Tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, một số đại biểu vẫn còn có ý kiến băn khoăn rằng phạm vi điều chỉnh của luật cần được quy định cụ thể, phải bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của luật khác.
Tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, một số đại biểu vẫn còn có ý kiến băn khoăn rằng phạm vi điều chỉnh của luật cần được quy định cụ thể, phải bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của luật khác.
Đại biểu đề nghị đơn giản hóa những thủ tục rườm rà trong cấp phép xây dựng. Ảnh minh họa: VINH HIỂN
Cần quy định phạm vi điều chỉnh thống nhất
Vấn đề phạm vi điều chỉnh được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp, có một số ý kiến đề nghị phải xem lại. Đa số thống nhất phải có quy định, phạm vi quy định hoạt động đầu tư xây dựng là phù hợp và có kế thừa với luật cũ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị rà soát lại các quy định cụ thể để tránh mâu thuẫn với các luật có liên quan khác.
Đại biểu Trần Minh Diệu (đơn vị tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc điều chỉnh dự án xây dựng là cần thiết, nhất là đối với các trường hợp do thay đổi chỉ số xây dựng, các trường hợp đặc biệt bất khả kháng do thiên tai, do thay đổi quy hoạch.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do chưa thực sự cấp thiết được quy định trong luật là chưa chặt chẽ, không rõ ràng và trên thực tế đang bị lợi dụng để điều chỉnh nâng quy mô và tổng mức đầu tư một cách tràn lan.
Đây là vấn đề nhạy cảm đang được diễn ra một cách khá phổ biến, khó kiểm soát và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, kéo dài tiến độ thi công dễ dẫn đến tiêu cực gây thất thoát lãng phí.
Vì thế, chúng tôi đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu để bỏ hoặc quy định lại một cách hạn chế và nghiêm ngặt hơn đối với trường hợp điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đơn vị tỉnh Bình Định) để đảm bảo tính khách quan trong việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng (tại Điều 36 ngoài Khoản 1 và Khoản 2), tôi đề nghị thêm Khoản 3 quy định nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch xây dựng là phải lấy ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định trước đây của quy hoạch xây dựng cần điều chỉnh.
Vì các thành viên trước đây họ đã nghiên cứu kỹ về quy hoạch xây dựng cần điều chỉnh. Do đó, ý kiến của họ sẽ góp phần đảm bảo tính đồng bộ, tính liên tục, lâu dài của quy hoạch xây dựng, tăng tính phản biện, tránh suy nghĩ chủ quan theo nhiệm kỳ.
Ngoài ra, thời gian qua, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, trong đó có một nguyên nhân được nhận thấy rất rõ, đó là do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư.
Thế nhưng, những quy định nhằm hạn chế tình trạng nói trên chưa được quy định trong luật. Đại biểu Lê Quang Hiệp (đơn vị tỉnh Thanh Hóa) nêu, thực tế hiện nay số lượng các doanh nghiệp đăng ký hành nghề xây dựng trên cả nước là rất lớn, nhưng năng lực, kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng công trình xây dựng. Luật xây dựng hiện hành chưa phân định được rõ năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng.
Tôi đề nghị cần quy định rõ hơn về sát hạch đánh giá năng lực đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, việc đánh giá, xếp hạng là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Đồng thời quy định rõ các năng lực nào được thực hiện các công trình có quy mô phù hợp với hạng năng lực đó.
Nên đơn giản hóa trong cấp phép xây dựng
Các quy định về cấp giấy phép được các đại biểu quan tâm và đề nghị cần giảm bớt các phiền hà cho nhân dân. Nếu như có đưa để trong luật này thì cũng phải cần rà soát lại để đảm bảo các điều kiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết, tránh sự tùy tiện thực hiện ở dưới địa phương, cơ sở và gây phiền hà cho nhân dân.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đơn vị tỉnh Tây Ninh) đề nghị nên bãi bỏ Điều 47 quy định về giấy phép quy hoạch xây dựng. Bởi vì, đây sẽ là một giấy phép con gây thêm thủ tục hành chính rườm rà. Thực tế hiện nay khi triển khai quy hoạch chi tiết của các nhà đầu tư diễn ra bình thường và trôi chảy.
Nếu quy định như thế này sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, bởi vì quy hoạch chung được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền cụ thể là chủ tịch UBND tỉnh chỉ cần cho chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư sẽ dễ dàng triển khai quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Về cấp phép xây dựng, ông đề nghị để cấp phép xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện theo quy định, điều kiện đầu tiên đối với tất cả công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ là phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (đơn vị TP Hà Nội) đóng góp, đối với quản lý nhà nước về xây dựng, giấy phép xây dựng có tầm quan trọng hàng đầu, vì nó kiểm tra lần cuối tính hợp pháp của hoạt động xây dựng và công trình xây dựng trước khi khởi công.
Tuy nhiên, về các trường hợp không cần giấy phép xây dựng công trình (quy định tại Khoản 2, Điều 89) cần bổ sung 2 mục là: công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hiện nay được miễn giấy phép xây dựng theo dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) vẫn phải xin cấp phép xây dựng.
Thứ hai, trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, việc bổ sung 2 trường hợp trên vào Điều 89 để miễn giấy phép xây dựng, điều này phù hợp với quá trình cải cách hành chính và tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (đơn vị TP Hải Phòng) đồng ý cao với dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ những nội dung đã được quy định và thực hiện ổn định trong 10 năm qua luật năm 2003 thì giữ nguyên, tránh sửa đổi hoặc đã rõ và thực hiện có hiệu quả thì có thể đưa ngay vào trong quy định trong luật để giảm bớt các quy định tại nghị định, để khi luật được ban hành có hiệu lực cao và đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, các đại biểu có đề nghị cần bổ sung quy định tăng cường công tác tiền kiểm của các cơ quan chuyên môn của nhà nước để tránh được việc đầu tư lãng phí, thất thoát không hiệu quả. Luật nên có thêm các quy định về cơ chế hoạt động của giám sát cộng đồng.
Nếu không có các quy định này thì không nên đưa giám sát cộng đồng vào quy định của dự thảo luật, mà để thực hiện theo các quy định hiện hành. Đa số đại biểu nhất trí cần có những điều khoản quy định vấn đề quản lý vật liệu xây dựng, vì nó có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, tiến độ cũng như chi phí, thẩm mỹ, kiến trúc và an toàn trong khai thác, sử dụng công trình…
THANH TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin