Nhớ cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp

02:05, 06/05/2014

Nhân Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc-Vesak lần thứ 11 chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức, từ mùng 7 đến 11/5/2014, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), Báo Vĩnh Long giới thiệu bài viết của cộng tác viên Trương Công Giang về cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp- nguyên Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật

 

LTS: Nhân Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc-Vesak lần thứ 11 chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức, từ mùng 7 đến 11/5/2014, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), Báo Vĩnh Long giới thiệu bài viết của cộng tác viên Trương Công Giang về cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp- nguyên Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Quá trình tu học

Cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp có tên là Thái Hồng Điệp, sinh năm 1938 tại xã Mỹ Lộc- Tam Bình.

Thân sinh cố Hòa thượng là ông Thái Văn Hai và bà Bùi Kim Loan. Ông Thái Văn Hai là người sớm giác ngộ, tham gia cách mạng từ năm 1933 đến năm 1947 hy sinh ở nhà tù Côn Đảo (lúc này ông mới 32 tuổi) để lại người vợ trẻ và 3 đứa con nhỏ từ 1- 9 tuổi (tức Hòa thượng và 2 người em: 1 trai, 1 gái).

Sau Hiệp định Genève 1954, người em trai của Hòa thượng là Thái Hồng Quang đi tập kết ra Bắc trở thành sĩ quan quân đội và hiện nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh. Cô em út của Hòa thượng là Thái Hồng Nhung nay ở Phường 1 (TP Vĩnh Long).

Từ năm 1938- 1958, thuở ấu niên, Hòa thượng ở gia đình cùng mẹ và học ở huyện Tam Bình.

Năm 1958, Hòa thượng xuất gia đi tu học và hoạt động tôn giáo ở các chùa thuộc các tỉnh Trà Vinh, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long. Hệ phái gốc của Hòa thượng là Bắc Tông (môn phái Thiền Tông).

Hòa thượng đã học qua Đại học Phật học tại Phật học viện Huệ Nghiêm (TP Hồ Chí Minh).

Năm 21 tuổi, Hòa thượng thọ giới Sa di, năm 24 tuổi thọ giới Tỳ kheo.

Từ năm 1981- 2013 (đến khi qua đời), Hòa thượng là Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long, là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ năm 1985 đến năm 2013, Hòa thượng liên tục được bầu làm Phó Chủ tịch (không chuyên trách) UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long.

Và phụng sự đạo pháp, phụng sự xã hội

Hòa thượng luôn có phong thái ung dung, tĩnh tại, điềm đạm, ôn hòa, từ bi bác ái, giản dị, thương yêu, gần gũi mọi người.

Nguyện vọng của Hòa thượng hằng ấp ủ là phụng sự đạo pháp, phục vụ xã hội. Trong quá trình sống và làm việc, Hòa thượng luôn trau dồi kiến thức.

Hòa thượng giỏi về Hán- Việt, phiên dịch kinh sách, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống. Hòa thượng rất quan tâm đào tạo thế hệ trẻ tu học.

Năm 1990, Hòa thượng đứng ra mở trường lớp Phật học ở nơi trụ trì- thiền viện Sơn Thắng (xã Thanh Đức- Long Hồ). Hơn 20 năm qua, trường đã đào tạo được hàng trăm tăng ni, tín đồ, phật tử có trình độ sơ- trung cấp Phật học.

Sau thời gian lâm bệnh, được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh hội, các đệ tử, tăng ni, cư sĩ, phật tử, giáo sư, bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng thân xác vô thường, ngày 18/1/2013 (nhằm ngày 7 tháng Chạp năm Nhâm Thìn) Hòa thượng đã viên tịch tại chùa Sơn Thắng, trụ thế 75 tuổi.

Biết rằng “có đến, có đi”, “sống như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”, “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của muôn đời, nhưng trong những ngày tang lễ cố Hòa thượng, tăng ni, phật tử từ Bắc vào Nam, các cơ quan địa phương, Trung ương Giáo hội, Đảng, chính quyền đoàn thể tụ hội về đây tiễn đưa Hòa thượng cao đăng Phật quốc.
 
Nhiều tổ chức và cá nhân đã ghi vào sổ tang những dòng chữ chân thành, cảm động: “Mặt trời lặn phương xa/ Nhưng vầng hồng chưa tắt/ Trời tây người đi qua/ Nhưng lòng từ không mất”. (Đại đức Thích Thánh Khả)

Còn nhà sư Thích Trúc Thông Kiện viết: “Con Thông Kiện vô cùng tiếc thương thầy, trong cuộc đời tu hành, thầy là tấm gương sáng cho chúng con noi theo. Thầy còn ở thế gian luôn là điểm tựa cho con làm phật sự. Nay thầy theo Phật thì hình bóng thầy luôn ở trong tâm con”.

Hòa thượng Thích Đắc Pháp là một vị chơn tu để lại niềm tiếc thương cho đồng bào có đạo và không có đạo, tăng ni, phật tử, cán bộ và nhân dân. Ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ghi vào sổ tang: “Thương nhớ Hòa thượng Thích Đắc Pháp- một vị chơn tu suốt đời cho Phật pháp và chúng sinh”.

Với cương vị, uy tín và đức độ của mình trong tổ chức giáo hội, đạo và đời, Hòa thượng đã góp một phần rất quan trọng vào việc xây dựng đường hướng hành đạo của Phật giáo ở tỉnh hoạt động theo pháp luật, gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

Ghi nhận công lao của Hòa thượng với đạo và đời, bản điếu văn trong lễ truy điệu Hòa thượng có đoạn viết: “... Trong suốt quá trình hoạt động phật sự cũng như thế sự: Hòa thượng luôn trung thành tận tụy phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, góp phần to lớn đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, được Giáo hội, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, tăng ni, cư sĩ, phật tử quý phục”

Đã 2 mùa sen nở, 2 Lễ Phật Đản, “cái tôi” của Hòa thượng đã hoàn lại (đất trời) và “giác linh” Hòa thượng đã “cao đăng Phật quốc” (Thuyết ngũ uẩn, quan niệm về con người của đạo Phật), nhưng lòng người vẫn như thấy Hòa thượng còn ở đâu đây, hiển linh chốn vườn hoa Sơn Thắng tươi nở 4 mùa, đúng như nhà sư Thích Huệ Minh đã viết trong sổ tang:
 
“Sinh như thể đắp chăn đông/ Thác như cởi áo hạ nồng khác chi/ Xưa nay các pháp hữu vi/ Không sao tránh khỏi hiệp ni vô thường/ Một khi ngộ lý chơn thường/ Pháp thân hiển hiện mười phương chan hòa/ Tùy duyên hóa độ hằng sa/ Vườn hoa Sơn Thắng nở hoa bốn mùa”.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và Hội thảo Phật giáo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm nay với chủ đề chính là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

TRƯƠNG CÔNG GIANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh