đứa trẻ sinh ra cần cấp mã số công dân để cấp giấy khai sinh, khi đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi cấp căn cước công dân như quy định hiện hành nhưng trên đó có ghi tên cha, mẹ hoặc người giám hộ, đủ 18 tuổi trở lên thì cấp căn cước công dân theo thông lệ quốc tế.
Về tính khả thi của dự thảo luật, tôi thấy luật này triển khai không chỉ là in thẻ căn cước công dân theo mẫu mới mà quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước công dân.
Đây là những công việc không thể làm trong một thời gian ngắn. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét quy định luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và đồng thời bổ sung một khoản quy định về mốc thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu căn cước công dân, có thể là sau 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân thống nhất trong thời gian đó, đồng thời với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang, thiết bị, đội ngũ để cấp thẻ căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc.
* Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đơn vị tỉnhVĩnh Long)
Trước hết, qua thảo luận kết hợp 2 đạo luật là Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch, tôi thấy có một thực tế là thời gian gần đây rất nhiều đạo luật có những quan hệ, chế định lẫn vào nhau (giữa Luật Đầu tư công với Luật Doanh nghiệp; giữa Luật Giáo dục với Luật Dạy nghề; giữa Luật Nhà ở với Luật Dân sự...).
Cách đây mấy hôm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi có đặt ra một câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp là phải chăng chúng ta có một chuyển hướng trong quá trình làm luật.
Tôi cũng muốn hỏi chuyển hướng đó là hợp lý hay không, hay là một xu hướng cần phải uốn nắn. Tuy nhiên, Bộ trưởng nói rằng dựa vào Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, có thể tôi chưa hiểu hết triết lý trong Nghị quyết 48 nhưng chúng tôi nghĩ làm luật phải có một triết lý làm luật của một quốc gia.
Hôm nay, bàn đến 2 đạo luật này tôi cũng thấy gặp lại những vấn đề mà các đạo luật gần đây Quốc hội đã thảo luận và nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề lẫn lộn giữa các ngành luật.
Liên quan đến hộ tịch, chúng tôi thấy việc quản lý hộ tịch, quản lý hộ khẩu, quản lý căn cước công dân là khách quan và rất cần thiết. Tuy nhiên, có cần thiết phải có những đạo luật riêng, có cần thiết phải có sổ hộ tịch, sổ hộ khẩu không, đấy là vấn đề khác. Quản lý thì vẫn cần quản lý nhưng phương pháp quản lý phải thay đổi.
Theo tôi, vấn đề chính là các đạo luật cần triệt để thực hiện tinh thần cải cách hành chính là phải làm sao giảm tối đa những giấy tờ gây phiền phức cho công dân. Chúng ta quan niệm cái chính là quản lý công dân, mục đích của các đạo luật là quản lý công dân, làm sao để đỡ phiền hà cho dân, giảm bộ máy và ít các văn bản, công dân mới chính là trung tâm của quản lý.
Nhân loại người ta đã tiến bộ rất xa, người ta dùng đến một cái thẻ đa năng, tổng hợp tất cả thông tin vào đấy, công dân rất ít phải dùng thẻ như chúng ta là đến 25, 27 thẻ trong người. Tôi hoàn toàn rất ủng hộ quan điểm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội khi thảo luận ở Thường vụ Quốc hội cho rằng có thể nghiên cứu để khả năng thu hút vào một đạo luật nếu có thể.
Tôi cho rằng nếu có thể thu hút, đạo luật trực tiếp quản lý công dân mới là đạo luật, cần làm trung tâm để thu hút. Vì thế nếu thu hút thì Luật Căn cước công dân là luật có thể thu hút các đạo luật khác liên quan đến quản lý công dân.
Điểm thứ hai tôi muốn nói liên quan đến cơ sở dữ liệu về hộ tịch, là xét các mối quan hệ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ sở dữ liệu hộ tịch chỉ là một bộ phận.
Như vậy nếu vì mục đích quản lý thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý hộ tịch mà không cần phải phát sinh thêm một bộ máy, thủ tục, giấy tờ hồ sơ nhiều; không nên bắt công dân phải mang thêm nhiều giấy tờ phản ánh quan hệ hộ tịch thông qua thẻ điện tử như tôi nói là thẻ đa năng thì hoàn toàn có thể quản lý được hộ tịch, hộ khẩu công dân.
Thứ ba, tôi thấy liên quan đến Luật Căn cước công dân tôi đồng tình việc đưa 2 chế định số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào trong Luật Căn cước công dân. Có thể nói, khâu cốt tử của các đạo luật này chính là khái niệm về số định danh cá nhân. Chúng tôi hiểu số định danh cá nhân như là một không gian số chứa toàn bộ thông tin của cá nhân khi khả dĩ và đưa được vào đây.
Thẻ căn cước công dân chẳng qua là một chìa khóa để vào không gian số, khác nhau giữa thẻ căn cước công dân với chứng minh thư nhân dân mà lâu nay đã dùng ở một điểm là chíp điện tử của nó.
Thẻ căn cước công dân tiến bộ hơn chứng minh thư nhân dân trước đây là vì chíp điện tử để giúp đi vào được không gian số mà số định danh cá nhân của mỗi một con người trong xã hội có được. Vì thế chính phương tiện này đã giảm tối đa các giấy tờ khác và giảm bớt các thủ tục phiền hà khi mà công dân phải tham gia các quan hệ.
THANH QUYÊN (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin