Thế mạnh đặc sản TX Bình Minh

03:05, 21/05/2014

Ngoài vùng rau xà lách xoong, thương hiệu bưởi Năm Roi TX Bình Minh còn được thiên nhiên ưu đãi “ban tặng” cho cây thanh trà- loại trái đặc trưng của vùng đất xã Đông Thành, bởi không nơi nào có được.

Ngoài vùng rau xà lách xoong, thương hiệu bưởi Năm Roi TX Bình Minh còn được thiên nhiên ưu đãi “ban tặng” cho cây thanh trà- loại trái đặc trưng của vùng đất xã Đông Thành, bởi không nơi nào có được.

Ông Sáu Danh (phải) trong vườn thanh trà của mình ở ấp Đông Hưng 2.

Cách nhìn mới của câu chuyện cũ

Con sông Trà Ôn dài chưa tới 20km, bắt đầu từ thị trấn Cái Vồn, chảy vắt qua các xã: Mỹ Hòa, Đông Thành (TX Bình Minh), Ngãi Tứ (Tam Bình), rồi đổ vào sông Mang Thít thuộc địa phận huyện Trà Ôn.

Lạ lùng là trên đường đi qua, sông Trà Ôn đã để lại những đặc sản khác nào “của trời cho”, như trái bưởi Năm Roi khu vực Mỹ Hòa, còn phía dưới là trái thanh trà thuộc xã Đông Thành. Nếu đem những giống cây này trồng trên vùng đất khác, thì chúng lại bị biến chất. Vậy nên mới gọi là “của trời cho”.

Những vườn thanh trà có tiếng như vườn ông Sáu Danh, ông Năm Trượng, ông Sáu Vẹn, ông Mười Tài được gầy dựng cách đây trên dưới 30 năm. Nhưng câu chuyện về cây thanh trà “tổ” của ông Cả Ba, cho thấy giống cây này đã cắm rễ trên đất Đông Thành ít nhất cũng cả trăm năm rồi.

Ông Sáu Danh (78 tuổi, ấp Đông Hưng 2) kể rằng, hồi còn nhỏ đã thấy cây thanh trà trước sân nhà ông Cả Ba. Ông cả trồng để thả cặp chim xéo lên làm cảnh.

Còn trái khi chín rụng đầy đất có người lượm ăn chơi, nấu canh chua… chớ hồi đó đâu ai mua mà bán. Đến khoảng năm 1985, khi những lái bưởi đi ngang, thấy trái lạ lạ, nên đánh thử một ít lên Sài Gòn, từ đó dần dần cây thanh trà mới nở vườn.

Đầu mùa năm nay, bán giá sỉ trái thanh trà lên đến 30.000- 40.000 đ/kg. Nhiều người ham hái ép trái chua nên giá tuột xuống, nhưng thấp nhất vẫn khoảng 8.000- 9.000 đ/kg. Với 4,8 công thanh trà (trồng xen bưởi), ông Sáu Danh thu hoạch khoảng 8 tấn, được trên 80 triệu đồng. Cộng với 7 tấn bưởi, ông Sáu có thêm trên 20 triệu đồng. Vườn ông Sáu Vẹn trồng rặt 20 công thanh trà, thu hoạch khoảng 20 tấn, bỏ túi gần 200 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế của cây thanh trà đã thấy rõ, nó lại có nhiều ưu điểm là không tốn kém chi phí, không phải dọn vườn. Ông Sáu cho biết, 15 năm nay trong vườn không có cọng cỏ. Sau mùa thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 4, cây bắt đầu đâm tượt non là vườn phủ kín không lọt bóng nắng, râm mát và rất đẹp. Nhận thấy những ưu điểm, địa phương đang có nhiều phương án nâng cao giá trị độc đáo của nó bằng cách khai thác du lịch và xây dựng thương hiệu cho cây thanh trà Đông Thành.

Nâng cao giá trị cho thanh trà

Khoảng từ 2 năm trở lại đây, thanh trà đang được những lái kiểng chú ý và săn lùng nhiều cây cổ thụ với giá khá cao. Chúng tôi ghé lại nhà chú Năm Trượng (84 tuổi, ấp Đông Hưng 2). Người con út của chú đang ngồi chẻ củi.

Củi là phần nhánh tỉa lại, sau khi thương lái vừa bứng đi nguyên cây với giá 12 triệu đồng. Trước sân còn lại một cây cổ thụ mà ông Năm Trượng cho biết mình đã trồng hồi mới 23 tuổi. Đã có lái đòi mua… 100 triệu đồng. Người con thứ hai của ông Năm lắc đầu bảo: “Bao nhiêu cũng không bán”.

Theo ông Năm, thì đây là cây mà ông đã chiết nhánh từ cây thanh trà “tổ” của ông Cả Ba. Cây cổ thụ này hiện thuộc sở hữu của ông Tư Bùa, có gốc 2 người ôm không giáp, đường kính khoảng trên 1m, tán nó phủ kín nửa công đất. Đã có người vào tận nơi trả giá 150 triệu đồng. “May mắn” là cây nằm giữa vườn, không có lối kéo cây ra, nên nó vẫn còn đó.

“May mắn” do không bán được là bởi vì đây chính là “linh hồn” của làng thanh trà. Hãy bảo vệ nó, để nó tiếp tục “kể chuyện” với mọi người về sự ra đời của làng thanh trà bên dòng sông Trà Ôn. Chúng ta rất cần bảo vệ những cây quý như thế- nhất là mai mốt đây, khi dự án du lịch sinh thái cộng đồng được triển khai.

Những ngôi nhà có vườn thanh trà cố cựu nằm hướng mặt ra sông Trà Ôn, bóng mát phủ kín sân, phủ kín vườn, tạo nên một ngôi làng thanh trà mang dáng dấp, hồn cốt riêng và rất đẹp.

Còn nhìn về khai thác tour tuyến du lịch, đây sẽ là tuyến đường sông lý tưởng, hấp dẫn hơn nhiều thay vì các du thuyền hiện nay chỉ đi theo tuyến sông Hậu từ Cần Thơ, đi qua cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), rồi ngược dòng Mang Thít, lên Vĩnh Long- Long Xuyên- Châu Đốc- Campuchia.

Nếu có sự tư vấn, quảng bá của ngành du lịch, Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch tỉnh, thì tương lai đây sẽ là điểm dừng chân homestay đầu tiên của tour du thuyền khám phá hạ lưu sông Mekong, liên tuyến Campuchia. Những lão nông của Đông Thành đang rất hào hứng và sẵn sàng hợp tác với câu chuyện về du lịch sinh thái cộng đồng trong tương lai.

Với 4,8 công thanh trà (trồng xen bưởi), ông Sáu Danh thu hoạch khoảng 8 tấn, được trên 80 triệu đồng. Cộng với 7 tấn bưởi, ông Sáu có thêm trên 20 triệu đồng. Vườn ông Sáu Vẹn trồng rặt 20 công thanh trà, thu hoạch khoảng 20 tấn, bỏ túi gần 200 triệu đồng.


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh