Chiến thắng Điện Biên Phủ- chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

06:05, 07/05/2014

Năm Giáp Ngọ 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bên cạnh những ý nghĩa, giá trị to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao... Chiến thắng Điện Biên Phủ còn khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm Giáp Ngọ 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bên cạnh những ý nghĩa, giá trị to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao... Chiến thắng Điện Biên Phủ còn khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.


Quân đội nhân dân Việt Nam trương cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castries- chiến thắng này đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động địa cầu.
Nguồn: QĐNDO

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; dân tộc ta muôn người như một, vùng lên đấu tranh chống giặc giữ nước. Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ chiến trường.

Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời “kế hoạch Navare” với nỗ lực cuối cùng nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường.

Chúng cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, xem đó là một pháo đài không thể nào công phá nổi, là nơi để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.

Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và quyết mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện quyết tâm đó, cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và chuyển phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. 261.541 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên Phủ, đảm bảo hậu cần phục vụ cho chiến dịch.

17 giờ ngày 13/3/1953, quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong đợt tấn công thứ nhất (từ 13- 17/3/1954), quân và dân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức phá hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Từ 30/3- 30/4/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai, đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Sau đợt tấn công thứ 2 này, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại súng của ta. Quân địch rơi vào tình trạng bị động, hoang mang và mất tinh thần chiến đấu.

Từ 1- 7/5/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ ba, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng mà Đảng và Bác Hồ đã trao cho quân đội ta phất cao trên bầu trời Điện Biên Phủ- nơi mà tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, đồng thời là trung tâm của toàn bộ “kế hoạch Navare” đã bị đập tan, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng.

Có thể nói Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết. Phát huy cao nhất tinh thần ấy, cả dân tộc ta đã dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ nói riêng.

Mặc dù gặp vô vàn gian nan, thử thách do chiến dịch diễn ra ở địa bàn rừng núi, hiểm trở; vùng Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế- xã hội chậm phát triển, vật chất hậu cần, kỹ thuật thiếu thốn,… nhưng chúng ta đã phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của chiến dịch, nhất là trong trận quyết chiến chiến lược.

Cả nước đã huy động tới 62.000 dân công, thanh niên xung phong tham gia xây dựng và sửa chữa cầu, đường, bến bãi; vận chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn vũ khí trang bị, đạn dược ra mặt trận...

Khí thế bừng bừng ra trận, tinh thần đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ- đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng này đã góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, đưa cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia bước sang một thời kỳ mới.

Chiến thắng đã góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam; nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn… của toàn quân và toàn dân ta trên khắp các chiến trường.

Đó là tinh thần chiến đấu của các đơn vị kéo pháo, làm đường, đào hầm, dân công tải đạn, lương thực dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù…

Đó còn là những tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ như: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo,… Tất cả đã góp phần xây dựng nên truyền thống đoàn kết “quyết chiến, quyết thắng” cho Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một vinh dự lớn lao và là niềm tự hào của dân tộc ta, một dân tộc nhỏ, yếu và một lực lượng quân đội còn non trẻ mà đã đánh thắng đội quân tối tân, nhà nghề là đế quốc Pháp. Điện Biên Phủ 1954 quả thật là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết của toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chủ tịch nước Cuba Fidel Castro trong một lần đến thăm Việt Nam đã nói: “Từ trước đến nay, chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song, trên thế giới chưa từng có, trong lịch sử chưa từng thấy”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, không những là chiến thắng to lớn của nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi to lớn của nhân loại tiến bộ, của tất cả các dân tộc nhỏ, yếu đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức, giành độc lập, tự do và hòa bình trên thế giới.

Hơn thế nữa, đã mở đường thành công cho Hiệp định Genève 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương và công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và 2 nước Lào và Campuchia.


Tại căn cứ Việt Bắc, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1953.Nguồn: QĐNDO

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định kinh nghiệm quý báu về phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế thừa những kinh nghiệm đó, những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng và đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc.

Đảng ta xác định, dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng. Việc giải quyết thành công vấn đề dân tộc nên đã tạo được sự đồng thuận xã hội, giúp cho khối đại đoàn kết được củng cố vững chắc, trở thành động lực to lớn cho cách mạng.

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phá hoại khối đại đoàn kết, kích động chống đối, nhằm gây mất ổn định chính trị- xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của ta.

Chính vì thế, chúng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa của vấn đề đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực góp phần giữ gìn, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Trong tình hình hiện nay, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững chắc thì sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân qua bài học lịch sử về sức mạnh đại đoàn kết trong Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm qua, cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng luôn đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, triệu người như một, mang hết tài năng, trí tuệ và công sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp hơn, to đẹp hơn theo lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.

 

Nhận định về thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Điện Biên Phủ như là cái mốc chói lọi bằng vàng lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao với thắng lợi hoàn toàn”.

MỸ KIM

 

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh