Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đa số các đại biểu đều cho rằng, cần quy định BHYT bắt buộc. Ngoài ra, các đại biểu đóng góp nhiều về trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ BHYT; vấn đề thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến…
Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đa số các đại biểu đều cho rằng, cần quy định BHYT bắt buộc. Ngoài ra, các đại biểu đóng góp nhiều về trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ BHYT; vấn đề thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến…
Theo dự thảo của Luật BHYT sửa đổi lần này, người nghèo và hộ cận nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. |
Cần quy định hình thức BHYT bắt buộc
Thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo luật quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.
Bên cạnh đó, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (đơn vị tỉnh Nam Định) cho rằng, tại khoản 1, điều 2 quy định: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này.
Tôi hoàn toàn nhất trí vì mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân rất cần đến sự chia sẻ của cộng động và hỗ trợ của ngân sách nhà nước, góp phần giảm chi từ tiền túi của người dân, giúp tránh rơi vào nghèo hóa khi không may bị bệnh nặng phải điều trị lâu dài.
Từ thực tế triển khai BHYT của nước ta trong những năm qua và các nước trên thế giới cho thấy không có một quốc gia nào có thể thực hiện BHYT toàn dân thành công mà không áp dụng hình thức BHYT bắt buộc.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đơn vị tỉnh Yên Bái) góp ý, việc quy định không bắt buộc tham gia BHYT sẽ có nhiều nhóm đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao, kinh tế ổn định nhưng không tham gia, mà chỉ có những người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc đã mắc bệnh nặng, hiểm nghèo phải chữa trị dài hạn mới tham gia BHYT đã tạo nên sự lựa chọn ngược, làm mất khả năng cân đối quỹ, ảnh hưởng đến tính bền vững của chính sách này.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (đơn vị tỉnh Tiền Giang) nhận định, Luật BHYT hiện hành quy định người dân có trách nhiệm tham gia BHYT và quy định lộ trình thực hiện BHYT toàn dân nhưng chủ yếu thông qua vận động và chưa đủ cơ chế pháp lý để người dân tham gia BHYT bắt buộc.
Tôi nhất trí quy định cụ thể hình thức BHYT bắt buộc theo hộ gia đình và giảm mức đóng đối với người thứ hai trở đi như dự thảo luật quy định. Việc chú trọng thực hiện BHYT theo hộ gia đình sẽ khắc phục được tình trạng chỉ có người ốm tham gia BHYT, góp phần bảo đảm cân đối quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, để nâng cao tính khả thi của luật nhiều đại biểu đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục mua BHYT như các loại hình bảo hiểm thương mại khác, đơn giản hóa việc cấp thẻ BHYT, thủ tục khám chữa bệnh và đặc biệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở cung cấp dịch vụ BHYT hiện nay.
Song song đó, ngoài công tác tuyên truyền vận động, cũng cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn vào luật, để xử lý các trường hợp trốn tránh trách nhiệm tham gia BHYT.
Ví dụ người không tham gia BHYT khi khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo giá dịch vụ, tính đủ cho các chi phí cần thiết không phải theo giá vẫn còn bao cấp trong cơ sở y tế công lập hiện nay để buộc họ phải có trách nhiệm hơn với xã hội.
Cần đưa nguồn kết dư quỹ về trung ương để điều tiết chung
Về xử lý kết dư quỹ BHYT, dự thảo luật quy định 90% số tiền đóng BHYT dành cho khám, chữa bệnh, 10% dành cho quỹ dự phòng quản lý bộ máy tổ chức BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đơn vị tỉnh Đăk Nông) nêu không đưa toàn bộ quỹ kết dư và quỹ dự phòng BHYT, mà đưa một phần vào quỹ dự phòng để điều tiết chung trên phạm vi cả nước. Một phần kết dư được giữ lại ở địa phương có kết dư để sử dụng vào việc phát triển BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương.
Đại biểu Pờ Hồng Vân (đơn vị tỉnh Lai Châu) đồng tình song đề nghị cần có quy định cụ thể các trường hợp sẽ được điều tiết từ nguồn này.
Cần nêu rõ thứ tự ưu tiên, trong đó đặc biệt ưu tiên điều tiết cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các vùng này.
Về thanh quyết toán khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, nhiều đại biểu nêu nên giữ nguyên như cũ là quỹ BHYT thanh toán 30% chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương, 50% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, 70% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến huyện. Bởi vì, không ai muốn đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến làm gì, sở dĩ trường hợp này xảy ra vì ở có một số trường hợp bệnh nặng và người dân chưa tin tưởng tuyến dưới nên mới đi trái tuyến.
Tại phiên thảo luận này, một số đại biểu đề xuất cần quy định BHYT chi trả cho việc khám chữa bệnh đối với trẻ em suy dinh dưỡng. Bởi, trên thực tế Việt Nam nằm trong 34 nước có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất và số trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, nhiều nhất trên thế giới.
Tỷ lệ này ngày càng cao đối với trẻ em người dân tộc, với mức tăng trưởng kinh tế hiện nay là mức thu nhập trung bình, con số này rất đáng ngại. Vì vậy cần đưa vấn đề này vào luật, trong đó cần quy định BHYT sẽ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi và không hạn chế tuyến khám, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):
Tôi thấy rằng để nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, thì trong đó một yếu tố hết sức quan trọng là phải chăm sóc từ trẻ từ giai đoạn còn nhỏ. Các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng của trẻ em hiện nay không nằm trong phạm vi của luật. Theo tôi, việc nâng lên tầm vóc và điều kiện nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực của người Việt Nam rất cấp thiết, do đó nhất thiết phải có chế định quy định chế độ BHYT đối với phòng chống suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 6 tuổi trong quy định của pháp luật. Đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):
Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, tôi thấy còn 2 đối tượng là hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng và đối tượng hưởng trợ cấp mất việc hàng tháng mà Quốc hội cần xem xét để bãi bỏ đồng chi trả 5% như trong dự thảo luật hiện nay. Bên cạnh đó, các đối tượng khác không được hưởng ưu tiên thì mức đồng chi trả 20% theo tôi còn quá nặng. Nếu những trường hợp bị bệnh mãn tính, bệnh nặng thì mức đồng chi trả 20% này sẽ là gánh nặng cho gia đình của họ. Với trách nhiệm của đại biểu, tôi đề nghị Quốc hội xem xét giảm mức đồng chi trả này để tạo sự an tâm cho người dân trong khám và chữa bệnh. |
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin