“Thông” nhưng chưa “thoáng”!

06:03, 12/03/2014

ĐBSCL là địa bàn “sông rạch chằng chịt” với 28.000km chiều dài sông rạch. Con số ấn tượng góp phần hình thành nét độc đáo của vùng châu thổ sông Cửu Long.

ĐBSCL là địa bàn “sông rạch chằng chịt” với 28.000km chiều dài sông rạch. Con số ấn tượng góp phần hình thành nét độc đáo của vùng châu thổ sông Cửu Long.

Ở đây, đi đến đâu cũng gặp xuồng và ghe tàu. Sông chạy cặp theo lộ xe, vòng quanh phố thị, quấn quýt thôn xóm, ôm ấp cồn bãi, vẽ nên bức tranh trữ tình vốn có… Từ lâu, việc vận chuyển đường thủy nội địa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL đã góp phần giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất của cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển giao thông đường thủy ở vùng ĐBSCL hiện đang chựng lại. Hàng hóa có xu hướng “lên xe” đi đường bộ gây nên nhiều bất cập: ách tắc, hư hỏng cầu đường và tai nạn giao thông đường bộ là vấn nạn lớn quốc gia.

Là vùng sông rạch chằng chịt nhưng tàu ghe bị “mắc cạn” bởi lòng sông và bến bãi. Có chỗ xây bến cảng ngon lành nhưng ghe trọng tải lớn vào không được vì lòng sông cạn. Có nơi “sông sâu nước chảy”, thuận lợi tàu ghe nhưng không có bến bãi cập bến.

Cụ thể nhất là cảng Cái Cui, hiện nay cảng này đã có năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải 20.000 tấn, nhưng hiện cũng chưa thể phát huy năng lực, bởi tàu có trọng tải 5.000 tấn thì chưa thể vào sông Hậu được.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy. Quyết định của Thủ tướng mang lại hy vọng làm “sống lại” và phát huy loại hình, phương tiện vận tải rẻ tiền, thuận lợi và an toàn nhất.

Theo thống kê của BCĐ Tây Nam Bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐBSCL năm 2013 đạt 9,8 tỷ USD. Trong đó chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như gạo, thủy sản chế biến, rau quả đông lạnh, hàng may mặc, giày da,...

Để những mặt hàng này “đi” một cách trôi chảy, phải khai thác được lợi thế sẵn có về sông rạch miền Tây Nam Bộ vốn đã “thông” nhưng chưa “thoáng”!

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh