
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có chuyến về nguồn tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Là những đoàn viên lần đầu tiên đến thăm nhà lao Cây Dừa, khó mà kiềm nén cảm xúc, nhiều cặp mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Chúng tôi được học một bài học lịch sử sống động từ nơi được ví là “địa ngục trần gian” này.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có chuyến về nguồn tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Là những đoàn viên lần đầu tiên đến thăm nhà lao Cây Dừa, khó mà kiềm nén cảm xúc, nhiều cặp mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Chúng tôi được học một bài học lịch sử sống động từ nơi được ví là “địa ngục trần gian” này.
![]() |
Chú Nguyễn Văn Tình kể chuyện những đồng đội đã anh dũng ngã xuống.
|
Địa ngục trần gian- một lần đến
Trại giam tù binh Phú Quốc là nơi những tù binh cộng sản chịu đựng đau đớn về thể xác và tinh thần với những hình thức tra tấn man rợ của bọn Mỹ- ngụy Sài Gòn. Nhìn cảnh mô tả đòn tra tấn man rợ của bọn chúng, người này bấm tay người kia “có lẽ không còn hình thức nào man rợ hơn thế nữa”.
Nói đến “địa ngục trần gian” là không thể không nhắc đến hình ảnh của viên cai ngục khét tiếng Trần Văn Nhu (Bảy Nhu, sinh năm 1926, quê Đồng Tháp). Trong hồ sơ của Trại tù binh Cộng sản Phú Quốc, hiện còn lưu giữ hồ sơ về 24 ngón đòn tra tấn “bài bản và hiệu quả” mà các viên cai ngục đều đã thực hành, đúc rút, lưu truyền “nức tiếng”.
Còn các công trình, tác phẩm, tư liệu của nhiều tác giả, nhiều nhân chứng viết về nhà ngục Phú Quốc thì đều nhắc đến 45 hình thức tra tấn tù nhân độc ác ngoài sức tưởng tượng, trong đó đặc biệt “choáng váng” là những trò do Bảy Nhu và đồng bọn quái đản của chúng áp dụng trên thân thể chính đồng bào yêu nước của chúng, thông qua các dụng cụ tra tấn “danh bất hư truyền”: “vồ sầu đời” và “gậy biệt ly”.
Với lý lẽ: một khi bị cái vồ ấy đã đụng vào là coi như sầu đời, chết ném xuống biển làm mồi cho cá dữ, sống thì cũng sầu đời mãn kiếp với các thương tật khiếp vía. Còn cái gậy biệt ly ấy ai đã bị nếm, coi như ly biệt gia đình, đồng đội và cả... cõi dương gian.
Ngoài ra, còn có thể kể đến đòn đập vỡ mắt cá chân, dùng ván và đinh ốc ép cho vỡ lồng ngực tù nhân; dùng kìm rút móng chân móng tay, dùng giẻ tẩm dầu đốt cháy… dương vật; dùng cây sắt nhổ dần từng chiếc răng chính trị phạm; thậm chí cả móc mắt hoặc dùng bóng điện lớn để gần mắt cho đến khi mắt chín nổ “đòm đọp” hoặc luộc “phạm nhân” trong chảo nước sôi…
Anh Nguyễn Trần Oai Hùng- làm việc tại Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long nói: “Khi tận mắt chứng kiến những bằng chứng tra tấn các chiến sĩ cộng sản, tôi không sao diễn tả được cảm xúc của mình. Sự ghê gợn và lòng căm thù dâng lên. Bản thân tự hỏi tại sao cùng là người với nhau lại có những hành động tàn ác đến như vậy?”
Chị Nguyễn Thị Kiều Trang- Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: “Tôi thấy lòng mình đau thắt lại nhưng rất tự hào về các anh. Các anh mãi là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo”. Những tù binh bị nướng trên lửa, đục lấy xương bánh chè, nướng sắt đỏ đâm xuyên bắp chuối… nhưng trước khi kiệt sức vẫn hô: “Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo ngụy quyền Sài Gòn” và “Đả đảo Mỹ- Thiệu! Hồ Chí Minh muôn năm” rồi ra đi vĩnh viễn.
Anh Nguyễn Thanh Sang- Phó Bí thư Đoàn khối Các cơ quan tràn đầy cảm xúc cho biết: “Đến đây, tôi mới hiểu được hết cái gọi là “địa ngục trần gian”. Thán phục trước sự chịu đựng, sức chiến đấu, kiên trung và bất khuất của tù binh chính trị. Từ đó, giúp thế hệ hôm nay sọi rọi lại bản thân mình, biến đau thương thành nhận thức và biến nhận thức thành hành động vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nước mắt cựu tù
Sau hơn 40 năm về lại nhà tù Phú Quốc, chú Nguyễn Văn Tình (Năm Tình, ngụ xã Loan Mỹ- Tam Bình, cựu tù chính trị Phú Quốc) cho biết, chú bị bắt giam 7 tháng ở nhà tù Vĩnh Long sau đó được chuyển ra nhà tù Phú Quốc trong 3 năm (1969- 1972).
Ngày trở lại, chú Năm Tình không kiềm được nước mắt khi nhìn thấy những hiện vật, hình ảnh tái hiện cảnh nhà tù năm xưa. Chú lặng lẽ đốt từng điếu thuốc dâng lên cho đồng đội mình. Bởi, “năm xưa, khi ở trong tù, một điếu thuốc rê từ 20- 30 người hút, khi hút chỉ được “kéo” nhẹ để chừa phần cho anh em”. “Khi người nhà ra thăm đem 2- 3 bánh thuốc rê thì mừng dữ lắm, tưởng chừng có thể sống thêm vài năm, không phải mừng vì bánh thuốc mà mừng vì gia đình còn biết mình đang ở đâu. Có những người khi chết rồi mà gia đình vẫn không có thông tin gì”- chú Năm Tình nghẹn ngào nói.
Mô hình mô tả người tù chính trị Đặng Văn Bê giữ vững khí tiết khi bị ném vào chảo nước sôi.
|
Chúng tôi đến thắp nén hương tại Đài tưởng niệm tù binh, lòng nghe xót đắng khi nhìn những khoảng trống chưa rõ ngày sinh, ngày mất sau những cái tên. Chú Năm Tình trầm giọng nói, có những người đã ngã xuống như thế. “Anh Đặng Văn Bê (quê ở Cai Lậy- Tiền Giang) bị chúng lấy bao chỉ xanh trùm vào người, xô ngã anh xuống rồi nắm miệng bao lôi xềnh xệch vào nhà bếp và khiêng ném anh vào chảo nước sôi. Khi chúng lôi anh ra, anh bị vuột da trắng xác”- chú Năm nhìn hàng chữ mang tên Đặng Văn Bê rồi kể.
Chú Năm Tình vén quần đến đầu gối chỉ vào những vết đòn roi năm nào vẫn còn đây. Không gì diễn tả được nỗi đau mà những tù binh đã chịu đựng. “Cứ mỗi chiều thứ 7, chủ nhật, chúng tập hợp tù binh, trong đó có tôi ra xếp hàng đánh dã man, từ đổ máu cho đến chết với bất kỳ lý do gì. Còn những ngày khác trong tuần, chúng muốn đánh vào giờ nào là đánh. Chúng chỉ vào cái ca mủ uống nước hỏi tròn hay méo? Nói tròn, chúng cũng đánh, nói méo chúng cũng đánh, nói không biết chúng cũng đánh luôn”- chú Tình nhớ lại.
Chúng đánh đập tàn ác tù binh với âm mưu thâm độc là tiêu diệt về mặt tinh thần, bắt các tù binh khai ra những cơ sở, tổ chức của cách mạnh đang hoạt động nhưng những hành động của chúng thật là vô nghĩa với ý chí kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục. Nay chú là nhân chứng sống đến thăm nhà tù Phú Quốc để thăm lại những anh em đã nằm xuống và kể lại cho thế hệ sau nghe những trang bi tráng nơi nhà tù Phú Quốc. Và chúng tôi ghi khắc trong tim mình rằng, ngày hòa bình hôm nay được đổi từ những giọt máu hồng của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống.
Bài, ảnh: NHÓM PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin