Quốc hội cần đưa ngay vào chương trình những dự án luật bức xúc

01:05, 29/05/2014

Đại biểu Quốc hội tán thành và nhất trí cao với các quan điểm định hướng xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, việc bổ sung các dự án vào chương trình toàn khóa và năm 2014. Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là Quốc hội cần đưa ngay vào chương trình những dự án luật bức xúc để đáp ứng với tình hình thực tế đang diễn ra trong đời sống.


Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long thảo luận tại tổ.

Đại biểu Quốc hội tán thành và nhất trí cao với các quan điểm định hướng xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, việc bổ sung các dự án vào chương trình toàn khóa và năm 2014. Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là Quốc hội cần đưa ngay vào chương trình những dự án luật bức xúc để đáp ứng với tình hình thực tế đang diễn ra trong đời sống. 

* Cần quy định chi tiết về giám sát cộng đồng

Đóng góp cho dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát lại tất cả các quy định để đảm bảo tính thống nhất đối với các dự luật Quốc hội đã thông qua có liên quan tới đầu tư công và có một độ mở nhất định đối với các luật mà Quốc hội sẽ cho ý kiến tại kỳ họp này hoặc trình thông qua tại kỳ họp này.   

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đơn vị tỉnh An Giang) cho rằng, cần xem xét lại Điều 38 dự thảo luật, vì cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho cơ quan nhà nước cấp dưới là huyện và xã. Việc phân cấp rất cần thiết, tuy nhiên nếu không đủ điều kiện và năng lực sẽ gây hậu quả rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là bộ máy xã hiện nay vừa thiếu và vừa yếu.  

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đơn vị tỉnh Tiền Giang) đề nghị, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công và tạo điều kiện cho công tác giám sát, tôi đề nghị bổ sung một căn cứ nữa là phải có ý kiến đồng thuận của nhân dân của vùng dự án hoặc phải có báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức của người dân về các dự án.

Đối với dự án này coi đó là một trong những căn cứ lập thẩm định phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công nhằm bảo đảm tính khả thi không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện về sau.

Đạ biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đơn vị tỉnh Bến Tre) cho rằng, về giám sát cộng đồng trong đầu tư công trong quy định của dự thảo luật mới quy định mang tính nguyên tắc.

Tôi thống nhất đối với những quy định này, hiện tại Chính phủ có quy định về giám sát cộng đồng đối với các công trình.
 
Ở khâu quyết định chủ trương đầu tư các chương trình dự án thì khâu giám sát không phải là dễ dàng cho nên để tránh việc thực hiện mang tính hình thức hoặc bị lạm dụng để gây khó cản trở trong việc thực hiện chương trình dự án. Tôi đề nghị Chính phủ nên quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành quy định này để đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị về điều khoản thi hành, cần dẫn chiếu hệ thống luật liên quan trực tiếp khác như về nguyên tắc quản lý đầu tư công là phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội, chiến lược kinh tế- xã hội, nhưng cần quan tâm quy định đậm nét thêm một nguyên tắc là phải căn cứ vào quy hoạch vùng kinh tế.

Đây là cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư có hiệu quả, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu trọng điểm, loại bỏ cơ chế xin cho, làm phân tán nguồn lực.  


Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tại hội trường.

* Nên ưu tiên cho những dự án luật bức xúc

Đại biểu Quốc hội tán thành và nhất trí cao với các quan điểm định hướng xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, việc bổ sung các dự án vào chương trình toàn khóa và năm 2014.  

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (đơn vị tỉnh Tiền Giang) nêu ý kiến, chính sách pháp luật nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành nhiều, được đề cập nhiều nhưng thực sự chưa đi vào cuộc sống của người nông dân, còn nhiều bất cập cản trở gây khó khăn cho việc triển khai tổ chức thực hiện.

Từ những kiến ghị của cử tri, tôi mong Quốc hội xem xét trong nhiệm kỳ khóa XIII cần ban hành luật, pháp lệnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để điều chỉnh thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững sánh kịp với các nền nông nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Danh Út (đơn vị tỉnh Kiên Giang) băn khoăn, hiện vẫn còn một số dự án luật chậm, chuẩn bị chưa tốt, chất lượng chưa cao, một số cơ quan chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao.

Vẫn còn tình trạng đến kỳ họp luật mới trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, nên không được lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, về dự kỳ họp mới nhận được dự án luật, cá biệt có luật Quốc hội họp hai ngày mới gửi đến đại biểu Quốc hội, hiện chúng ta chưa có cơ chế, chế tài xử lý vi phạm việc chậm trình dự án luật theo nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Trần Du Lịch (đơn vị TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với luật, thảo luận của Quốc hội là làm sao có sự tranh luận và đến quyết định cuối cùng. Cách thảo luận của ta- nhất là trước khi thông qua luật- dường như ý kiến đại biểu Quốc hội là ý kiến cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham khảo.

Tôi mong rằng ý kiến đại biểu Quốc hội là ý kiến quyết định, bởi vì nếu một vấn đề chúng ta không thảo luận đến cùng mà lấy ý kiến tham khảo đa số thì đa số đó không có cơ sở và chưa chắc đã đúng bởi vì vấn đề chưa được nghe thảo luận đến cùng.  

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đơn vị TP Hồ Chí Minh) nhận xét, chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của ta dường như tính kế hoạch hóa hơi cao. Còn có dấu ấn của xếp hàng thời tem phiếu, những luật bức xúc thì ít được đưa vào, luật chưa bức xúc lắm thì ít được lùi ra.

Vậy trước tình hình hiện nay về biển Đông, về vấn đề nông sản và vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế của đất nước, tôi đề nghị lùi ngay những luật không cần thiết, bức xúc ra khỏi chương trình 2014, 2015.

Quốc hội cần ra nghị quyết về phát triển kinh tế biển đảo để giữ vững ngư trường, để phát triển nghề cá, bảo vệ ngư dân; để kêu gọi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đóng tàu cho ngư dân. Đó là những việc làm hết sức thiết thực và cần thiết.
 
Ngoài ra, Quốc hội cũng nên ra nghị quyết về xuất nhập khẩu để giảm thiểu lệ thuộc về nguyên liệu. Ví dụ như nghề dệt may và vấn đề về xuất khẩu nông sản, nhất là lương thực và các hàng hóa khác.  

Một số đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu chương trình làm luật phải ưu tiên các dự án đã được chuẩn bị khá tốt và thực tiễn cuộc sống đòi hỏi.

Đại biểu đề nghị phải cải cách đổi mới quá trình làm luật, pháp lệnh trên cơ sở triết lý, quan điểm phát triển cũng như phải xác định hoạch định được chính sách, sau đó mới cụ thể vào các điều cụ thể của các dự án.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm và có chế tài cụ thể, phải nêu rõ trong nghị quyết là bộ nào làm tốt, cơ quan nào làm tốt, cơ quan nào chưa làm tốt để có thưởng, phạt rõ ràng.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh