Đứng trên cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh) nước chảy cuồn cuộn, ghe tàu qua lại tấp nập, anh Mai Thanh Tú- công chức nông nghiệp xã Đức Mỹ nói rằng những năm trước thời điểm này mặn đã xâm nhập nặng vào nội đồng, năm nay mặn mới tới Láng Thé, độ mặn khoảng 1‰ và còn nhấp nhấp chưa tới Cái Hóp. Xâm nhập mặn năm nay được cho là muộn hơn.
Đứng trên cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh) nước chảy cuồn cuộn, ghe tàu qua lại tấp nập, anh Mai Thanh Tú- công chức nông nghiệp xã Đức Mỹ nói rằng những năm trước thời điểm này mặn đã xâm nhập nặng vào nội đồng, năm nay mặn mới tới Láng Thé, độ mặn khoảng 1‰ và còn nhấp nhấp chưa tới Cái Hóp. Xâm nhập mặn năm nay được cho là muộn hơn.
Ghe tàu qua lại cửa cống Cái Hóp, nhưng khi mặn xâm nhập mạnh thì các cửa cống phải đóng lại để ngăn mặn, trữ ngọt.
|
Từ xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), chúng tôi theo đường nhựa, đường đan đôi, đường đan 2 xe qua mặt phải chậm lại, rồi đường đất đỏ quanh quanh hỏi thăm đến cống Cái Hóp. Nhưng bù lại, đường đi xanh rợp bóng dừa, ruộng lác, đồng lúa, nối tiếp từng chang dừa nước gie ra đường…
Khi nước mặn vào sông
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết không mưa, mùa khô năm 2014 sẽ kéo dài đến tháng 5 (âl) và có khả năng gây khô hạn, xâm nhập mặn lấn sâu vào các sông.
Tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng... mùa khô mới bắt đầu, nhưng xâm nhập mặn đã xuất hiện và ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến sản xuất tại địa phương. Mặn lấn sâu vào sông Cổ Chiên (Trà Vinh) đến 35km trong những ngày đầu tháng 3.
Anh Phan Thành Tâm- cán bộ nông nghiệp xã Trung Ngãi (Vũng Liêm) cho hay, năm nay mặn chưa lên nên bà con rất vui mừng, hiện diện tích lúa Hè Thu đã xuống giống 100% (từ 4- 12/2 âl). Xâm nhập mặn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân như thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt, thậm chí “không có nước tắm”. Năm ngoái xâm nhập mặn rất sớm và vào sâu tận vàm Vũng Liêm, còn hiện chưa tới cống Cái Hóp.
Cống Cái Hóp kết hợp giao thông.
|
Cống đập Cái Hóp ngăn dòng chảy sông Cái Hóp để trữ ngọt, ngăn mặn, tháo chua xổ phèn, tưới tiêu cho hơn 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp và đất tự nhiên của huyện Càng Long và một phần đất của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, các dự báo cho thấy tình hình mặn sẽ xâm nhập vô sâu nội đồng trong tháng 4- 5âl.
Khi nước mặn xâm nhập sâu thì cống đập cửa sông Cái Hóp đóng lại ngăn mặn, mực nước sông rạch nội đồng, sông Vũng Liêm xuống thấp. Một số khu vực phụ thuộc nguồn nước sông này như Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành và một phần của Trung Thành Đông sẽ thiếu nước.
Như năm ngoái, xâm nhập mặn sâu, nước không đủ bơm vào đồng, chi phí bơm cao. Hơn nữa, đời sống của người dân chịu ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường.
Từ xã Trung Ngãi, chúng tôi ngược ra phía cửa sông Cái Hóp nhận nước ngọt từ sông Cổ Chiên, đã được ngăn bởi cống Cái Hóp gồm 7 cửa, mỗi cửa rộng 10m, cao 7m đóng mở 2 chiều, có cầu dẫn giao thông, đập ngăn dòng chảy…
Từ đây nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn, ghe tàu qua lại tấp nập, anh Mai Thanh Tú nói rằng những năm trước, thời điểm này mặn đã xâm nhập nặng vào nội đồng, năm nay mặn mới tới Láng Thé (cách vài chục cây số) độ mặn khoảng 1‰, tình hình khá ổn. Hiện mặn còn nhấp nhấp chưa tới Cái Hóp.
Anh Mai Thanh Tú nói: Dù vậy, thời gian này, ngày nào chúng tôi cũng đo độ mặn để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn. Khi độ mặn dưới 1‰ thì vẫn mở 1- 2 cửa, bởi giao thông thủy qua đây rất tấp nập, chỉ khi mặn đạt đến 2- 3‰ mới đóng cống vì độ mặn này ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa, chẳng hạn lúa nghẹn cổ bông không trổ được, còn liên lụy đến vụ sau.
Thế nên, chủ trương của tỉnh chỉ đạo kiên quyết đóng cống không cho vào ra khi cống không còn khả năng lấy nước ngọt, dù người dân sốt ruột la làng “nước pha chè mở cống cho vào sông có sao đâu. Nước ứ đọng ngứa ngáy, tắm cũng không được”.
Thường thì mặn xâm nhập tới Cái Hóp từ tháng Giêng đến tháng 4 âl. Năm nay, theo anh Mai Thanh Tú, thì tháng 1 không có, tháng 2 ổn, tháng 3 gần hết, mặn sẽ lên nhưng chắc ít hơn. Mà lúa giờ giai đoạn mạ, nên cũng… sợ mặn.
Nhìn ra phía cửa sông đầy ghe tàu qua lại, anh Tú bảo “nước trong rồi đó, nếu kết hợp thêm gió chướng mạnh thì đó là hiện tượng báo nước biển sắp xâm nhập vào tới”.
Trong khi đó, những người dân tiên đoán “mặn sớm muộn gì cũng vào tới sông” và có cách nhận biết bằng kinh nghiệm của riêng mình.
Chú Mười Thân (ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ- Càng Long) bảo “hễ thấy nước sông có màng màng nổi trên mặt nước hay bám vào mấy gốc bần, bập dừa nước thì biết mặn sắp tới”. Hay một cách dễ dàng hơn như của chú Bảy Hùm là “xuống tắm sông, tắm sông cỡ nào cũng nếm thử nước sông, nghe mặn hun hun, nước trong trong”.
Xứ sở đất lành, trái ngọt
Theo anh Mai Thanh Tú, nước mặn xâm nhập vào sâu hay không cũng tùy theo triều và việc đóng cống không phải khóa kín tháng này qua tháng khác, mà chỉ vài ngày, đôi khi mặn lên đỉnh 1- 2 tuần, khi triều rút thì cũng mở cống nạp nước ngọt và cho tàu ghe qua lại.
Bởi vì xã Đức Mỹ có cửa sông đông đúc cặp sông Tiền, có vàm Rạch Bàng hiền hòa mênh mông sóng nước rất thuận lợi cho ghe thương hồ cập bến mua bán, vận chuyển vật liệu, hàng nông sản chở sang các tỉnh bạn như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh...
Ruộng lác xanh mướt ở ấp Đại Đức xen giữa vườn dừa.
|
Từ cống Cái Hóp, chốc chốc có ghe chở đầy dừa khô chạy qua, bởi vùng này có diện tích dừa khá lớn, chỉ riêng Đức Mỹ đã có 520ha dừa. Dừa ở đây không chỉ “thích hợp vùng đất, cho dầu nhiều hơn các vùng khác”, mà theo anh Tú, còn góp phần hình thành làng nghề từ dừa như dập tơ, ép kiện… và cung cấp nguyên liệu cho cả xứ dừa, “hầu hết thương lái mua dừa chở qua Bến Tre”.
Nếu Vũng Liêm tự hào làng nghề dệt chiếu, xe lõi gắn vùng nguyên liệu lác, thì Đức Mỹ cũng vậy. “Trồng lác lâu lắm rồi. Ở đây ai cũng biết xe chỉ, xe lõi, dệt chiếu”- thím Mười Hùm vừa xe lõi vừa cho biết. Ở xã có đến 7 ấp được tỉnh công nhận làng nghề chế biến các mặt hàng từ lác.
Theo Sở Công thương Trà Vinh, làng nghề xã Đức Mỹ hiện có 85 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương, như lác, lục bình và dừa…
Xã tạo được vùng nguyên liệu khá dồi dào với 650ha lác (7,5 tấn nguyên liệu khô/ha), 520ha dừa (sản lượng gần 7,6 triệu trái/năm). Nhờ đó mà trong năm 2013, diện tích lác đã phát triển mạnh sang các xã phụ cận của huyện Càng Long (Trà Vinh) và Vũng Liêm (Vĩnh Long).
Trong khi đó phía bên đây cống Cái Hóp, nhiều nông dân ấp Đại Đức năng động táo bạo phá các vườn tạp, kém hiệu quả để đặt xuống đó loại cây trồng mới toanh: thanh long ruột đỏ! Và từ loại cây này, thị trường biết đến vùng đất thanh long mới ở ĐBSCL.
“Nói hổng phải khen mình chớ nhưng ai thử rồi sẽ biết thanh long xứ tui, vừa đẹp vừa ngon ngọt”- nghe anh Bảy Ngọc khéo giới thiệu vậy, có ai mà cầm lòng được chứ!
Ông Dương Ái Đạo- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm
Theo dự báo khu vực, nước mặn sẽ xâm nhập vô sâu trong tháng 4, tháng 5 âl. Tuy tình hình sản xuất tốt hơn năm rồi, nhưng vẫn lo thiếu nước vùng Trung Ngãi, Trung Nghĩa, sông Vũng Liêm nếu trùng thời điểm con nước kém thì mực nước thấp, nước kinh mương không đủ bơm tưới. Do đó, huyện đã thực hiện nạo vét kinh mương nội đồng, chủ động trữ nước. Hiện một số công trình trạm bơm điện như Trạm bơm điện Đập Giông (xã Trung Nghĩa) đang được thi công, cấp nước tưới tiêu cho 200ha đất nông nghiệp. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin