Tam Bình có tiềm năng lớn về kinh tế vườn, có nhiều làng nghề truyền thống với nguồn nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên thời gian qua, tiềm năng đó vẫn chưa được phát triển và khai thác đúng mức.
Tam Bình có tiềm năng lớn về kinh tế vườn, có nhiều làng nghề truyền thống với nguồn nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên thời gian qua, tiềm năng đó vẫn chưa được phát triển và khai thác đúng mức.
Làm gì để các đặc sản làng nghề Tam Bình nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, để cam sành Tam Bình phát triển thương hiệu, phát huy tiềm năng vốn có,… là những vấn đề đặt ra tại hội thảo “Kết nối cung cầu nâng cao giá trị nông sản” được tổ chức vừa qua tại Tam Bình.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, cần có quy trình xây dựng và quảng bá thương hiệu cam sành lâu dài.
Tiềm năng, lợi thế sẵn có
Huyện Tam Bình có 11 làng nghề được tỉnh công nhận, tập trung ở 5 xã Bình Ninh, Ngãi Tứ, Loan Mỹ, Hậu Lộc và Tường Lộc, chủ yếu là làm bánh tráng và đan thảm, giải quyết việc làm cho trên 2.600 lao động. Các làng nghề cung cấp cho thị trường 3,6 triệu sản phẩm thảm lục bình và trên 1,3 tấn bánh tráng mỗi năm.
Có tiềm năng lớn về kinh tế vườn, có nhiều làng nghề truyền thống với nguồn nguyên liệu dồi dào, song, thời gian qua, tiềm năng đó của Tam Bình vẫn chưa được phát triển và khai thác đúng mức. Cái khó đặt ra chính là tìm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng sản xuất.
Đồng thời, vẫn sản xuất thủ công, chưa áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất khiến sản phẩm chưa tạo ấn tượng mạnh với người tiêu dùng.
Đại diện hộ sản xuất bánh tráng giấy ấp Nhà Thờ (xã Tường Lộc) trình bày: “Công nghệ sản xuất của làng nghề chưa đổi mới, khiến giá thành sản phẩm cao, sản phẩm làm ra chưa đồng đều, chưa liên kết trong sản xuất khiến việc đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm gặp khó, chưa được cấp giấy lưu hành sản phẩm nên việc quảng bá thương hiệu gặp khó khăn”.
Cô Nguyễn Thị Chậm- Trưởng Ban quản lý làng nghề ấp- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Thạnh B (xã Bình Ninh) chia sẻ: Các làng nghề trên địa bàn xã Bình Ninh chủ yếu là gia công cho các công ty chưa chủ động hàng hóa nên chưa thể kết nối với các đơn vị bên ngoài. Thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, còn tự làm khuôn, tự thu mua lục bình, chưa thể tự tìm công ty ký kết hợp đồng…
PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải (Đại học Cần Thơ) nói: Các ngành nghề chủ lực của huyện rất có tiềm năng phát triển trong tương lai. Do đó cần phát huy tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, gắn sản phẩm với ngành du lịch của huyện.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu tạo lòng tin cho khách hàng, cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm, không ngừng “làm mới” mình để thu hút khách hàng.
Nhằm giúp cho các làng nghề có đủ pháp nhân ký kết các hợp đồng với các công ty, các cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công mỹ nghệ xuất nhập khẩu, huyện Tam Bình đã thành lập 2 hợp tác xã tập hợp 8 làng nghề và đi vào bước đầu hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Để thương hiệu cam sành Tam Bình vươn xa
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nông đã xoay quanh vấn đề làm thế nào để phát triển thương hiệu cam sành Tam Bình. Được công nhận từ năm 2003 nhưng đến nay, việc phát triển thương hiệu cam sành Tam Bình vẫn chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thả- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Bình cho biết: Diện tích vườn cây ăn trái của huyện là 7.400ha, trong đó cam sành trên 2.000ha, sản lượng hàng năm ước trên 13.000 tấn, thanh long ruột đỏ trên 10ha, năng suất trung bình 6,5 tấn/ha, sản lượng ước trên 50 tấn/năm…
Bà Huỳnh Chí Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết: “Cây cam sành chiếm 31% diện tích vườn cây ăn trái của huyện. Tuy nhiên thời gian qua, nông dân sản xuất tự phát là chính, không có sự liên kết với nhau để tạo ra lượng sản phẩm lớn và đồng loạt, kỹ thuật còn hạn chế, đầu ra sản phẩm chưa ổn định khiến nhà vườn không an tâm sản xuất. Hiện nay, để vực dậy thương hiệu cam sành, đã giao cho Hợp tác xã Hoàn Thiện quản lý về việc thu mua. Hợp tác xã đã xây dựng quy chế, thương hiệu này chỉ được dán trên trái cam của vùng đất Tam Bình và hợp tác xã sẽ kết nối với một số nhà vườn lớn, các chủ vựa trong huyện để tìm đầu ra ổn định cho trái cam sành. Bên cạnh đó huyện cũng hỗ trợ xây dựng chợ trái cây đầu mối ở xã Tường Lộc”.
Theo một số chủ vựa, nhu cầu cung ứng cam sành cho thị trường rất lớn, tuy nhiên do diện tích sản xuất nhỏ nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ông Phan Hữu Kiệt- nông dân ấp Mỹ Phú 5 (xã Tường Lộc) nói: Hiện sản lượng cam không đủ cung cho thị trường, những vựa cam trên địa bàn Tam Bình phải cung 50- 70 tấn cam/ngày.
Ông Đặng Văn Bé- thương lái mua cam trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Trung- cho biết: Sản lượng thu mua giảm 50% so với cùng kỳ các năm trước. Không chỉ vậy, cây cam sành dễ bị bệnh nên chất lượng, mẫu mã không đẹp (trái nhỏ, da cám, sần, độ ngọt không cao…), đồng thời cạnh tranh với nhiều loại trái cây khác nên giá cả giảm.
Bà Huỳnh Chí Linh cho rằng: Để sản xuất nông nghiệp huyện đạt hiệu quả cao, cần xây dựng và mở rộng vùng sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn, an toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã có đủ điều kiện ký kết với các công ty, liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như lúa gạo, cam sành, rau màu các loại; đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu bánh tráng giấy Tam Bình…
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin