“Trung Quốc đóng cửa khẩu”- tin đồn trục lợi

08:05, 23/05/2014

Mấy ngày qua, trên vùng khoai lang 7.000ha ở huyện Bình Tân và TX Bình Minh, kẻ xấu đã tung tin đồn thổi Trung Quốc sẽ đóng cửa khẩu. Thế là ngay lập tức giá khoai tím Nhật từ mức giá 7.000 đ/kg giảm xuống mức dưới 5.000 đ/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Một số người trồng khoai hoảng hốt bán tháo dẫn đến lỗ nặng. Đi trên những cánh đồng khoai ở Bình Tân những ngày này,

Mấy ngày qua, trên vùng khoai lang 7.000ha ở huyện Bình Tân và TX Bình Minh, kẻ xấu đã tung tin đồn thổi Trung Quốc sẽ đóng cửa khẩu. Thế là ngay lập tức giá khoai tím Nhật từ mức giá 7.000 đ/kg giảm xuống mức dưới 5.000 đ/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Một số người trồng khoai hoảng hốt bán tháo dẫn đến lỗ nặng. Đi trên những cánh đồng khoai ở Bình Tân những ngày này, lòng không vui bởi những “nốt nhạc buồn” than thở...

Ông Bùi Tấn Kiệt (ấp Thành Tân, xã Thành Đông- Bình Tân) cho biết: Trước ngày 15/5/2014, khoai lang tím Nhật được các thương lái thu mua ở mức giá khoảng 7.000 đ/kg. Sau đó có tin đồn là ngày 20/5/2014 Trung Quốc sẽ đóng cửa khẩu.

Từ đầu tháng 5 đến nay nông dân thu hoạch rộ, đi trên cánh đồng Bình Tân sẽ liên tiếp gặp những đống khoai thế này.
Anh Hoàng bên đống khoai dạt .

Thế là khoai tuột giá, xuống dưới mức 5.000 đ/kg. Lãnh đạo địa phương đã tuyên truyền kêu gọi bà con hết sức
bình tĩnh trước tin đồn thất thiệt của kẻ xấu tung ra để trục lợi. Khi đó nhiều người trồng khoai đã ghim hàng lại thì đến chiều 19/5/2014 giá khoai đã tăng trở lại hơn 600 đ/kg và đứng mức giá 5.700 đ/kg.

Thấy giá khoai tăng trở lại bằng với giá thành sản xuất, tôi chọn giải pháp kêu lái bán 4.500m2 khoai lang tím Nhật để thu hồi vốn mặc dù khoai mới 4 tháng tuổi.

Tuy nhiên, sau khi kêu lái bán xong đến sáng 20/5/2014 thì giá khoai lang tiếp tục tăng thêm 1.000 đ/kg và đang đứng mức trên 6.600 đ/kg. Do sợ khoai rớt giá sẽ không thu đủ vốn nên quyết định quá vội đã mất khoảng 3,5 triệu đồng/công. Điều này cho thấy trong mấy ngày qua lực lượng thương lái đã tung tin đồn thất thiệt để hạ giá khoai lang để trục lợi.

Theo ghi nhận ở mỗi địa phương chúng tôi đến, giá cả đều không ổn định, thay đổi liên tục. Ông Nguyễn Văn Cưng (72 tuổi, ngụ ấp Thành Hưng, xã Thành Trung- Bình Tân), phấn khởi: “Mấy ngày nay, giá khoai lang rớt thê thảm, tôi cũng lo lắng như bao người trồng khoai khác.

Củ khoai không hư nhưng bị chút tì vết là thành khoai vụn.

Tôi cũng có nghe tin đồn đóng cửa khẩu Trung Quốc, nhưng tôi không tin. Do tuần trước, bà con tập trung dở khoai, thương lái mua không kịp mới có chuyện dội hàng, giảm giá. Gia đình tôi quyết định neo khoai lại, không dở.

Mới sáng nay, có thương lái đến hỏi mua giá 400.000 đ/tạ, nhưng gia đình tôi vẫn chưa muốn bán”. Cùng tâm trạng với ông Cưng, anh Nguyễn Văn Thuận- ngụ cùng địa phương- cho biết: “Hiện nhà tôi có 20 công khoai lang đang đến kỳ thu hoạch, nhưng chúng tôi không bán, chờ giá cao hơn. Bởi khoai loang có thể kéo dài thời gian tới 6 tháng, trong khi khoai chúng tôi chỉ mới có hơn 4 tháng. Chúng tôi quả quyết, tháng tới giá sẽ lên khoảng 500.000 đ/tạ”.

Anh Phan Văn Hoàng ở xã Thành Trung đang dở 12 công khoai, đứng trước đống khoai dạt than thở: “Giá thấp, nông dân bị lỗ nặng, vậy mà thương lái còn ép cả… củ khoai.

Chỉ cần có một tì vết nhỏ trên củ khoai thôi là sẽ bị dạt ngay, dù củ không hề bị hư. Còn nữa, củ nhỏ nhất phải đạt từ 50g mới lấy. Mỗi công họ dạt bỏ ra gần cả chục tạ, bán khoai dạt có mười mấy ngàn đồng một tạ, chẳng ăn thua gì. Đau lòng lắm!”

Ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm tác xã Rau an toàn Thành Lợi (ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi- Bình Tân) cho biết trong 5 ngày qua, rất nhiều nông dân trực tiếp đến hợp tác xã và gọi điện thoại hỏi xác minh tin đồn “Trung Quốc đống cửa khẩu không cho qua lại hàng hóa nông sản” có thật không?

Ông nói: “Khi đó tôi đã khẳng định với bà con là không có chuyện đó xảy ra. Tôi đã khuyến cáo bà con là hết sức cẩn trọng với những tin đồn thất thiệt của kẻ xấu tung ra để trục lợi. Khi tin đồn thất thiệt lan rộng thì không chỉ người trồng khoai lang hoang mang mà kể cả người trồng đậu bắp xuất khẩu sang Nhật cũng đến hỏi như vậy.

Khi đó tôi khẳng định với bà con rằng: Bà con cứ yên tâm sản xuất, đậu bắp xuất khẩu sang Nhật rất ổn định, không sợ bí đầu ra. Còn đối với những người trồng khoai lang chưa đến tuổi thu hoạch thì tôi động viên bà con hết sức bình tĩnh trước những tin đồn thất thiệt và hãy tập trung chăm sóc để khoai đạt được năng suất cao.

Sau ngày 20/5/2014, khi tin đồn đóng cửa khẩu không xảy ra thì giá khoai lang đã tăng trở lại và đang đứng mức giá hơn 6.600 đ/kg. Với mức giá này ruộng khoai lang nào thu hoạch đạt năng suất 21 tấn/ha thì huề vốn, năng suất từ 24 tấn/ha trở lên thì mới có lãi.

Qua quan sát cả chục vựa khoai của các thương nhân Trung Quốc đặt tại xã Thuận An (TX Bình Minh) trong ngày 20, 21/5/2014 thì hoạt động mua bán đã trở lại bình thường, xe container đậu trước cửa các nhà vựa để lên hàng chuyển ra các cửa khẩu xuất bán.

Anh Đạt, thương lái thu gom khoai cho thương nhân Trung Quốc cho biết: Thương nhân Trung Quốc đã rút về nước nhưng đã chuyển tiền sang cho tôi 5 tỷ để thu mua khoai lang và chuyển sang cho họ.

Tuy nhiên, đến 13 giờ ngày 20/5/2014 thì giá khoai lang thu vào đã có sự điều chỉnh giảm khoảng 300- 400 đg/kg. Hiện tại, người trồng khoai và thương lái trong nước cũng rất mù mờ trước tin đồn thất thiệt là “đóng cửa khẩu”.

Cả chục vựa khoai trên QL1 thuộc xã Thuận An (TX Bình Minh) vẫn rộn rịp người lựa khoai vô bao, người vác ra kho chờ xe đến chở.

Bà Lê Thị Yến- một thương lái chuyên mua khoai lang xuất khẩu ở Bình Tân- cho biết: “Người trồng khoai ở huyện Bình Tân phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc nên nông dân thường chịu thiệt. Những lúc thị trường này hút hàng thì giá cao, ngược lại giá luôn ở mức thấp.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, tôi đã chào hàng sang thị trường Malaysia, mức lời lên đến 40%. Tuy nhiên, hiện thị trường này chỉ cần khoảng 20 tấn khoai/tuần. Vì vậy, tôi đã quay lại với thị trường Trung Quốc dù mức lời chỉ 20%, nhưng xuất bán 25 tấn/ngày”.

Ông Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân cho biết: Sau khi nhận được thông tin đồn thổi do kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, lãnh đạo huyện ngay sau đó đã chỉ đạo cho các địa phương tuyên truyền rộng ra dân là cần phải hết sức bình tĩnh trước tin đồn “Trung Quốc đóng cửa khẩu”. Có thể đây là thông tin đồn xuất phát từ lực lượng thương nhân Trung Quốc hoặc thương lái trong nước tung tin để ép giá khoai của bà con.

Ông Võ Văn Theo phân tích: Nếu cửa khẩu đóng thì làm sao thương lái thu mua khoai có giá 5.700 đ/kg, lên container chở đi. Điều này cho thấy có một số phần tử tung tin đồn để trục lợi. Sau khi nghe tuyên truyền, bà con đã nhận định được tình hình và ghim hàng lại thì giá khoai lang bắt đầu nhích lên thêm khoảng 1.000 đ/kg.

Sản lượng thu hoạch ngay vào thời điểm này chỉ khoảng 800ha. Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nếu ruộng khoai nào neo được thì cứ neo. Không nên hoang mang bán tháo, bán đổ vì thực tế mọi hoạt động giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường và không có chuyện đóng cửa khẩu như lời đồn thổi.

Lãnh đạo Lạng Sơn bác tin đồn đóng cửa khẩu

Trước một số tin đồn cho rằng Trung Quốc đã đóng cửa khẩu Hữu Nghị, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Ông Nguyễn Văn Bình- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay "thông tin đóng cửa khẩu Hữu Nghị là không chính xác".
Ông Bình nói: “Hiện tôi và đoàn của Bộ Tư lệnh biên phòng Việt Nam đang làm việc với bộ đội biên phòng của Trung Quốc tại Nam Ninh, Trung Quốc. Mọi hoạt động của người dân ở khu vực biên giới cũng như của nhân dân trong tỉnh vẫn bình thường, không có gì xáo trộn”. Cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Hữu Nghị Quan của Trung Quốc là một trong 9 cặp cửa khẩu đã được 2 nước Trung Quốc và Việt Nam mở lâu nay, theo hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc giữa 2 chính phủ.

Cửa khẩu Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan nằm gần mốc giới số 1116, 1117 trên biên giới Việt- Trung. 2 bên cửa khẩu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị trấn Hữu Nghị, TP Bằng Tường, TP Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Đây là cửa khẩu quốc tế. Thời gian làm việc phía Việt Nam là 7h- 19h- giờ Hà Nội (hàng hóa xuất – nhập khẩu trước 16h30). Thời gian làm việc phía Trung Quốc là 8h- 20h- giờ Bắc Kinh (hàng hóa xuất - nhập khẩu trước 17h30). Ngoài 9 cặp cửa khẩu này, 2 nước còn có 13 cặp cửa khẩu khác thuộc diện “sẽ được mở khi có đủ điều kiện, thời gian và thể thức mở cụ thể sẽ do 2 bên thỏa thuận qua đường ngoại giao”.

Trước khi mở chính thức các cặp cửa khẩu này, việc xuất- nhập cảnh tại các khu vực đó của người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải đều phải căn cứ các quy định kiểm tra, kiểm nghiệm theo pháp luật của mỗi bên và các quy định liên quan do 2 bên thỏa thuận. Hiệp định cũng quy định việc mở chính thức, mở mới, đóng cửa các cặp cửa khẩu biên giới sẽ thỏa thuận thông qua đường ngoại giao.

Trong trường hợp đặc biệt phải đóng cửa khẩu hoặc tạm thời mở cửa ngoài thời gian làm việc, 2 bên cần phải thông báo và trao đổi thống nhất với nhau qua đường ngoại giao trước ít nhất 5 ngày. Việc mở lại cửa khẩu cần phải thông báo cho phía bên kia qua đường ngoại giao và phải được phía bên kia xác nhận. Hiệp định này được ký tháng 11/2009 tại Bắc Kinh và có giá trị trong thời gian 10 năm; nếu 6 tháng trước khi hiệp định hết hạn, không bên nào thông báo bằng văn bản ý định chấm dứt hiệu lực của hiệp định cho phía bên kia thì hiệp định này sẽ tự động kéo dài thêm 10 năm và cứ tiếp tục như vậy.

(tintuconline)

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh