Tôi bất ngờ, khi được tin Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè đã từ trần tại nhà riêng số 3 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1- TP Hồ Chí Minh vào 20 giờ 15 ngày 10/3/2014,dù chị đã 93 tuổi- cái tuổi gần đất xa trời.
Mẹ VNAH Bùi Thị Mè |
Tôi bất ngờ, khi được tin Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè đã từ trần tại nhà riêng số 3 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1- TP Hồ Chí Minh vào 20 giờ 15 ngày 10/3/2014,dù chị đã 93 tuổi- cái tuổi gần đất xa trời.
Tôi luôn coi chị Năm Mè như là người chị mẫu mực của mình; hơn thế nữa, chị còn nhận má tôi là mẹ nuôi của chị (má tôi cùng quê Vĩnh Long, từng bị tù đày ở Bà Rá thời Pháp thuộc và sau đó bà đã đưa cả gia đình đi kháng chiến chống thực dân Pháp).
Năm chị tròn 90 tuổi, tôi có viết đôi nét ngắn về sự nghiệp hoạt động cách mạng của chị, đăng báo Vĩnh Long dịp ngày 8/3 năm 2011, có nhan đề: Bùi Thị Mè- Mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi 90”.
Khi nhận được bài báo, qua điện thoại, chị chậm rãi, bảo: “Mười ơi! Chị yếu lắm đang nằm gần như liệt giường… đọc bài viết của em, chị cảm thấy như được sống thêm 10 năm nữa. Khi nào em có lên TP Hồ Chí Minh, nhớ ghé thăm chị”. Tôi chỉ biết nghẹn ngào thốt lên: “Em cảm ơn chị!”
Mẹ Việt
Và bây giờ chị đã đi xa rồi! Biết nói gì hơn, cho tôi bày tỏ thêm đôi điều về chị.
Bùi Thị Mè- người con gái của làng Trung Tín (nay là xã Quới An- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Chị được sinh vào năm 1921 và trưởng thành trong một gia đình khá giả ở nông thôn, nên rộng đường học vấn và chị có điều kiện sớm thành đạt.
Không cam sống kiếp con gái, chỉ biết nâng khăn, sửa túi cho chồng nơi nhà cao, cửa rộng, hoặc tranh giành một địa vị xã hội đầy quyền uy, đủ thế lực để làm giàu trên sức lao động của kẻ khác.
Vốn có lòng yêu nước từ tuổi niên thiếu, chị mau chóng hòa nhập vào cao trào Cách mạng Tháng Tám và sớm được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hoạt động công khai trong giới trí thức, chủ yếu tại Sài Gòn và một số đô thị miền Tây Nam Bộ, trước mọi sự dòm ngó, rình rập của bọn mật thám, từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ.
Và cuối cùng chị được điều vào chiến khu, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế- Thương Binh- Xã hội của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phụ nữ R (Phụ nữ giải phóng).
Hàng trước từ trái sang phải: chị Tám Thanh, chị Tư Định, chị Năm Mè, chị Thanh Loan, chị Hai Được, chị Ba Dịnh, chị Sáu Hoa, chị Tư Cương.
Hàng sau: chị Hoa, chị Sáu Nhiệm, chị ba Hậu, chị Nga, chị Sáu Nữ, chị Bảy Hoà, chị Hai Hồng, chị Sáu Tuyết, chị Ba Thương, chị Mười Mẫn. (ảnh tư liệu)
Tôi có dịp gặp chị- một người phụ nữ có đôi mắt ngời sáng, vầng trán thông minh, nói năng nhỏ nhẹ, hoạt bát toát lên một phong cách thanh thoát, đôn hậu.
Và giấu sao được trên khuôn mặt ấy một nỗi đau, dù lúc nào chị cũng nở nụ cười trìu mến với cái bắt tay hòa nhập, khi gặp gỡ bạn bè thân thiết. Chúng ta khó đoán biết chị là một người mẹ có 6 người con (4 trai, 2 gái).
Chị vốn rất yêu con, khi các con còn bé, một cọng gai mảnh đâm vào bàn chân, bàn tay của con cũng đủ làm cho vợ chồng chị nhói lòng. Trong 6 người con, cả 3 người con trai đầu: Nguyễn Huỳnh Sanh, Nguyễn Huỳnh Tài, Nguyễn Huỳnh Đại đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Nam Bộ vào những năm 1967- 1968.
Những bức thư của Sanh, Tài, Đại từ chiến trường gửi về cho gia đình còn đó sự kết nối mối huyết thống khó mà chia cắt được; còn đó sức mạnh của lòng dũng cảm và trái tim trẻ trung không bao giờ ngừng đập, luôn tiến về phía trước, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Nguyễn Huỳnh Sanh- người con trai đầu lòng của chị là chiến sĩ bảo vệ đồng chí Trần Bạch Đằng; tư liệu có đoạn ghi: “Bùi Thị Mè là mẹ của 3 liệt sĩ.
Trong số đó, người con cả của chị, cháu Sanh, là cận vệ của tôi tại Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Mậu Thân 1968 và cháu hy sinh ngay trên tuyến bảo vệ xung yếu cơ quan đầu não của chiến dịch, cách hầm chỉ huy của tôi vài chục bước”. Còn Nguyễn Huỳnh Đạo, người con trai thứ tư là thương binh.
Dưới đây, xin trích nguyên văn bức thư chiến trường của Nguyễn Huỳnh Sanh (Bé Hai) trước khi đi công tác lần cuối:
“Kính thưa Ba, Má!
Con vừa nhận được lịnh đi công tác, con viết thư này báo cho Ba Má rõ. Con định về thăm Ba Má nhưng tình hình biệt kích và ngày giờ không nhiều, còn bận học tập trước khi đi, nên có thể con không về thăm Ba Má được.
Ba Má ơi! Công tác của con thì Ba Má có thể hiểu rồi. Ba Má cứ yên tâm không việc gì phải lo ngại cả. Con đi đợt công tác này con rất phấn khởi. Các em con hiện nay đều ở bộ đội, hôm nay đến phiên con ra đi mặc dù không phải là bộ đội, nhưng tuổi trẻ chúng con phải đóng góp tất cả nhiệt tình và sức lực cho công cuộc giải phóng đất nước.
Con xin hứa với Ba Má là con sẽ không làm mất sự nghiệp và nghĩa khí của gia đình ta. Ba Má ạ! Ba Má thường hay khuyên con là không nên hời hợt chủ quan, phải suy nghĩ và quan niệm cho đúng. Con xin hứa là sẽ suy nghĩ chín chắn để hoàn thành đợt công tác này.
Trong tình hình hiện nay, con thấy là thanh niên chúng con phải tập trung tất cả sức lực và kiến thức của mình để đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn gian khổ con hứa sẽ khắc phục để làm thế nào cho gia đình ta mau đoàn tụ, để anh em chúng con được sum họp…
Mấy hàng con báo Ba Má rõ.
Con của Ba Má
20- 1- 68”
Chị Năm ơi! Mỗi lần chị gặp chúng tôi, những bạn bè đồng hương, nhắc đến chuyện kháng chiến, chuyện gia đình, bao giờ chị cũng vui vẻ trao đổi để động viên nhau và cố giấu đi nỗi xót đau xé lòng của riêng mình.
Đành vậy, bởi đất nước sẽ không mang về chiến thắng vinh quang, nếu không có những nỗi đau trong nhiều nỗi đau của những người mẹ Việt
Xin vĩnh biệt chị!
Từ một tiểu thư con gái điền chủ, một cô giáo trường tư thục, bà Bùi Thị Mè tự tìm đến với con đường cách mạng và đưa cả gia đình mình đi theo, từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Mẹ Việt
|
NGUYỄN HỒNG TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin