Đối mặt nguy cơ sạt lở

07:06, 17/06/2014

Sạt lở luôn là nỗi lo thường trực của người dân sống ven sông và nỗi lo này tăng thêm khi vào mùa mưa bão.

Sạt lở luôn là nỗi lo thường trực của người dân sống ven sông và nỗi lo này tăng thêm khi vào mùa mưa bão.


Một điểm sạt lở nguy hiểm tại vàm kinh Hai Quý (xã Thành Lợi- Bình Tân).

Chưa đến 1 tuần, một đoạn bờ bao sông Long Hồ (đoạn thuộc Tổ 1, ấp Long Khánh, xã Long Mỹ- Mang Thít đã bị sạt lở 2 lần chiều rộng gần 7m, dài 31m, sâu 8m, khiến cả đoạn bờ bao rớt xuống sông.

Ông Huỳnh Văn Phúc- hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, cho biết: “Nơi đây nền đất yếu, lại nằm ngay ngã ba sông, nước đạp rất dữ. Thấy bờ bao bị nứt, biết sẽ bị lở nhưng không ngờ lại nhanh tới vậy”.

Sau 2 lần sạt lở đất, hiện nhà của ông Phúc đã kè bên mép nước. Thấy quá nguy hiểm, gia đình ông đã tạm dỡ căn nhà, sang ở nhờ nhà người bà con để đảm bảo an toàn. “Cũng may là vườn nhà còn đất, phải dời vào trong, chứ sạt lở kiểu này nguy hiểm quá”- bà Trần Thị Nhiên- vợ ông Phúc nói.

Quan sát tại điểm sạt lở này, nhiều vết rạn nứt đã xuất hiện gần đó mà theo ông Phúc thì “sớm muộn gì cũng rớt hết xuống sông” nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.

Theo ông Nguyễn Thái Anh- quyền Chủ tịch UBND xã Long Mỹ, địa điểm sạt lở khá nguy hiểm này là nỗi trăn trở của địa phương nhiều năm nay. Để giảm nhẹ thiệt hại, xã đã vận động người dân di dời để đảm bảo an toàn. Hiện xã cũng đã hoàn tất các thủ tục để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Sạt lở gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt là khu vực đông dân cư, nhằm chuẩn bị cho công tác PCLB năm nay, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở các vùng thường xảy ra sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ven sông, cửa sông cần phải sơ tán dân.

Theo đó, vùng nguy hiểm được xác định là khu vực ven sông Tiền thuộc các phường: 2, 5, 9; các xã: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội. Bên cạnh, một số điểm ít nguy hiểm hơn tại các phường: 1, 3, 4 và 8 cũng được khoanh vùng nhằm chủ động phương án sơ tán khi có thiên tai.

Về lâu dài, TP Vĩnh Long kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ xây kè chống sạt lở tại một số tuyến nguy cơ cao như: khu vực Khóm 6 (Phường 5), chợ cá Vĩnh Long đến bến tàu khách (Phường 1), bờ sông đoạn từ cầu Cái Cá đến cầu Lộ (Phường 2), cầu Cái Da Lớn đến bến phà Mỹ Thuận cũ (xã Tân Hội) nhằm đảm bảo dân sinh.

Sạt lở luôn là nỗi lo thường trực của nhiều hộ dân sống ven sông Hậu thuộc huyện Bình Tân. Đây cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương, nhất là vào mùa mưa bão.

Các điểm sạt lở nguy hiểm được khoanh vùng tại vàm kinh Hai Quý (thuộc 2 ấp Thành Phú và Thành Tâm- xã Thành Lợi), vàm kinh Câu Dụng (ấp Thành Quới, xã Thành Đông), vàm Bà Đồng (thuộc các ấp: Tân Thới, Tân Hiệp, Tân Phước, Tân Hậu- xã Tân Bình).

Thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TX Bình Minh, trên địa bàn hiện có 4 tuyến sạt lở, tổng chiều dài 9.400m với 570 hộ bị ảnh hưởng.

Đáng kể nhất là trên sông Từ Tải đoạn từ chợ Cái Vồn đến cầu Thành Lợi (thuộc 2 phường: Thành Phước và Cái Vồn) sạt lở kéo dài 4.000m, đoạn từ cầu Cái Vồn Lớn đến cầu Chà Và Lớn (phường Thành Phước) sạt lở 3.000m và sông Đông Thành đoạn từ cầu Chà Và Lớn đến vàm Phù Ly (phường Đông Thuận) sạt lở 2.000m.

Tại Trà Ôn, hệ thống đê bao 2 xã cù lao Lục Sĩ Thành và Phú Thành luôn bị đe dọa suốt mùa lũ, thường xảy ra sạt lở. Thời gian qua, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện cũng ghi nhận 2 trường hợp sạt lở bờ sông với chiều dài 129m thuộc tuyến đê bao ấp Phú Lợi (xã Phú Thành) và tuyến đường đan dọc sông Trà Ngoa (xã Trà Côn).

Còn tại Vũng Liêm, trong năm 2013, thiên tai gây thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng. Trong đó, triều cường cũng đã gây tràn, sạt lở 25 công trình thủy lợi- giao thông nông thôn ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Năm 2013, Long Hồ thiệt hại do sạt lở trên 2,4 tỷ đồng. Sạt lở bờ sông xảy ra tại ấp An Long (xã An Bình), Khu du lịch Mekong bị sạt lở 1 bè cá, đoạn bờ bao kinh Hàn Thẻ, bờ vùng Cả Trinh (xã Thạnh Quới), bờ vùng cặp sông Ông Me (xã Long Phước).

Kiểm tra kế hoạch PCLB- TKCN mới đây, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương cần có kế hoạch kiểm tra các địa bàn trọng yếu, đặc biệt là ở các vùng có nguy cơ cao, vùng đồng bào dân tộc,…


Bà Trần Thị Nhiên (xã Long Mỹ- Mang Thít) tạm dỡ căn nhà và di dời để tránh sạt lở.

Để phòng tránh sạt lở, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo ngành chuyên môn cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở để phương tiện, người qua lại tránh xa, hạn chế tốc độ, tải trọng khi qua lại khu vực sạt lở; khẩn trương vận động người dân di dời nhà cửa, tài sản quan trọng trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Xem xét các chính sách hỗ trợ kịp thời các hộ bị sạt lở được di dời vào cụm tuyến dân cư; ban đêm không để người già và trẻ em ngủ trong khu vực sạt lở, hàng hóa trong nhà phải được giảm tải trọng đề phòng tình huống xấu xảy ra.

Để chủ động ứng phó kịp thời và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hai, ông Phan Anh Vũ đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, chủ động bố trí kinh phí để duy tu sửa chữa, nếu thiếu nguồn thì tạm ứng kinh phí cấp bù thủy lợi phí 2015 để thực hiện.

Các công trình thủy lợi đang triển khai xây dựng để hỗ trợ các xã đạt tiêu chí nông thôn mới phải thường xuyên kiểm tra để hoàn thành kịp tiến độ, các công trình chuyển tiếp từ năm 2013 phải đảm bảo chống lũ năm 2014.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh