Cần quy định người quá cảnh được các quyền bảo hộ như người nhập cảnh, cư trú

06:05, 25/05/2014

Mặc dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý nhưng tại phiên thảo luận đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn có nhiều ý kiến đóng góp. Các vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm là nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; điều kiện cấp thị thực…

Mặc dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý nhưng tại phiên thảo luận đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn có nhiều ý kiến đóng góp. Các vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm là nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; điều kiện cấp thị thực…

* Nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đơn vị tỉnh Phú Yên) cho rằng, về điều kiện cấp thị thực ở Điểm a, Khoản 4, Điều 4 quy định người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Quy định như thế này tôi thấy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hiện nay chúng ta đang mong muốn, đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và tạo những điều kiện hết sức thuận lợi.
 
Thế nhưng, để có một giấy chứng nhận đầu tư thì phải có cả một quá trình, nhà đầu tư phải vào thăm dò, thực hiện các thủ tục, nhiều dự án phải mất thời gian 2 đến 3 năm để có giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng ngay từ đầu chúng ta yêu cầu người nước ngoài đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư, như vậy chưa thực sự tạo điều kiện cho người nước ngoài để xin thị thực vào Việt Nam.

Đại biểu Ya Duck (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) đóng góp, ở Khoản 1, Điều 7 quy định thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần, thị thực không được chuyển đổi mục đích, thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.

Tôi đồng ý  với quy định này, vì sẽ giúp ngăn chặn tình trạng người nước ngoài lợi dụng thị thực du lịch để lao động tại nước ta trong thời gian qua gây khó khăn cho công tác quản lý.

Tuy nhiên, có một số trường hợp cần được tạo điều kiện để chuyển đổi mục đích thị thực, trên thực tế nhiều người nước ngoài vào Việt Nam nhằm khảo sát tình hình thị trường trước khi bỏ vốn đầu tư.

Họ thường sử dụng thị thực du lịch, sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, họ muốn ở lại để đầu tư. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho doanh nhân người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhưng có một số quy định mở về vấn đề này.

Tôi xin đề nghị bổ sung điều khoản này như sau: Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần, thị thực không được chuyển đổi mục đích trừ trường hợp do Chính phủ quy định thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.

Ngoài ra, một số đại biểu còn đóng góp thêm nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú quy định tại Điều 4 cần bổ sung thêm nội dung là phải tôn trọng lịch sử, nền văn hóa của Việt Nam; khách sạn thuộc cơ sở lưu trú du lịch có người nước ngoài đến tạm trú, ít nhất thời hạn là 2 giờ thì phải thông tin qua mạng cho cơ quan xuất nhập cảnh.

* Cần quy định cụ thể trong quản lý xuất nhập cảnh

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đơn vị tỉnh Bình Phước) băn khoăn, về công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tôi cho rằng, hiện nay công tác quản lý này thiếu đồng bộ thống nhất giữa yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội với yêu cầu đối ngoại và phát triển kinh tế- xã hội.  

Sự phân công trách nhiệm giữa Bộ Công an với các bộ ngành hữu quan trong công tác quản lý người nước ngoài chưa cụ thể, nên có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Hiện, có tình trạng một số doanh nghiệp tự ý chuyển nhượng dự án, đầu tư núp bóng, nhờ người Việt Nam đứng tên giấy chứng nhận kinh doanh, ngừng hoạt động không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Có trường hợp, người nước ngoài sử dụng giấy thông hành trong khu vực biên giới, nhưng lại đi sâu vào nội địa Việt Nam để lao động, mua bán nông-lâm sản trái phép đang diễn ra khá phổ biến, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động này.

Trong khi dự thảo luật chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, MTTQ và UBND các cấp, chưa quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan.

Để đảm bảo tính khách quan trong việc quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan.

Đại biểu Phạm Văn Tấn (đơn vị tỉnh Nghệ An): Điểm a, Khoản 1, Điều 45 quy định “Người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam có các quyền được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, ở điểm này không có quy định đối với người quá cảnh, trong thực tế người nước ngoài có thể quá cảnh trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có thể quá cảnh trong một thời gian dài do những trường hợp bất trắc ngoài ý muốn.
 
Với trường hợp như thế, dù quá cảnh trong thời gian ngắn hoặc thời gian dài thì họ có được bảo hộ tính mạng, tài sản chính đáng như những người nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú không. Ở đây đối tượng người quá cảnh không có các quyền đó ở Điểm a, Khoản 1, Điều 45.

Đại biểu Ya Duck (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, quy định ở Khoản 4, Điều 21 các trường hợp chưa cho nhập cảnh là “người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng thì chưa cho nhập cảnh” và thẩm quyền chưa cho nhập cảnh trong trường hợp này là “người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị biên phòng cửa khẩu”.

Tôi cũng băn khoăn về thẩm quyền này, bởi vì người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị biên phòng cửa khẩu không có điều kiện, phương tiện để xác định người bị mắc bệnh tâm thần và bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng để quyết định chưa cho nhập cảnh. 

Một số đại biểu còn đề nghị, việc quy định người nước ngoài tạm trú tại khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới, các đại biểu cho rằng, đây là các địa bàn có tính đặc thù, do đó cần phải quy định chặt chẽ các điều kiện về khai báo tạm trú, trách nhiệm của các cơ quan lưu trú, cơ sở sử dụng lao động, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của chính quyền địa phương tại khu vực này.

THANH TÂM (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh