Toàn quốc có 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới

03:05, 16/05/2014

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ảnh VGP/Nhật Bắc 


Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cao Đức Phát.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình, nhiều xã nông thôn mới đã xuất hiện. Hết quý I/2014, trong tổng số 9.008 xã tham gia Chương trình, đã có 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 622 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí nông thôn mới, 2.646 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 7 xã chưa đạt được tiêu chí nào. Sau 3 năm triển khai Chương trình, mức đạt tiêu chí bình quân/xã của các tỉnh, thành phố tăng từ 5,27 tiêu chí năm 2011 lên 8,62 tiêu chí vào quý I/2014.

Bên cạnh đó, một số huyện đã bắt đầu phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới, góp phần đưa diện mạo nông thôn Việt Nam khởi sắc rõ nét. Đến quý I/2014, nhiều tỉnh, thành đã hoàn thành 100% công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam , Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Đắk Nông... Toàn quốc đã có 93,7% số xã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" được 43 tỉnh, thành áp dụng. Riêng vụ Đông Xuân 2013 - 2014, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên đến 100.000ha, trong đó nhiều nhất là An Giang với 35.000ha.

Đến nay, cả nước có trên 9.000 mô hình sản xuất với tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng, góp phần làm tăng năng suất cao hơn trước từ 15 - 40%. Nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả cao đã được nhân rộng ra nhiều địa phương, trong đó đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nông thôn, như ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang...

Nhờ những nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới của các địa phương, thu nhập của nông dân trong cả nước năm 2013 đã tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010, đã có 30,1% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 52% số xã đạt tiêu chí về việc làm và 24,5% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo.

Các tỉnh, thành phố đã tập trung nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, xây dựng 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 công rãnh thoát nước thải, 40% số xã có tổ thu gom rác thải, tăng 10% so với thời điểm trước khi thực hiện chương trình.

Hết quý I/2014, cả nước có 67,2% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương, từ năm 2010 - 2013 nguồn vốn đầu tư, cải tạo và nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện nông thôn vào khoảng 15.205 tỷ đồng. Điều đáng mừng là đã có 98,6% số xã, 96,6% số hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn quốc có điện thắp sáng, trong đó có 16 tỉnh đạt 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện.

Chú trọng công tác thủy lợi, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp, đến nay các địa phương đã tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới hơn 3.000 công trình thủy lợi phụ vụ tưới tiêu nội đồng, đồng thời tiến hành nạo vét trên 7.000km kênh mương, góp phần đưa 31,7% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi.

Cơ sở thông tin liên lạc đã phát triển đến tận vùng sâu vùng xa, internet tốc độ cao đã về đến hầu hết bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra, trên 55% số xã có điểm truy cập internet công cộng, sóng 3G phủ rộng trên 80%...

Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân nên được chú trọng đầu tư. Hết quý I/2014, cả nước đã và đang triển khai xây dựng trên 5.000 công trình với khoảng 70.000km đường giao thông nông thôn, 98,3% số xã có đường ô tô về đến trung tâm xã, trong đó 87,4% số xã có đường đến UBND xã có đường đến UBND xã được nhựa, bê tông hóa.

Nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực phù hợp nên đã huy động được sự tham gia của đông đảo người dân và toàn xã hội. Chẳng hạn như tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách hỗ trợ bình quân 170 tấn xi măng, 2 triệu đồng và toàn bộ cống qua đường (bằng 50% chi phí) để xây dựng đường bê tông, trong khi người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, dịch chuyển cổng để xây dựng đường nông thôn mới.

Đánh giá về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh cho biết, hiện nay nhận thức của phần lớn cán bộ, người dân đã có chuyển biến rõ ràng, góp phần quan trọng vào việc phát triển rộng rãi phong trào xây dựng nông thôn mới trong cả nước, nâng cao tính dân chủ và ý thức trách nhiệm của người dân.

Diện mạo nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới văn minh hơn, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.

Phó Thủ tướng cho biết, cả nước sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, phấn đấu tăng từ 2 - 3 tiêu chí.

Đến năm 2015 phấn đấu có huyện đạt huyện nông thôn mới, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Nhằm tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Ban chỉ đạo Trung ương đã trao thưởng cho 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu, 31 xã có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới và 26 xã khó khăn song có nhiều có gắng trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài những tập thể tiêu biểu trên, Ban chỉ đạo Trung ương còn tuyên dương, khen thưởng 50 cá nhân có những đóng góp xuất sắc cho công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương

 

Theo Báo xây dựng

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh