Bản sắc của đô thị sông nước được các chuyên gia Nhật Bản ví như là “kho báu”của ĐBSCL cần bảo tồn, phát huy trong quy hoạch và phát triển các đô thị của vùng trong tương lai.
Bản sắc của đô thị sông nước được các chuyên gia Nhật Bản ví như là “kho báu”của ĐBSCL cần bảo tồn, phát huy trong quy hoạch và phát triển các đô thị của vùng trong tương lai.
Đô thị sông nước- nét độc đáo của đô thị ĐBSCL.
Quan điểm xây dựng TP Vĩnh Long, các đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung trở thành đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh đã được đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL- MDEC Vĩnh Long 2013.
Một lần nữa quan điểm trên được củng cố thông qua tư vấn của các chuyên gia quy hoạch đô thị của Nhật Bản khi đến làm việc tại Vĩnh Long mới đây. Theo đó, quy hoạch, phát triển đô thị phải giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc, cá tính nhằm tạo nên thương hiệu vùng.
Đô thị sông nước- “kho báu” cần mài giũa
Theo ông Fujita Tetsushi- Giám đốc Bộ phận Phát triển đô thị Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd, một trong những yếu tố trọng yếu để các đô thị phát triển bền vững là tạo được niềm tự hào của người dân địa phương.
Như vậy người dân Vĩnh Long tự hào điều gì? Phát triển đô thị gắn kết với sông nước là một giá trị bản sắc, mang cá tính riêng rất đáng tự hào.
Ví như hình ảnh của những chiếc phà qua những cù lao, những khu dân cư ven sông cần được cải tạo, giữ gìn, những “đặc sản” miền sông nước như chợ nổi, vườn cây trái, du lịch miệt vườn,… là những giá trị cần bảo tồn và phát huy. Bên cạnh là gìn giữ những ngành nghề truyền thống của vùng để đảm bảo người dân gắn bó lâu dài trong điều kiện đô thị không ngừng phát triển.
Ông Fujita Tetsushi cũng cho rằng, phát triển đô thị Vĩnh Long cần liên kết với nông nghiệp, phải xây dựng nền sản xuất nông nghiệp với kỹ thuật cao, tồn trữ chế biến gạo, sản phẩm nông sản chất lượng cao, không bán sản phẩm thô nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời, phát triển công nghiệp trên cơ sở liên hệ mật thiết với nông nghiệp, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để phát triển đô thị (sử dụng phụ phẩm trấu để phát điện phục vụ cho đô thị). Thu hút lao động làm việc tại địa phương hiệu quả hơn.
Kinh tế du lịch cũng là đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Để phát triển du lịch thì quy hoạch không gian là quan trọng, Vĩnh Long có không gian đô thị dọc bờ sông để thu hút du khách như sông Cổ Chiên, cù lao An Bình…
Điểm mấu chốt trong quy hoạch chung không chỉ là quy hoạch không gian phát triển vùng mà có sự kết hợp chặt chẽ với chiến lược phát triển vùng trên cơ sở phát triển những nét bản sắc, cá tính, phải tìm được “kho báu” của vùng để mài giũa để hình thành thương hiệu của vùng.
Vĩnh Long có vị trí khá đặc biệt là trung tâm ĐBSCL, cộng với những ưu thế sẵn có, ông Fujita Tetsushi tin tưởng Vĩnh Long sẽ có lợi thế để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp cho biết: Vĩnh Long tập trung phát triển đô thị trung tâm TP Vĩnh Long, đô thị TX Bình Minh lợi thế phát triển lớn thứ 2 của Vĩnh Long, tuyến vành đai huyện Long Hồ và thị trấn Vũng Liêm.
Ngoài du lịch miệt vườn, cần khai thác tốt các điểm đến văn hóa, lịch sử như khu di tích, đền thờ, khu tưởng niệm, Văn Thánh miếu,… nhằm tạo bản sắc và lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
TP Vĩnh Long tỷ lệ đô thị hóa được nâng lên khoảng 78%, trong quy hoạch và phát triển đô thị, các mảng xanh đô thị đã được quan tâm. Hiện tại TP Vĩnh Long ước đạt 50% tiêu chí đô thị loại II.
Để xây dựng TP Vĩnh Long, các đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung trở thành đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh, tỉnh Vĩnh Long đề ra 4 nhóm giải pháp gồm: giải pháp về quy hoạch đô thị, thu hút đầu tư, phát triển đô thị và quản lý đô thị nhằm tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi trong quá trình hội nhập, phát huy những lợi thế sẵn có, lấy khoa học công nghệ làm động lực và con người làm trung tâm để phát triển.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông còn lạc hậu và chưa đồng bộ, hệ thống thoát nước đô thị đã xuống cấp hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ còn diễn ra khi có mưa, triều cường…
Từ đó, Vĩnh Long xác định cần phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là TP Vĩnh Long theo hướng hiện đại và bền vững về môi trường, phù hợp với các định hướng về quy mô dân số và mức độ phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai cũng như đảm bảo các mục tiêu giữ vững quốc phòng- an ninh, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Quá trình xây dựng và phát triển đô thị đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng các đô thị mới và cải tạo chỉnh trang đô thị cũ; đảm bảo tính đồng bộ và hợp lý trong quan hệ liên kết, phân cấp, phân khu chức năng các đô thị, đồng thời phát huy tối đa lợi thế, đặc thù của vùng sông nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng khẳng định: Quy hoạch là công tác rất quan trọng cho sự phát triển của địa phương, định hướng quy hoạch tốt sẽ giúp địa phương phát triển nhanh, tránh được sự lạc hậu.
Hiện nay, quy hoạch phát triển chung ngoài việc nâng cao vị thế địa phương thì cần liên kết với quy hoạch phát triển vùng để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Từ lợi thế mỗi tỉnh cần phát huy thế mạnh vùng, sức mạnh địa phương cần được liên kết để tạo ra một sức mạnh lớn hơn quy mô cấp vùng.
Ông Fujita Tetsushi
Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy những bản sắc làm nên niềm tự hào của người bản địa thì các yếu tố trọng yếu để đô thị phát triển bền vững là phải thân thiện với môi trường, an toàn và an tâm, sau đó là việc đưa ra những quy định và hướng dẫn các nhà đầu tư phát triển cụ thể từng khu vực. Kỹ sư Lê Đức Trí- chuyên gia Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd- một người con quê hương Vĩnh Long:
Điều kiện về đất đai, thiên nhiên Vĩnh Long tốt nhưng vị trí, lợi thế cạnh tranh còn kém, cần có quy hoạch, định hướng, liên kết phát triển kinh tế và quy hoạch không gian nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh nhà trong tương lai.
|
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin