Một điểm chung mà các ĐBQH thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng còn lại năm 2014 là tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó Việt Nam đang phải đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền lên hàng đầu. Hai vấn đề nổi lên được các đại biểu quan tâm là cần đầu tư có trọng tâm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như
Mặc dù nền kinh tế đang phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một điểm chung mà các ĐBQH thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng còn lại năm 2014 là tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó Việt Nam đang phải đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền lên hàng đầu.
Hai vấn đề nổi lên được các đại biểu quan tâm là cần đầu tư có trọng tâm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như dành nguồn lực để hỗ trợ ngư dân bám biển.
* Cần đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Năm 2013 là năm thứ hai nước ta liên tiếp xuất siêu, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Đa số ý kiến cho rằng kết quả trên là nhờ Chính phủ điều hành đúng hướng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Trong phiên thảo luận, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhận được sự quan tâm của đa số đại biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long băn khoăn về việc tăng trưởng trong nông nghiệp liên tục trong 3 năm liên tục giảm và trong năm 2013 tốc độ tăng chỉ còn 2,67%. Đại biểu Nguyễn Văn Thanh thống nhất cao với 7 nhóm giải pháp mà chính phủ đề ra trong phát triển kinh tế xã hội.
Trong thời gian tới, ông đề nghị cần tập trung chỉ đạo có trọng điểm chương trình nông nghiệp, nông dân nông thôn, đặc biệt là đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ông đề nghị các bộ ngành trung ương cần đầu tư theo hướng chuỗi giá trị đầu vào là tổ chức sản xuất, đầu ra là sản phẩm, nên lấy trọng tâm là khoa học công nghệ và thị trường là hướng đột phá, trong đó quan trọng nhất là tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm quốc gia như gạo, cá tra…
Đại biểu Nguyễn Tấn Vạn (Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu) lo lắng chương trình nông nghiệp, nông dân nông thôn được Chính phủ đầu tư rất lớn nhưng còn dàn trãi và manh mún. Người dân thụ hưởng chương trình này không được bao nhiêu mà thường rơi vào các khâu trung gian (tuyên truyền, tập huấn…).
Một vấn đề khác là chương trình xây dựng nông thôn mới hiện chưa được đầu tư tương xứng. Mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống người dân, tuy nhiên hiện nay, các địa phương đều chạy theo chỉ tiêu để đạt được 19 tiêu chí, huy động quá lớn nguồn lực từ dân trong khi một bộ phận đời sống người dân vẫn còn gặp khó khăn. “Tôi nghĩ Chính phủ phải có đánh giá thật đầy đủ cho chương trình này” – Ông Vạn phát biểu.
Đại biểu Hoàng Thế Kỳ (Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận), đề nghị Chính phủ cần đánh giá nghiêm túc tình hình và có dự báo chính xác tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2014.
Đặc biệt, sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển nước ta, cần có những dự báo chính xác với những khó khăn, nhất là những khó khăn đột biến. Cần định hướng thị trường, nhất là những mặt hàng nông sản gắn với thị trường Trung Quốc để giảm bớt những khó khăn của người dân.
* Cần dành nguồn lực hỗ trợ ngư dân bám biển
Tình hình biển Đông gần đây thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Một trong những vấn đề nổi lên là đại biểu đề nghị cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển.
Đại biểu Võ Tuấn Nhân (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng:
”Khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta, Chính phủ phải xây dựng kế hoạch và có giải pháp để phù hợp với tình hình mới. Tôi đề nghị cần phải có ngay một chiến dịch ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường.
Đây không phải giúp nâng cao đời sống người dân duyên hải miền trung mà còn là vấn đề an ninh quốc phòng. Tôi thấy chúng ta có chiến lược biển rất lớn, đúng hướng nhưng chưa có sự đầu tư tương xứng, chẳng hạn như đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu hiện vẫn chưa được đầu tư bao nhiêu.
Người ta thường nói ngư dân là cột mốc biên giới di động trên biển, do vậy Chính phủ phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là hậu cần nghề cá giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, tăng cường tiềm lực cho các đảo hiện có”.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) cho biết:”Hiện nay một vài nơi có đội tàu cung ứng dịch vụ, ngư dân đánh bắt không đem sản phẩm về mà có tàu ra mua sản phẩm.
Mô hình này tạo điều kiện cho ngư dân bám biển lâu dài, tuy nhiên để mô hình này phát triển thì nhà nước phải có chính sách trợ giá, trợ cước để thu hút nhiều người tham gia. Hiện nay, tàu đánh bắt của ta chủ yếu là tàu gỗ, đề nghị chính phủ cần hỗ trợ lãi suất (có thể là lãi suất 0%) để ngư dân đóng tàu sắt vừa để an toàn trong bão lũ, vừa an toàn trong các vụ va đập với các tàu của Trung Quốc.
Một vấn đề nữa là cần tập trung tiềm lực cho các đảo, nhất là đảo tiền tiêu về bến neo đậu, vận chuyển hàng hóa để cung cung vật tư, nguyên liệu cho cư dân ở đảo, cũng như cung ứng cho dịch vụ nghề cá ở biển khơi. Như ở đảo Lý Sơn nếu được đầu tư thỏa đáng thì có thể chứa gần 500 tàu đánh bắt lớn trú tránh bão”
Tại phiên thảo luận, các đại biểu còn đóng góp Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát tốt về giá; vấn đề nợ công; kiểm soát tốt các nguồn lực quốc gia; điều chỉnh việc vay vốn theo hướng tăng định mức và kỳ hạn vay vốn, đồng thời giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận;
mở rộng thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi; nghiên cứu lập Quỹ bình ổn giá nông sản, Quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân…
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin