Khó khả thi chuyện đăng ký xin phép bến dân sinh

03:05, 22/05/2014

Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhiều đại biểu đóng góp thẳng thắn về những vấn đề còn khác nhau xoay quanh dự thảo luật này.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhiều đại biểu đóng góp thẳng thắn về những vấn đề còn khác nhau xoay quanh dự thảo luật này.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đơn vị tỉnh Thái Bình), hiện những khu vực ngoài luồng nước chưa được đưa vào quản lý nhưng vẫn có nhiều hoạt động khai thác diễn ra gây mất an toàn giao thông, an ninh, cần phải đưa vào dự thảo luật những quy định bổ sung.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ kiến nghị, dự thảo luật cần khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động đường thủy nội địa, quy định bắt mua bảo hiểm vì đây là loại hình nhiều rủi ro.

Hoạt động giao thông thủy cần được khai thác tối đa nhằm giảm áp lực đường bộ đồng thời xiết chặt về quản lý nhà nước để đảm bảo an toàn. Ảnh: VINH HIỂN


Đại biểu Trương Minh Hoàng (đơn vị tỉnh Cà Mau) cho rằng, việc quy định bến dân sinh phải đăng ký xin phép (nêu tại điểm a Điều 13) là khó khả thi nếu đưa vào thực hiện ở khu vực ĐBSCL. Chẳng hạn như tại Cà Mau, có trên 60% người dân sống trên ghe, mỗi gia đình có một bến, nếu quy định phải được cấp phép sẽ khó cho người dân, ngay cả cơ quan có thẩm quyền cũng khó kiểm tra, kiểm soát, như vậy khi luật ban hành cũng không có giá trị.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long), đề nghị cần phân cấp quản lý phương tiện cho cấp huyện, xã đăng ký quản lý phương tiện từ 1- 1,5 tấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở nắm và quản lý chặt hơn. Nên giới hạn tuổi đối với người lái phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ, cụ thể là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam để đảm bảo an toàn.

Về một số quy định của luật hiện hành không có tính khả thi hoặc khó thực hiện mà dự thảo luật chưa được điều chỉnh bổ sung như: quy định mặc áo phao khi đi qua đò ngang, sơn mớn nước phương tiện nhất là phương tiện gỗ,… đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc quy định như thế nào có tính khả thi hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Cũng về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng quy định này cần phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Chính phủ chưa tiến hành việc nghiên cứu, đánh giá, do đó, trước mắt cần giữ nguyên độ tuổi như quy định tại Điều 35 của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004.

Trong phiên thảo luận, mặc dù còn một số nội dung chưa thống nhất, nhưng đa số đại biểu nhất trí về phạm vi điều chỉnh và quy định áp dụng pháp luật cần phải có đối với một số hoạt động giao thông đường thuỷ tại các vùng nước không phải đường thủy nội địa.

Đại biểu Trần Văn Tán (đơn vị tỉnh Tiền Giang) đề nghị cần chỉnh sửa lại các khái niệm “đường thủy nội địa”, “luồng chạy tàu” để điều chỉnh một số hoạt động giao thông đường thuỷ tại các vùng nước không phải đường thủy nội địa”.
 
Lý do là phần mặt nước ven bờ từ giới hạn hành lang bảo vệ luồng đến mép bờ không được coi là đường thuỷ nội địa, nhưng lại được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường thủy nội địa là mâu thuẫn với tên gọi của luật và có nội hàm không thống nhất với nội dung về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004.

Về quản lý luồng, tuyến, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định các tuyến đường thủy ven bờ biển, từ bờ ra đảo, nối các đảo. Theo các đại biểu, quy định các tuyến đường thuỷ nội địa cần thống nhất với quy định của Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam.

Về quy định tìm kiếm cứu nạn cứu hộ giao thông thuỷ nội địa, đa số các đại biểu nhất trí các quy định trong dự thảo và đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của tổ chức và cá nhân khi có tai nạn và sự cố xảy ra trên đường thuỷ nội địa.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đơn vị tỉnh Quảng Bình) đề nghị đưa vào luật các quy định đăng kiểm quản lý nhà hàng nổi, có nhiều loại thuyền, ca nô vì nhà hàng cũng có thể xảy ra các tai nạn hết sức nguy hiểm… Hiện nay thuyền du lịch hoạt động rất tự do, có nhiều gia đình tự mua thuyền, tự kinh doanh cũng phải quản lý.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị rà soát các quy định về tín hiệu đèn báo, tín hiệu giao thông đường thuỷ, trách nhiệm mua bảo hiểm dân sự, về quy định thuê phương tiện… trong đó có việc nghiên cứu mở rộng độ tuổi của thuyền viên. Các đại biểu cũng đề xuất mở rộng các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động giao thông thuỷ nội địa, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động giao thông thuỷ nội địa...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh